Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong tình hình mới

  • 07:58 | Thứ Hai, 16/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới khẳng định mục tiêu đến năm 2030 nước ta có “hệ thống pháp luật (HTPL) dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận...”. Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Tư pháp và các sở Tư pháp địa phương là những cơ quan chủ trì thực hiện.
 
Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
 
Tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là công cụ quan trọng nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của HTPL.
 
Thời gian qua, quán triệt chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế, pháp luật, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Bộ Tư pháp thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác này tại các bộ, ban, ngành và địa phương trong cả nước.
 
Trên cơ sở kết quả rà soát văn bản QPPL, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý, kiến nghị xử lý nhiều văn bản QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp thực tiễn.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết nhanh các thủ tục liên quan.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết nhanh các thủ tục liên quan.
Trong giai đoạn hiện nay, đột phá chiến lược của Đảng, Nhà nước là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Thực tiễn vẫn còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp, tuy đã phát hiện vẫn chậm sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng đến tính ổn định của HTPL.
 
“Bộ Tư pháp và các sở Tư pháp vẫn là người “gác cửa” trong công tác “tiền kiểm”, “hậu kiểm” hệ thống văn bản QPPL, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của HTPL”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh.
 
Tập trung nguồn lực cho công tác hệ thống hóa văn bản QPPL
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Hồ An Phong chia sẻ: Đối với Sở Tư pháp, những năm qua, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL thực hiện rất kịp thời và hiệu quả, thực sự trở thành người “gác cửa” giúp các văn bản QPPL từ Trung ương đến địa phương, phát huy hiệu lực, thực chất trong thực tiễn cuộc sống.
 
Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 373/QĐ-UBND, ngày 22/2/2022 về Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2022 và các chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện HTPL. Năm 2022, HĐND, UBND các cấp ban hành 100 văn bản QPPL và đã chỉ đạo Sở Tư pháp, các phòng Tư pháp thẩm định 107 dự thảo văn bản QPPL. Sở Tư pháp góp ý vào 71 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và địa phương. Từ đó, các văn bản QPPL ban hành trên địa bàn tỉnh bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi.
 
Về công tác kiểm tra văn bản QPPL, năm 2022, Sở Tư pháp, các phòng Tư pháp, UBND cấp xã tham mưu, tự kiểm tra 78 văn bản QPPL; kiểm tra theo thẩm quyền 33 văn bản QPPL. Trong năm, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp kiến nghị UBND tỉnh xử lý Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND, ngày 12/10/1018 của UBND tỉnh ban hành Điều lệ về tổ chức, hoạt động và quy chế quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất tỉnh Quảng Bình. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp kiểm tra, xử lý và đã kiến nghị Bộ Tư pháp, UBND tỉnh bãi bỏ Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND.
 
Trong công tác rà soát văn bản QPPL, Sở Tư pháp phối hợp với các ban, ngành, địa phương rà soát 154 văn bản QPPL. Đặc biệt, tăng cường rà soát 24 văn bản QPPL theo chuyên đề “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”. Qua rà soát, kịp thời kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế 35 văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực, quy định không rõ ràng, thiếu tính khả thi, cản trở điều kiện kinh doanh, gây khó khăn hoặc không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL thời gian tới, ông Trần Chí Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện hệ thống hóa văn bản, chú trọng khâu kiểm tra, rà soát, bổ sung các văn bản QPPL để cập nhật kịp thời tình trạng pháp lý của văn bản; tập trung đầu tư thỏa đáng về nguồn lực cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về kết quả hệ thống hóa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Cổng thông tin Bộ Tư pháp, Trang thông tin Sở Tư pháp... Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp trong tiếp cận pháp luật, qua đó, nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi pháp luật.
 
Thanh Long

tin liên quan

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh triển khai công tác năm 2023

(QBĐT) - Chiều 30/12, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2023.

Bốn luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày đầu Năm mới 2023

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 gồm 5 chương và 33 điều; Luật Điện ảnh gồm 8 chương, 50 điều; Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có 7 chương, 157 điều và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2023.
 

Nhiều khuyết điểm, vi phạm trong mua sắm trang thiết bị vật tư y tế tại Bộ Y tế

Ngày 29/12, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế.