Cho Trường Sơn thêm xanh

  • 07:30 | Thứ Tư, 27/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong tiết trời giá lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi cùng bà con xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đi thăm vườn đồi, vườn rừng với nhiều giống cây bản địa vừa được trồng. Trồng cây bản địa phân tán tại các thôn, bản xung quanh Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong và rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh là một trong những hoạt động hỗ trợ cộng đồng do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt thực hiện, góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ và tiếp sức cho đồng bào trong sản xuất, đời sống; đồng thời, tạo tiền đề cho việc bảo vệ rừng tự nhiên và đa dạng sinh học trong khu vực.
 
Tạo giá trị bền vững từ cây bản địa
 
Xã miền núi Trường Sơn có 7 thôn, bản tham gia hoạt động trồng cây bản địa phân tán với tổng số cây giống được cấp là 9.095 cây, gồm: Dổi, lim xanh, xoan đào, huỵnh, lát hoa… Đầu tháng 11/2023, trên diện tích đất vườn của gia đình gần 1,5ha, trưởng bản Cổ Tràng Nguyễn Văn Bền đăng ký với trung tâm và được cấp 120 cây. Với sự kết hợp hiệu quả giữa kinh nghiệm truyền thống của đồng bào và kỹ thuật trồng, chăm sóc do cán bộ trung tâm hướng dẫn, hiện tỷ lệ cây sống đạt gần 100%. Gia đình ông dành nhiều cây trồng ở khu vực đất sườn dốc nằm cạnh suối nhằm tạo “lá chắn” vững chắc để giữ đất, giữ vườn trong tương lai.
 
Cũng tại bản Cổ Tràng, Hồ Đối đăng ký trồng 100 cây dổi. Là người có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây rừng, nay được cán bộ của trung tâm tận tình hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, anh càng tự tin hơn nên 100% số dổi trồng mới từ tháng 10 đã nhanh chóng bén rễ và sinh trưởng tốt. Dù khu đất của anh có địa thế không mấy thuận lợi, nhưng “rừng dổi” gồm 100 cây 4 năm tuổi đã lên cao và 100 cây mới được trồng xen đang mở ra nhiều kỳ vọng.
Cán bộ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt khen thưởng hộ dân bản Cổ Tràng đã trồng và chăm sóc cây hiệu quả.
Cán bộ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt khen thưởng hộ dân bản Cổ Tràng đã trồng và chăm sóc cây hiệu quả.
“Qua thông tin trên đài, báo, năm 2019, tôi đặt mua 100 cây dổi từ Đắk Lắk và mang về trồng. Đến nay, số cây này đã phát triển tốt. Mới đây, một số cây đã bắt đầu ra hạt, tôi thu được 9 lạng, bán được hơn 1 triệu đồng. Giờ được trung tâm hỗ trợ thêm 100 cây và quan tâm kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, chắc vài năm nữa cả vườn dổi ra hạt, tôi sẽ thu được nhiều hạt, nhiều tiền hơn!”, Hồ Đối phấn khởi chia sẻ.
 
Tại thôn Hồng Sơn, anh Trần Văn Chung là một điển hình trong trồng rừng và làm kinh tế. Trên khu đất hơn 2ha hiện có khoảng 1.000 cây huê và trầm gió 20 năm tuổi. Những năm trước đây, khi thị trường còn “ăn” huê, anh có thu nhập khá cao từ loài gỗ này. Với kinh tế gia đình vững vàng, anh Chung tiếp tục đầu tư, chăm sóc vườn cây. Tham gia hoạt động trồng cây bản địa của trung tâm, anh trồng 200 cây các loại. Qua kiểm tra cho thấy, 100% số cây này đều phát triển tốt. Anh Chung là một trong những hộ gia đình chăm sóc cây hiệu quả, được thôn bình chọn để trung tâm khen thưởng.
 
Hoạt động hỗ trợ cộng đồng trồng cây bản địa phân tán tại địa phương được Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt triển khai tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, trong đó, tỉnh Quảng Bình có 3 xã, gồm: Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh) và Kim Thủy (Lệ Thủy). Số cây giống được hỗ trợ cho 3 xã đến thời điểm này là gần 17.000 cây với sự tham gia của 224 hộ ở các thôn, bản vùng sâu vùng xa, có đông đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều.

