Dịch COVID-19 vẫn phức tạp, WHO đưa ra chiến lược mới về vaccine

  • 14:24 | Thứ Năm, 18/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Nhận định dịch COVID-19 vẫn diễn phức tạp, trong khi nhiều người dân thuộc nhóm nguy cơ cao nhất chưa được tiêm vaccine và dẫn đến tử vong, WHO đã đưa ra chiến lược mới về vaccine phòng COVID-19, trong đó nhấn mạnh việc phải duy trì động lực tiêm vaccine trong cộng đồng như ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội.
Theo WHO, mỗi quốc gia phấn đấu 100% nhân viên y tế, 100% người dân trên 60 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ được tiêm vaccine COVID-19 và tiêm liều nhắc lại - Ảnh: VGP/Hiền Minh
Theo WHO, mỗi quốc gia phấn đấu 100% nhân viên y tế, 100% người dân trên 60 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ được tiêm vaccine COVID-19 và tiêm liều nhắc lại - Ảnh: VGP/Hiền Minh
 Chiến lược mới về vaccine COVID-19
 
Tính đến nay, trên thế giới đã ghi nhận hơn 596,2 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,4 triệu ca tử vong. WHO khẳng định, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
 
Theo WHO, trên toàn cầu, vẫn còn nhiều người dân thuộc nhóm nguy cơ cao nhất chưa được tiêm phòng vaccine và dẫn đến tử vong. Điều quan trọng là phải duy trì động lực tiêm vaccine trong cộng đồng như ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội. Mới đây, tổ chức này đã đưa ra chiến lược mới về vaccine phòng COVID-19 với 4 mục tiêu cụ thể.
 
Thứ nhất, mỗi quốc gia phấn đấu 100% nhân viên y tế, 100% người dân trên 60 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ được tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm liều nhắc lại.
 
Thứ hai, mỗi quốc gia phấn đấu tạo miễn dịch cộng đồng với 70% dân số có miễn dịch tiếp.
 
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu tạo ra các sản phẩm vaccine mới hoặc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 với các thuộc tính mới như tăng thời gian tác dụng, tăng phạm vi bảo vệ, có tác dụng giảm lây lan.
 
Thứ tư, vaccine có chất lượng được cung cấp đến tất cả các quốc gia.
 
Chiến lược còn nêu rõ các nguyên tắc về đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vaccine giữa các quốc gia, đảm bảo vaccine có chất lượng, an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, không làm suy yếu các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khác, mà phải tăng cường công tác trên, cũng như các chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm.
 
Việt Nam ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 3 tháng qua
 
Tại Việt Nam, tính đến ngày 17/8, cả nước ghi nhận gần 11,4 triệu ca mắc, 43.063 tử vong tại 60 tỉnh, thành phố. Trong ngày 15/8, Bộ Y tế cho biết, số mắc tăng vọt với 2.983 ca nhiễm. Đây là ngày có số nhiễm cao nhất trong hơn 3 tháng qua.
 
Đặc biệt, dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh.
 
Riêng trong tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại và có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
 
Từ tháng 3/2021 đến ngày 16/8/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 253.071.094 liều vaccine phòng COVID-19. Cả nước đã tiêm 251.680.004/249.921.178 liều vaccine phân bổ 165 đợt.
 
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, đồng thời nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19...
 
Tình hình triển khai tiêm vaccine trong nước
 
Tính đến ngày 16/8, nước ta đã triển khai tiêm hơn 49 triệu mũi 3 vaccine COVID-19, tương đương 74,7%. Bộ Y tế cho biết, các địa phương vẫn đang tích cực triển khai tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
 
Tính đến ngày 17/8, các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 thấp gồm: Bình Định (56,1%), Khánh Hòa (54,9%), Quảng Nam (54,7%), Cần Thơ (53,8%), Đồng Nai (46,9%). Các địa phương có tỉ lệ tiêm cao gồm: Nghệ An (99,5%), Bắc Giang (98,1%), Bến Tre (95,4%).
 
Đối với mũi 4, cả nước đã triển khai hơn 12 triệu mũi, tương đương 64,1%. 
 
Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 thấp gồm: Nghệ An (45,1%), Quảng Trị (45,1%), Lâm Đồng (43,7%), Bạc Liêu (40,4%), Đà Nẵng (40,3%). Các địa phương có tỉ lệ tiêm cao gồm: Điện Biên (99,3%), Bình Thuận (97,4%), Vĩnh Long (97,4%).
 
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, tỉ lệ tiêm nhắc lại trên cả nước đạt 44,8%. 
 
Các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp gồm: Bình Dương (22,7%), Đồng Nai (21,2%), Đà Nẵng (18,2%), Bà Rịa Vũng Tàu (13,7%), Phú Yên (11,8%). Các địa phương có tỉ lệ tiêm cao gồm: Bắc Giang (83,6%), Sóc Trăng (80,3%), Trà Vinh (76,8%).
 
Riêng nhóm từ 5-11 tuổi, một số địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 1 thấp như: Bình Thuận (57,4%), TPHCM (52,2%), Hà Tĩnh (49,5%), Đà Nẵng (45,5%), Quảng Nam (44,6%). Địa phương có tỉ lệ tiêm cao như Bắc Giang (95,6%), Vĩnh Long (95,6%), Cà Mau 94,9%.
 
Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 2 thấp như Vĩnh Phúc (29,7%), Bình Dương (27,2%), Khánh Hòa (23,7%), Đà Nẵng (19,2%), Quảng Nam (14,9%). Địa phương có tỉ lệ tiêm cao như Sóc Trăng (86,8%), Bạc Liêu (80,4%), Ninh Thuận (76%).
Theo Hiền Minh (Chinhphu.vn) 

tin liên quan

WHO nghiên cứu khả năng đột biến gen khiến bệnh đậu mùa khỉ lây lan

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/8 cho biết đang có các nghiên cứu đánh giá khả năng những biến đổi về gen trong virus gây bệnh đậu mùa khỉ là nguyên nhân khiến căn bệnh này đang lây lan mạnh.

Bệnh đậu mùa khỉ chuẩn bị được WHO đặt tên mới, ít kỳ thị hơn

Poxy McPoxface và Mpox nằm trong số nhiều ý tưởng về cái tên mới đặt cho bệnh đậu mùa khỉ do công chúng đề xuất sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16/8 đã kêu gọi sự hỗ trợ từ công chúng trong việc đổi tên bệnh đậu mùa khỉ, theo đó đưa ra một tên gọi ít kỳ thị hơn cho căn bệnh lây lan nhanh này.

Một trường hợp tử vong vì bệnh dại sau 3 tháng bị chó cắn

(QBĐT) - Sáng 16/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, trên địa bàn xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) vừa ghi nhận một trường hợp tử vong sau 3 tháng bị chó dại cắn.