Xử lý vi phạm phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp ở Tuyên Hóa: Kiên quyết không để dây dưa, kéo dài

  • 07:55 | Thứ Hai, 11/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng (gọi tắt là Chỉ thị số 03) huyện Tuyên Hóa đã triển khai Phương án số 350/PA-UBND, ngày 29/3/2022 xử lý vi phạm về phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trái pháp luật trên địa bàn (gọi tắt là Phương án 350). Tuy nhiên đến nay, diện tích rừng vi phạm đã được xử lý chỉ đạt gần 20%.
 
Nhiều ha rừng vi phạm
 
Theo báo cáo rà soát, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa hiện có hơn 1.995ha rừng bị phá, lấn, chiếm đất lâm nghiệp và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trái pháp luật. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên bị phá, tự chuyển đổi hơn 1.392ha, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm hơn 602ha.
 
Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2023, các địa phương trên địa bàn huyện chỉ mới xử lý hơn 398ha (chiếm gần 20%) diện tích đất lâm nghiệp lấn, chiếm của UBND xã, đề nghị thu hồi hơn 436 (gần 22%) và diện tích chưa xử lý gần 1.160ha (chiếm hơn 58%).
 
Để các địa phương có cơ sở thực hiện Chỉ thị số 03, UBND huyện Tuyên Hóa đã xây dựng Phương án số 350 để xử lý các hành vi vi phạm. Theo đó, các địa phương trên địa bàn tiến hành điều tra, lập hồ sơ các vụ vi phạm về phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng từ trước đến nay, để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm, thu hồi diện tích đất lấn, chiếm và xem xét cấp đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Người dân Tuyên Hóa trồng cây bản địa phục hồi rừng trên các diện tích vi phạm.
Người dân Tuyên Hóa trồng cây bản địa phục hồi rừng trên các diện tích vi phạm.
Cụ thể, đối với diện tích rừng tự nhiên vi phạm đã giao cho hộ gia đình quản lý nhưng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xác định được đối tượng vi phạm, UBND các xã, thị trấn lập hồ sơ xử lý. Nếu còn thời hiệu xử phạt sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã chặt phá bằng cây bản địa, buộc trả lại đất đã lấn, chiếm. Trường hợp chủ rừng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, không trồng lại rừng bằng cây bản địa thì lập hồ sơ, tham mưu UBND huyện thu hồi đất theo đúng quy định.
 
Đối với diện tích rừng thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ trồng rừng kinh tế, rừng trồng theo Chương trình 327, 661 trước đây, các địa phương rà soát từng trường hợp cụ thể, xem xét hồ sơ liên quan, để tham mưu UBND huyện xem xét cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
 
Những diện tích không xác định được người sử dụng, chính quyền địa phương thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được biết. Sau ngày 31/12/2024 không xác định được chủ sở hữu thì tài sản đó thuộc về nhà nước. Thời gian cho phép sử dụng đất trồng rừng và các địa phương hoàn thành phương án đến hết năm 2024.
 
Địa phương: Chờ người dân khai thác?
 
Thanh Hóa là địa phương có diện tích rừng tự nhiên bị phá nhiều nhất trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, với 328 vụ/hơn 433ha. Đến nay, xã này chỉ mới xử lý được 17 vụ/21ha (chỉ chiếm gần 5% diện tích vi phạm).
 
Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tâm cho biết: “Diện tích rừng tự nhiên bị phá từ lâu, người dân đã khai thác và trồng nhiều năm, nên việc xử lý vi phạm khá khó khăn. Nhiều diện tích rừng vi phạm không tìm được chủ rừng để xử lý. Vì vậy, quá trình xử lý cần phải có thời gian và làm từng bước, chứ không thể thực hiện cùng một lúc. Trong số hơn 433ha rừng nói trên, chỉ có hơn 183ha người dân chuẩn bị khai thác. Đến hết quý I/2024, mới xử lý xong. Còn lại hơn 250ha, người dân mới trồng được từ 1-2 năm, nên phải đợi người dân khai thác mới tiến hành xử lý và buộc phải trồng cây bản địa để phục hồi rừng”.
 
