Tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU

  • 18:22 | Thứ Tư, 10/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, cử tri rất quan tâm đến tình hình triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Trần Quốc Tuấn đã thông tin cụ thể về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. 
1. Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Trần Quốc Tuấn thảo luận tại kỳ họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp.
Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Trần Quốc Tuấn thảo luận tại kỳ họp.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn khẳng định, đây là vấn đề được quan tâm và cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự ủng hộ, chấp hành của ngư dân để góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Theo đó, ngày 23/10/2017, EC đã cảnh báo thẻ vàng đối với hàng thủy sản khai thác của Việt Nam do vi phạm quy định về khai thác IUU và đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị để khắc phục, đó là: 
 
(1) Hoàn thiện khung pháp lý; (2) Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá: yêu cầu mỗi địa phương phải nắm chắc, quản lý được số lượng tàu cá và thực hiện các thủ tục giấy tờ theo quy định (gồm: Đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá,…) và kiểm soát, theo dõi được hoạt động của tàu cá khi hoạt động trên biển thông qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu. 
2. Quảng Bình là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu.
Quảng Bình là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu.
(3) Thực thi pháp luật: Để bảo đảm ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm về khai thác IUU. (4) Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác: Yêu cầu phải kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, giám sát thủy sản qua cảng; thu nộp nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản, thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
 
Từ đó đến nay, EC đã có 4 lần kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam (EC chủ yếu kiểm tra tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau), tuy nhiên, chưa đạt yêu cầu, dự kiến vào tháng 10/2024, EC tổ chức thanh tra lần thứ 5. Việc chống khai thác IUU là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để gỡ thẻ vàng của một quốc gia chứ không phải gỡ riêng cho từng tỉnh.
 Ngư dân khai thác thủy sản vùng lộng
Ngư dân khai thác thủy sản vùng lộng.
Đối với Quảng Bình, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Trần Quốc Tuấn cho biết, tỉnh ta đã thực hiện rất tốt nhóm khuyến nghị số 1 và 3 nhóm còn lại thực hiện cao hơn mặt bằng chung cả nước, cụ thể: Về hoàn thiện khung pháp lý, tỉnh đã ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Thủy sản, trong đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ ngư dân trả cước phí cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong 3 năm (từ năm 2024-2026). Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh để thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương, ban, ngành nhằm chung tay với cả nước tháo gỡ thẻ vàng. 
 
Về theo dõi, quản lý tàu cá, toàn tỉnh hiện có 4.327 tàu cá có chiều dài trên 6m. Các chỉ tiêu thực hiện của tỉnh đều cao hơn mức trung bình cả nước, như: Về đăng ký tàu cá được 3.587 tàu, đạt 82,9% (cả nước đạt 78,5%); đăng kiểm được 3.323 tàu đạt 76,8%; đã cấp giấy phép 76,4% số tàu (cả nước đạt 57,8%); đánh dấu tàu cá đạt 100% để nhận biết tàu cá hoạt động ở vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi (cả nước đạt 96%); lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 97,7%.
 Chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi.
Ngư dân sửa sang ngư lưới cụ sau chuyến ra khơi.
Chỉ tiêu theo dõi, xử lý tàu cá hoạt động trên biển mới đạt mức khá, vẫn còn hơn 50 lượt tàu cá mất kết nối trên biển quá 10 ngày; việc xử phạt mất kết nối và tàu vượt ranh giới còn chưa nhiều.
 
Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm, Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường và tổ chức các đợt cao điểm xử lý khai thác IUU. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay đã xử lý hơn 80 tàu cá vi phạm, phạt gần 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm khai thác IUU vẫn còn diễn ra, nhất là sử dụng xung điện, tàu mất kết nối dài ngày, tàu vượt ranh giới...
 
Về giám sát thủy sản, truy xuất nguồn gốc, từ năm 2024, việc giám sát được thực hiện ở tất cả các cảng cá, bến cá và các điểm bốc dỡ thủy sản trên toàn tỉnh. Về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác chỉ thực hiện khi có hàng thủy sản khai thác xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, tỉnh không có hàng xuất khẩu sang châu Âu.
Các địa phương cần nắm chắc số lượng tàu cá...
Các địa phương cần nắm chắc số lượng tàu cá, phân loại, lập danh sách các tàu cá chưa đạt các tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Trần Quốc Tuấn cũng đề cập đến một số khó khăn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Nhận thức của một số ngư dân chưa đầy đủ về quy định khai thác thủy sản của EC; chưa chấp hành các quy định của pháp luật, vẫn còn một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để chung tay với cả nước tháo gỡ thẻ vàng.
 
Cơ sở hậu cần nghề cá của tỉnh vẫn còn khó khăn, chưa đủ nguồn lực đầu tư (như: Cảng cá, nhà máy chế biến thủy sản, cửa luồng ra vào cho tàu cá...) Nhân dân cần có thời gian để thay đổi thói quen khai thác và để Luật Thủy sản đi vào cuộc sống. Năng lực của cơ quan chức năng thực thi pháp luật trên biển chưa cao, nhất là về con người, phương tiện chưa đầy đủ.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT đề nghị tăng cường lực lượng, tổ chức ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT đề nghị tăng cường lực lượng, tổ chức ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Từ tình hình trên, theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, tập trung nguồn lực để thực hiệt tốt công tác chống khai thác IUU, trong đó, ngành Nông nghiệp-PTNT sẽ phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu chưa đạt trước khi đoàn công tác EC vào kiểm tra vào khoảng tháng 10/2024. Tập trung các nguồn lực để thực thi pháp luật trên biển, xử phạt nghiêm minh; tham mưu triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản điện tử trên toàn tỉnh.
 
Đề nghị UBND cấp huyện nắm chắc số lượng tàu cá của địa phương, phân loại, lập danh sách các tàu cá chưa đạt các tiêu chí về đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình... để vận động và phối hợp với lực lượng chức năng xử lý.
 
Đồng thời, chủ trì xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài và kiên quyết xử lý tàu cá mất kết nối hành trình khi hoạt động trên biển. Hướng dẫn, vận động chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử.
Quang cảnh kỳ họp.
Lãnh đạo Sở nông nghiệp-PTNT phát biểu thảo luận tại kỳ họp..
“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường lực lượng, tổ chức ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các cửa lạch và kiên quyết không cho xuất bến đối với những tàu cá “3 không”, ông Trần Quốc Tuấn nói. 
A.Tuấn (thực hiện)

tin liên quan

Dự án cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu: Vượt tiến độ nhưng vẫn vướng mặt bằng

(QNĐT) - Dự án (DA) thành phần 2-cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu (thuộc DA Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3) khởi công vào ngày 8/1/2023. Theo chủ đầu tư, hiện nay DA đang vượt tiến độ ở các hạng mục cầu nhưng đang gặp vướng mắc về mặt bằng thi công.

Tăng cường các giải pháp thu hồi, xử lý nợ ngân sách

(QBĐT) - Thực trạng nợ ngân sách trên địa bàn tỉnh là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, cử tri và nhân dân trong tỉnh tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII. 

Nâng cao chất lượng an toàn nông, lâm, thủy sản

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, hầu hết các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm an toàn thực phẩm.