Làm giàu trên vùng đất khó

  • 07:29 | Chủ Nhật, 16/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau nhiều năm bôn ba làm việc ở nước ngoài, anh Bùi Anh Tuấn (quê ở xã Thanh Trạch, Bố Trạch) đã trở về quê hương phát triển kinh tế. Từ vùng đất gò đồi, khô cằn, sỏi đá, vợ chồng anh Tuấn đã quyết tâm cải tạo đất, gây dựng thành công trang trại tổng hợp, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Đi lên từ gian khó
 
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch Hoàng Văn Hùng, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Tuấn ở thôn Tây Nẫm, xã Cự Nẫm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Tuấn cho biết, trước đây anh từng có khoảng 15 năm đi xuất khẩu lao động ở các nước châu Âu. Với số vốn tích góp và phần anh Tuấn gửi về trong thời gian làm việc ở nước ngoài, gia đình anh đã đầu tư trồng 10ha keo tràm ở thôn Tây Nẫm, xã Cự Nẫm.
 
Năm 2011, anh Tuấn về nước. Thời điểm này, cây cao su đang được xem là “vàng trắng” nên anh quyết định bán keo tràm chuyển sang trồng cao su. Nhưng khi vườn cao su vừa được 2 năm tuổi thì bị bão lớn làm gãy đổ, thiệt hại nghiêm trọng; giá cao su cũng giảm, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng anh Tuấn đành phá bỏ vườn cao su chuyển sang trồng sắn. Thu nhập từ sắn bấp bênh, việc sản xuất cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Không bằng lòng với mô hình sản xuất hiện tại, anh Tuấn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để chuyển hướng phát triển kinh tế.
 
Anh Tuấn chia sẻ: “Diện tích đất sản xuất của gia đình tôi khoảng 10ha. Nhận thấy với diện tích đất nhiều vậy mà chỉ trồng trọt nhỏ lẻ thì rất tiếc. Vậy là bằng những kinh nghiệm của bản thân có được khi còn làm việc ở các trang trại nông nghiệp tại Hungary, Tiệp Khắc (cũ) và sự tìm tòi, học hỏi từ các mô hình sản xuất trong nước, trong tỉnh, và qua chuyên mục “Bạn nhà nông”…, vợ chồng tôi quyết định đầu tư làm trang trại tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt”.
 
“Thắng không kiêu, bại không nản”, sau những khó khăn, thất bại, năm 2017, vợ chồng anh Tuấn quyết tâm gây dựng, phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Bằng việc áp dụng các quy trình kỹ thuật chăm sóc, trồng trọt nghiêm ngặt, anh Tuấn đã trồng bưởi, mít, tiêu, sim kết hợp với nuôi dê, lợn rừng… 
Những quả bưởi da xanh sắp đến kỳ thu hoạch tại trang trại của vợ chồng anh Bùi Anh Tuấn.
Những quả bưởi da xanh sắp đến kỳ thu hoạch tại trang trại của vợ chồng anh Bùi Anh Tuấn.

Đối với cây bưởi, để có năng suất cao, ngoài việc tuân thủ các quy định về kỹ thuật trồng, khi bưởi ra quả năm đầu tiên, anh Tuấn cắt bỏ tất cả quả non, năm thứ hai giữ số lượng quả vừa phải và số quả giữ lại sẽ tăng dần vào những năm sau. Riêng cây tiêu là loại cây rất mẫn cảm với dịch bệnh, do đó, anh Tuấn rất cẩn thận trong việc làm đất, bón phân, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Những loại cây này đều cần khá nhiều nước, trang trại lại ở trên vùng đất gò đồi khô cằn nên để bảo đảm nước tưới, cung cấp đủ cho cây sinh trưởng và phát triển, anh Tuấn đã đầu tư đào hồ lấy nước, tưới bằng hệ thống phun sương, tưới tiêu nhỏ giọt. Đến nay, mô hình trang trại của vợ chồng anh Tuấn đã có được những thành công bước đầu.
 
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Huế tâm sự: “Làm trang trại thật sự rất vất vả. Từ những ngày đầu trồng cao su đến nay, vợ chồng tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu là công sức và tiền của. Riêng việc đầu tư phát triển trang trại tổng hợp hiện tại, chúng tôi đã bỏ ra gần 4 tỷ đồng. Vốn đầu tư nhiều, lại phải vay mượn ngân hàng, nhiều lúc gặp khó khăn chúng tôi cũng lo lắm. Nhưng rồi hai vợ chồng cứ động viên nhau, gắng gây dựng trang trại cho đến hôm nay”.
 
Hướng đến kết hợp du lịch sinh thái
 
Sau những nỗ lực của bản thân, trang trại vợ chồng anh Tuấn hôm nay là những vườn cây xanh tốt, những đàn dê, đàn gà béo khỏe… Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Tuấn giới thiệu vườn bưởi da xanh có 900 gốc, bưởi diễn 300 gốc và bưởi Ruby 300 gốc, đã thu hoạch hai mùa, quả to, ngọt, đạt tiêu chuẩn VietGAP và được khách hàng tin dùng. Bên cạnh vườn bưởi là 1.000 gốc tiêu, 2.000 gốc mít ruột đỏ Indonesia, 300 gốc sim, tất cả đều đã đến độ tuổi thu hoạch. Những vườn cây trĩu quả, thoang thoảng hương bưởi, mùi thơm của mít chín khiến chúng tôi cứ mải mê.
 
Cắt ngang dòng cảm xúc của chúng tôi, anh Tuấn cười bảo: “Bên này còn nhiều cái hay lắm”. Theo lời mời hấp dẫn của anh Tuấn, chúng tôi đi trên những con đường được quy hoạch bài bản, sạch sẽ của trang trại để đến thăm mô hình nuôi dê. Ở đây có tầm 200 con dê sinh sản đang phát triển tốt. Bên cạnh đó là đàn gà khoảng 700 con. Theo anh Tuấn, dê và gà có đầu ra khá ổn định, chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh.
 
Hiện tại, trang trại của anh Tuấn cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Dự kiến, thời gian tới, vợ chồng anh sẽ trồng thêm 1.000 gốc cam. Đặc biệt, từ những lợi thế về tiềm năng của trang trại, vị trí giao thông thuận lợi (nằm ngay bên cạnh đường Hồ Chí Minh, cách Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng khoảng 8km), anh Tuấn có kế hoạch sẽ đầu tư phát triển kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái. Đây là hình thức du lịch cho phép du khách tham gia vào hoạt động canh tác bền vững và tìm hiểu, thưởng thức các sản phẩm có tại trang trại, đang là xu hướng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Anh Bùi Tuấn Anh chăm sóc đàn dê.
Anh Bùi Tuấn Anh chăm sóc đàn dê.
Để chuẩn bị cho kế hoạch của mình, ngay từ khi mới hình thành trang trại, vợ chồng anh Tuấn đã quy hoạch các khu vườn, chuồng trại theo thiết kế, thuận tiện cho du khách khi đến tham quan. Trang trại được đầu tư trồng, nuôi nhiều loại cây, con phong phú, đa dạng và đáp ứng thị hiếu. Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm cũng như việc phát triển mô hình du lịch sinh thái sau này, năm 2021, vợ chồng anh Tuấn đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại và Dịch vụ tổng hợp Anh Tuấn.
 
Anh Tuấn chia sẻ: “Từ những kiến thức, kinh nghiệm có được khi làm việc ở các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở nước ngoài, tôi rất muốn sẽ làm được một mô hình như thế của riêng mình. Hiện, tôi đang cần nguồn vốn để đầu tư các hạng mục cần thiết, chuẩn bị cho những kế hoạch phát triển tiếp theo. Nếu thuận lợi, dự kiến trong năm 2024, vợ chồng tôi sẽ triển khai mô hình trang trại tổng hợp kết hợp du lịch sinh thái, nhằm khai thác tốt các tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho trang trại”.
 
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch Hoàng Văn Hùng cho biết: “Bùi Anh Tuấn là một trong những gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh của huyện Bố Trạch. Mặc dù trang trại nằm trên vùng đất gò đồi, có nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư đưa những giống cây mới, chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hiện trang trại của anh Tuấn đã có những thành công bước đầu, tương lai sẽ là một trong những mô hình nông nghiệp xanh kết hợp phát triển du lịch sinh thái thu hút du khách. Năm 2022, anh Bùi Anh Tuấn đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo”.
 
Lê Mai
 

tin liên quan

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 13/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 667/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Xuất hiện ổ rầy gây cháy lúa cục bộ tại huyện Lệ Thủy

(QBĐT) - Hiện nay, lúa vụ đông-xuân đang ở giai đoạn ôm đòng-trổ. Tuy nhiên, qua kết quả tổng hợp tình hình phát sinh gây hại lúa của rầy nâu, rầy lưng trắng tại các địa phương.

Nhộn nhịp mùa biển mới

(QBĐT) - Năm 2022, xăng, dầu tăng giá kéo theo các chi phí hậu cần tăng… khiến cho nhiều tàu cá ở Quảng Bình phải chấp nhận nằm bờ. Nhưng từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, giá dầu đã giảm, giá hải sản tăng… ngư dân phấn khởi vươn khơi bám biển, hứa hẹn một mùa khai thác mới đầy khởi sắc.