Tương tự, qua rà soát, xã Phong Hóa có hơn 162ha rừng bị vi phạm Chỉ thị số 03, trong đó có hơn 142ha rừng tự nhiên bị phá và hơn 20ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm. Chủ tịch UBND xã Phong Hóa Hoàng Vĩnh Lợi cho biết, trong số diện tích rừng vi phạm, sau khi đối chiếu, rà soát có 42,47ha rừng tự nhiên đã được giao cho các hộ dân quản lý và thực hiện các dự án trồng rừng vào các năm 2007, 2012. Vì vậy, diện tích rừng vi phạm của xã Phong Hóa chỉ còn lại gần 120ha.
 
Đến thời điểm hiện tại, UBND xã Phong Hóa đã hoàn thành việc điều tra chủ rừng và thông báo đến các hộ gia đình vi phạm; đồng thời, buộc 100% hộ gia đình phải làm đơn trình UBND xã trước khi tiến hành khai thác và cam kết trồng lại cây bản địa sau khai thác. Xã Phong Hóa cũng đã yêu cầu các hộ vi phạm đặt cọc kinh phí (22,6 triệu đồng/ha) để trồng cây bản địa.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng, thời gian tới, huyện sẽ đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân trồng rừng và chăm sóc rừng phục hồi trong vòng 3 năm; đồng thời vận dụng nguồn lực tổ chức đo đạc, cắm mốc giới và hoàn thiện hồ sơ về rừng trên địa bàn huyện, để thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Phong Hóa Hoàng Vĩnh Lợi: “Đến hết năm 2023, chỉ có khoảng 20% diện tích rừng vi phạm đến tuổi khai thác, vì hầu hết diện tích keo tràm chỉ mới được trồng từ 2-3 năm tuổi. Vì vậy, để hoàn thành phương án xử lý rừng vi phạm theo Phương án 350 của UBND huyện sẽ kéo dài đến năm 2026. Đối với diện tích hơn 42,47ha rừng thực hiện các dự án trồng rừng trước đây, chúng tôi đề xuất UBND huyện xem xét cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân. Bởi, hiện nay hầu hết các hộ dân này đều chưa được cấp GCNQSDĐ. Trong thời gian này, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo cán bộ địa chính phối hợp với Kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra hiện trường, đôn đốc các hộ dân khai thác và thực hiện việc trồng cây để phục hồi rừng”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, Phương án 350 của UBND huyện đã hướng dẫn rất rõ ràng, cụ thể các nội dung cần thực hiện. Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan cần triển khai nghiêm túc triệt để, nhằm xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về phá rừng và lấn, chiếm đất lâm nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng, trái pháp luật, không để dây dưa, kéo dài. Trong phương án, huyện cũng đã tính đến việc tạo điều thuận lợi cho các hộ dân vi phạm thu hồi tài sản đã đầu tư sản xuất. Về vấn đề các địa phương gặp phải hiện nay là nhiều diện tích rừng vi phạm có keo, tràm chưa đến tuổi khai thác, UBND huyện sẽ xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định. Những trường hợp có hồ sơ, thủ tục đầy, nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ, huyện sẽ xem xét cấp GCNQSDĐ để người dân yên tâm sản xuất.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Thách thức trong quản lý hàng hóa thương mại điện tử

(QBĐT) - Thương mại điện tử đang mang lại nhiều lợi ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho lực lượng chức năng về việc ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng.

Lợi dụng dự án để phá rừng thông

(QBĐT) - Ngày 10/12, thông tin từ Chi nhánh lâm trường Vĩnh Long (thuộc Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Long Đại) cho biết vừa phát hiện trên lâm phận do đơn vị quản lý xảy ra một vụ phá rừng thông khá nghiêm trọng.

Bắt quả tang thuyền khai thác cát trái phép trên sông Nhật Lệ

(QBĐT) - Thông tin từ Công an huyện Quảng Ninh cho biết, vào lúc 21 giờ 15 phút, ngày 8/12, tổ công tác Công an xã Hàm Ninh phát hiện, bắt quả tang Hoàng Văn Trọng (SN 1951, trú tại thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh) đang khai thác cát trái phép trên sông Nhật Lệ đoạn qua thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh.