Hóa Sơn ngày mới

  • 07:10 | Thứ Hai, 13/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, chúng tôi vượt eo Lập Cập vào "xông đất" thung lũng Ma Rai, xã Hóa Sơn (Minh Hóa), một địa bàn vùng biên giới có nhiều người Sách sinh sống. Phát huy truyền thống của một vùng đất anh hùng, những năm gần đây, xã Hóa Sơn luôn có sự đổi mới, sáng tạo để xây dựng, phát triển quê hương ngày càng thêm khởi sắc.
 
Xã Hóa Sơn hiện có tổng diện tích khoảng 17.400ha, với 441 hộ, 1.980 nhân khẩu (trong đó 76% là đồng bào dân tộc thiểu số), sinh sống tại 3 thôn và 2 bản. Hầu hết người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, thế nhưng xã Hóa Sơn chỉ có chừng 90ha đất dành cho trồng cây màu từ 1-2 vụ/năm (không có đất trồng lúa). Số diện tích còn lại hầu hết là rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp chưa được khai thác hiệu quả, rất khó để bà con ổn định cuộc sống nếu không tìm được hướng đi thích hợp.
 
Từ thực tế này, nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, Đảng bộ xã Hóa Sơn chọn "mũi nhọn" trồng rừng và chăn nuôi để đưa vào nghị quyết, xem đây là cơ hội tạo sự đột phá cho địa phương trong phát triển kinh tế. Bên cạnh lựa chọn 2 "mũi nhọn" nói trên, thời gian gần đây, chính quyền xã còn tập trung vào các lĩnh vực, như: Xuất khẩu lao động (XKLĐ), phát triển dịch vụ, du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững...
Nông dân xã Hóa Sơn sử dụng cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả lao động sản xuất.
Nông dân xã Hóa Sơn sử dụng cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả lao động sản xuất.
Từ định hướng trên, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng và chăn nuôi của địa phương, như: Đinh Minh Lưu và Đinh Minh Phượng (trú tại thôn Thuận Hóa), Đinh Minh Thanh và Đinh Văn Tương (trú tại thôn Đặng Hóa)... Nhờ trồng rừng và chăn nuôi một cách khoa học, các hộ dân kể trên đều thu về lãi ròng từ 150-400 triệu đồng/năm, điều mà cách đây chục năm, chưa một hộ nông dân nào ở Hóa Sơn từng làm được.
 
Trong câu chuyện đầu xuân, ông Đinh Văn Tương (người Chứt), Bí thư Chi bộ thôn Đặng Hóa mở lòng tâm sự: "Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, với diện tích khoảng 3ha, từ nhiều năm qua, tôi luôn học hỏi thêm kiến thức để có thể làm giàu từ trồng rừng và chăn nuôi. Ngoài việc trồng 2ha cây keo lai, gia đình đã duy trì nuôi 10 lợn nái trong chuồng. Từ việc chủ động sản xuất con giống ngay tại chỗ và tận dụng được trên 50% nguồn thức ăn ở địa phương (cây chuối rừng ở gần nhà và rau màu tự trồng), bình quân mỗi năm, gia đình tôi nuôi thêm khoảng 100 con lợn thịt, lợn rừng để bán ra thị trường. Chính nhờ việc chủ động "lấy công làm lãi", giảm đáng kể chi phí mua con giống, thức ăn nên sản phẩm chăn nuôi của gia đình khi bán ra thị trường thường thu về lợi nhuận rất cao."
 
Không chỉ chú trọng làm giàu cho bản thân, vài năm gần đây, ông Tương còn tích cực truyền đạt, chia sẻ kiến thức làm ăn cho các hộ nông dân khác ở địa phương. Ngoài ra, gia đình ông còn cho vay trên 30 con lợn giống không tính lãi (khi nào bán lợn trưởng thành thì trả lại tiền con giống) để giúp một số gia đình khó khăn ở xã phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống.
 
"Từ sự đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn những "hạt nhân" có chất lượng, từ năm 2015 đến cuối năm 2022, Đảng bộ xã Hóa Sơn đã kết nạp được 45 đảng viên (trong đó có 18 đảng viên là người dân tộc thiểu số) để tăng cường sức mạnh toàn diện cho Đảng bộ. Nhờ vậy, công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh vùng biên giới, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc... ở xã Hóa Sơn ngày càng đạt hiệu quả tích cực", trung tá Nguyễn Minh Việt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn cho biết.
Năm 2022, toàn xã có 9 trường hợp tham gia XKLĐ tại các nước và vùng lãnh thổ, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., nâng tổng số người đã đi XKLĐ đến thời điểm này là 15 người. Đáng mừng là hầu hết các lao động nói trên đều gửi về cho gia đình một khoản tiền ổn định từ 18-40 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2023, xã Hóa Sơn có thêm 12 người đăng ký tham gia XKLĐ. Đây chính là một tín hiệu đáng mừng về quá trình đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa trong phát triển kinh tế địa phương...
 
Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Đinh Hồng Tuyên cho biết: Nhờ tập trung đẩy mạnh trồng rừng và phát triển chăn nuôi, hiện toàn xã đã trồng được khoảng 800ha rừng kinh tế (chủ yếu là cây keo lai), với 300 hộ có đất trồng rừng. Tổng đàn gia súc của xã tính đến cuối năm 2022 đạt trên 1.400 con, trong đó số lượng đàn bò lai chiếm hơn 60% tổng đàn. Mới đây, trên địa bàn đã thành lập được hợp tác xã nông nghiệp nuôi ong lấy mật và trồng lạc với 15 thành viên tham gia (bình quân mỗi thành viên đều có từ 10-50 đàn ong). Trong giai đoạn 2015-2020, Hóa Sơn là một trong những xã đứng tốp đầu của huyện Minh Hóa về giảm tỷ lệ hộ nghèo, với mức bình quân trên 8% mỗi năm. Tính đến cuối năm 2022, toàn xã Hóa Sơn còn 91 hộ nghèo, giảm 17 hộ so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người hiện ước đạt khoảng 18 triệu đồng/năm.
 
Để có được những thành quả nói trên, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hóa Sơn, các chương trình, dự án, như: 135, 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... đã "tiếp sức" rất lớn để giúp Hóa Sơn ngày càng phát triển đi lên về mọi mặt.
 
Văn Minh

tin liên quan

Vươn khơi đầu năm

(QBĐT) - Sau những ngày vui xuân, đón Tết cùng gia đình, ngư dân huyện Bố Trạch lại tiếp tục hành trình vươn khơi, bám biển khai thác thủy hải sản với tâm thế phấn khởi và nhiều kỳ vọng.

Vệ sinh lưới điện bằng nước áp lực cao: Phòng ngừa sự cố, giảm tổn thất điện năng

(QBĐT) - Thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã tăng cường vệ sinh lưới điện bằng nước áp lực cao theo công nghệ hotline không cắt điện. Công tác này đã góp phần tích cực vào phòng ngừa sự cố, giảm thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đối với khách hàng…

Những "chiến sĩ áo cam" tận tâm

(QBĐT) - Để vận hành lưới điện lên với xã miền núi Trường Xuân (Quảng Ninh) những "chiến sĩ áo cam" Tổ quản lý Nguyệt Áng (Điện lực Quảng Ninh) đã không ngại khó khăn, gian khổ trong việc quản lý, vận hành lưới điện. Sự tận tâm đó đã giúp cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn được sử dụng điện an toàn, hiệu quả.