Bố Trạch: Chú trọng nâng cao chất lượng đàn vật nuôi

  • 07:18 | Thứ Bảy, 07/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả vật tư, thị trường tiêu thụ… Để ổn định phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, huyện Bố Trạch đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.
 
Xã Sơn Lộc được biết là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (ATDBĐV) cấp xã và được cấp giấy chứng nhận vào cuối tháng 11/2021. Theo số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm, toàn xã có 650 con trâu, bò; khoảng 5.756 con lợn và đàn gia cầm khoảng 19.500 con.
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Phan Văn Tiến cho biết: “Thời gian qua, chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn xã được duy trì tương đối tốt. Người dân đã chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại hiện đại, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học tiên tiến vào chăn nuôi. Đặc biệt, trên địa xã đã thành lập được 1 hợp tác xã chăn nuôi lợn thảo dược mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm luôn được xã quan tâm triển khai. Hàng năm, UBND xã xin ý kiến nhân dân và được HĐND xã thông qua để thu quỹ phòng, chống dịch bệnh. Số tiền quỹ được phục vụ cho công tác tuyên truyền và phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn...”.
Nhiều giống bò năng suất, chất lượng cao được đưa vào chăn nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Nhiều giống bò năng suất, chất lượng cao được đưa vào chăn nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch, hiện nay, toàn huyện có gần 5.400 con trâu; đàn bò trên 19.100 con; đàn lợn gần 63.000 con; đàn gia cầm 890.000 con. Trong đó, đàn trâu, bò giảm mạnh so với cùng kỳ do tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, các trại chăn nuôi trâu, bò giảm số lượng, đặc biệt là Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình ngừng chăn nuôi.
 
Nhìn chung, chất lượng đàn vật nuôi được duy trì tốt, tỷ lệ đàn bò lai trong nông hộ đạt 56,5% so với tổng đàn bò (tăng 3,5% so với cùng kỳ). Các giống bò năng suất, chất lượng cao vẫn đang được sử dụng để phối giống trên địa bàn và được người chăn nuôi ưa chuộng, như: Brahman, Droughtmaster, BBB. Lợn nái ngoại sinh sản hơn 2.600 con, đạt 56% so với tổng đàn lợn nái. Về giống gia cầm, các hộ dân đang sử dụng những giống năng suất, chất lượng để sản xuất, như: Gà lai chọi, ri lai ¾, vịt trời; ngoài ra có một số trang trại bảo tồn nuôi giống gà kiến địa phương.
 
Các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đã có sự phát triển, mang lại hiệu quả cao. Toàn huyện có 9 cơ sở chăn nuôi liên kết với các công ty chăn nuôi, trong đó 8 cơ sở chăn nuôi lợn và 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm; có 140 trang trại chăn nuôi (TTCN) theo Luật Chăn nuôi  (7 TTCN quy mô lớn; 36 TTCN quy mô vừa, 97 TTCN quy mô nhỏ). Có 99 trang trại sử dụng hầm biogas (89 hầm composite, 10 trang trại sử dụng công nghệ DHPE), 41 trang trại dùng biện pháp ủ phân có sử dụng chế phẩm sinh học. Có 3 TTCN lợn đạt tiêu chuẩn VietGAHP.
Nhiều giải pháp được các hộ chăn nuôi thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm.
Nhiều giải pháp được các hộ chăn nuôi thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó, việc phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 22 cơ sở ATDBĐV, chiếm 60% số cơ sở ATDBĐV trong toàn tỉnh, trong đó có 2 cơ sở ATDBĐV cấp xã, gồm: Cơ sở an toàn dịch bệnh dịch tả lợn cổ điển (xã Sơn Lộc), cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh chó dại (xã Đồng Trạch).
 
Để bảo đảm đàn vật nuôi được phát triển khỏe mạnh, ổn định, huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục duy trì và xây dựng các cơ sở ATDBĐV; khuyến khích các TTCN đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc chăn nuôi trong chuồng kín; sản xuất chăn nuôi theo hướng sạch, an toàn sinh học, hữu cơ. Hiện nay, huyện đang khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo chuỗi nhằm bảo đảm cho các bên tham gia trong chuỗi có thể chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau; hạn chế rủi ro của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao...
LÊ MAI

tin liên quan

Thay đổi nhận thức từ mô hình nuôi tôm hai giai đoạn

(QBĐT) - Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trung tâm KN Quốc gia thực hiện dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, dự án đã cho thấy những hiệu quả khi năng suất, chất lượng đạt cao hơn so với nuôi tôm truyền thống; đồng thời được người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả…

Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh

(QBĐT) - Chiều 6/10, tại TP. Hồ Chí Minh, hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt gần 5.000 tấn

(QBĐT) - Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Quảng Ninh trong 9 tháng năm 2023 đạt 4.992 tấn.