Tại thôn Liên Xuân, bà con đăng ký nhận cây và không chỉ trồng xen trong vườn nhà mà trồng ở các khu vực công cộng và cây được bảo vệ, chăm sóc kỹ lưỡng. Trưởng thôn Võ Thị Thi cho biết, cán bộ trung tâm thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình của bà con để kịp thời hướng dẫn. Cá nhân chị Thi vừa làm tốt vai trò kết nối giữa bà con và trung tâm, vừa chăm sóc tốt số cây trồng của gia đình; đồng thời phân công các tổ chức, đoàn thể bảo đảm số cây trồng ở những khu vực công cộng. “Bà con tuân thủ tốt quy trình trồng và chăm sóc. Ngoài một số ít cây xoan đào bị chết thì tất cả số cây đều sống, xanh tốt. Chúng tôi tin một thời gian nữa, vườn của bà con sẽ phát triển và cho hiệu quả như mong đợi!”, chị Thi chia sẻ.

“Ai trồng cây, người ấy được hưởng thành quả”
 
Đây là phương châm của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt khi tiến hành hoạt động hỗ trợ cộng đồng trồng cây bản địa phân tán tại các thôn/bản xung quanh Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong và rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh. Hoạt động được kỳ vọng vài chục năm sau sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ đáp ứng nhu cầu gỗ gia dụng của cộng đồng. Hiệu quả của việc trồng cây bản địa cũng sẽ góp phần vào việc bảo vệ rừng tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Với nguyên tắc bảo đảm tính bền vững toàn diện trên mọi hoạt động, quá trình triển khai, trung tâm áp dụng 5 điểm khác biệt so với phương pháp thông thường trong trồng rừng nói chung và trồng cây bản địa phân tán nói riêng. Đó là đánh giá nhu cầu trước khi lập kế hoạch và có sự thống nhất giữa người dân, UBND xã và trung tâm; có sự giám sát và nghiệm thu chặt chẽ; chọn loài phù hợp với nguyện vọng người dân và yêu cầu đất đai; các khâu kỹ thuật được tập huấn cụ thể, nhất là đào hố, lấp hố và trồng cây.
 
Cây trồng thuộc sở hữu của người dân với sự xác thực của kiểm lâm sở tại và UBND xã. Trung tâm đặc biệt coi trọng việc phát huy nội lực cộng đồng trên các phương diện chính gồm: Tự nguyện đầu tư nhân lực; tôn trọng và phát huy kiến thức bản địa; nâng cao tính cố kết, đoàn kết cộng đồng; bất kỳ ai đăng ký đáp ứng tiêu chí (có đủ đất và tự nguyện) đều được tham gia. 
Người dân chăm sóc cây theo đúng quy trình hướng dẫn.
Người dân chăm sóc cây theo đúng quy trình hướng dẫn.
Nguyên tắc và những điểm khác biệt này đã được áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, thu hút sự tham gia tự nguyện của người dân các thôn, bản xã Trường Sơn, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều.
 
“Làm theo lời dạy của Bác Hồ “trồng cây nào tốt cây đó”, trung tâm đã thực hiện kỹ lưỡng từng bước, “bắt tay chỉ việc” cho bà con trong tất cả các quy trình, tiến hành trồng thí điểm một số cây và đánh giá, rút kinh nghiệm xong mới hỗ trợ cây cho bà con trồng đại trà. Những cây bị chết sẽ được thống kê, phân tích nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số cây chết. Sau khi trồng, định kỳ hàng năm trung tâm sẽ theo dõi, kiểm tra kết quả sinh trưởng của cây, liên tục trong thời gian 5 năm. Hoạt động này nhằm góp phần thực hiện “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng nông thôn mới có môi trường tự nhiên thân thiện; góp phần giải quyết nhu cầu gỗ gia dụng chất lượng cao cho người dân trên địa bàn trong tương lai và giảm sức ép vào rừng tự nhiên!”, bà Phạm Thị Mai Hương, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt chia sẻ.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Sơn Hải là người gắn bó và theo sát hoạt động hỗ trợ cộng đồng trồng cây bản địa phân tán tại địa phương. Phấn khởi và tin tưởng với những kết quả bước đầu, ông Hải cho biết, quá trình triển khai hoạt động đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho đồng bào về tầm quan trọng của trồng cây gây rừng nói chung, trồng cây bản địa phân tán nói riêng, từng bước mở ra tương lai bền vững cho bà con, góp phần bảo vệ rừng tự nhiên và đa dạng sinh học trong khu vực.
Ngọc Mai

tin liên quan

Giảm tiền thuê đất hơn 20 tỷ đồng

(QBĐT) - Thực hiện Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất năm 2023, ngành Thuế tỉnh đã giảm tiền thuê đất cho người nộp thuế với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.
 

Hơn 1.700 trường hợp được khoanh nợ thuế

(QBĐT) - Ông Võ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội, Cục Thuế tỉnh đã tiến hành khoanh nợ cho 1.735 người nộp thuế.
 

Siết chặt quản lý hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu

(QBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Cục Thuế tỉnh đang quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán lẻ.