Ruốc ngon Đông Thành

  • 07:06 | Thứ Sáu, 30/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ những con khuyếc tươi ngon được đánh bắt ở vùng biển Ngư Thủy (Lệ Thủy), dưới bàn tay cần mẫn, chịu khó của những người dân Đông Thành, xã Liên Thủy đã chế biến ra món đặc sản ruốc quết đậm vị. Ruốc ở đây có màu tím nâu, chất ruốc sánh mịn, hương vị thơm ngon. Chính bởi chất lượng đặc biệt này mà ruốc Đông Thành đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
 
Về làng Đông Thành (nay là thôn Đông Thành), xã Liên Thủy (Lệ Thủy) những ngày đầu tháng 12, dường như ai cũng có thể cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của ruốc phảng phất khắp các con ngõ. Theo những người dân trong vùng, nghề làm ruốc đã có từ rất lâu và được xem là một trong những nghề truyền thống lâu đời của làng. Phần lớn các hộ dân nơi đây, nhà nào cũng đều biết nghề làm ruốc. Nhờ sự cần mẫn, chịu khó của người dân mà nghề làm ruốc ở Đông Thành được lưu giữ và tồn tại đến ngày hôm nay.
 
Tranh thủ những đợt nắng cuối cùng của năm, bà Nguyễn Thị Huệ tận dụng tất cả các loại thau và vật dụng trong nhà để dùng phơi ruốc. Dưới nắng, ruốc được làm chín tự nhiên và tạo ra màu tím nâu đẹp mắt.
 
Vừa đảo ruốc, bà vừa tâm sự: “Gia đình tôi làm nghề ruốc đã mấy chục năm nay. Ngày xưa, ông bà có làm nghề này và truyền lại kinh nghiệm cho tôi. Làm ruốc tuy vất vả và phải dùng nhiều sức nhưng sản phẩm chế biến ra được nhiều người ưa thích nên năm nào gia đình tôi cũng duy trì làm”.
Năm nay khuyếc được mùa nên gia đình chị Nguyễn Thị Huệ làm ruốc số lượng lớn
Năm nay khuyếc được mùa nên gia đình chị Nguyễn Thị Huệ làm ruốc số lượng lớn.
Chị cũng chia sẻ, để ruốc có màu tím nâu và sánh mịn thì đòi hỏi bàn tay người làm phải khéo léo và kiên trì thực hiện đầy đủ các công đoạn. Đầu tiên, nguyên liệu phải là những con khuyếc tươi ngon vừa mới được đánh bắt lên ở vùng biển Ngư Thủy. Con khuyếc càng tươi thì sản phẩm ruốc làm ra càng ngọt vị và dậy mùi thơm.
 
Khuyếc sau khi mua về thì đem ủ với muối hạt theo đúng tỷ lệ phù hợp. Khi nước muối tan ra thì lấy rổ vả để loại bỏ hết cát ra ngoài và vắt lấy nước. Phần xác khuyếc sau khi vắt lấy nước đem phơi dưới nắng cho đến lúc khô thì giã nhuyễn hoặc mang đi xay. Lấy hỗn hợp xay được đem trộn với phần nước vắt được lúc đầu rồi tiếp tục mang đi phơi nắng. Ruốc được phơi đến khi sánh mịn và có màu nâu tím thì tiếp tục ủ cho đến khi ruốc chín.
 
Mặc dù kỳ công và tốn nhiều công sức là vậy, nhưng để giữ lại nghề truyền thống của địa phương, hầu như năm nào các hộ dân trong làng cũng duy trì nghề. Vào mỗi mùa khuyếc, nhiều hộ làm từ vài tạ đến vài tấn ruốc.
 
Ông Nguyễn Văn Hoạch, thôn Đông Thành cho biết: “Năm nay khuyếc được mùa nên gia đình tôi làm 2 tấn ruốc. Trung bình mỗi năm vào khoảng tháng 3 và tháng 9-10 âm lịch là bắt đầu có khuyếc. Đây cũng là khoảng thời gian vào vụ ruốc của chúng tôi. Tùy vào từng con khuyếc, nếu năm nào khuyếc được mùa thì năm đó chúng tôi làm ruốc nhiều. Bình quân, mỗi năm chúng tôi làm 2 vụ ruốc. Ruốc ở đây là ruốc nguyên chất, không sử dụng để lấy nước mắm nên chất ruốc loãng, không bị khô. Chất lượng ruốc bảo đảm và ngon nên nhiều người tự tìm đến hỏi mua. Chính vì vậy mà nhiều hộ ngoài làm để ăn thì còn làm số lượng lớn để bán”.  
Ruốc của người dân Đông Thành làm ra có màu nâu tím và sánh mịn
Ruốc của người dân Đông Thành làm ra có màu nâu tím và sánh mịn.
Là nghề phụ được người dân làm những lúc nông nhàn nhưng ruốc quết đã mang lại nguồn thu nhập  khá cho nhiều hộ gia đình. “Nghề chính của chúng tôi vẫn là làm lúa. Gia đình tôi có hơn 1 mẫu ruộng, mỗi năm cho thu nhập 3-4 tấn lúa. Tuy nhiên, để có thêm thu nhập thì những lúc việc đồng áng xong xuôi, chúng tôi tranh thủ làm thêm nghề ruốc. Năm nay, gia đình tôi làm khoảng 3 tấn ruốc. Trước đây, ruốc làm xong nếu có thời gian tôi mang sang các chợ để bán hoặc nhập bán cho người quen. Những năm trở lại đây, nhiều người đến tận nhà hỏi thu mua với số lượng lớn. Năm nào được giá thì gia đình tôi thu về vài chục triệu đồng. Nguồn thu nhập này giúp gia đình tôi nuôi các cháu ăn học và mua sắm, sữa chữa nhà cửa”, bà Huệ chia sẻ.
 
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, với sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân Đông Thành, nghề làm ruốc truyền thống vẫn được lưu giữ từ đời này sang đời khác và trở thành nghề kiếm thêm thu nhập cho nhiều gia đình. Cũng nhờ lưu giữ nghề truyền thống mà sản phẩm ruốc quết Đông Thành được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng, qua đó góp phần vào việc giữ gìn nét văn hóa ẩm thực đặc sắc cho quê hương.
 
Nói về nghề làm ruốc của địa phương, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, ông Phạm Văn Linh cho biết: Mặc dù không phải địa phương nằm sát biển và không theo nghề biển, tuy nhiên, Đông Thành là một trong số ít địa phương của xã có nhiều người dân làm nghề ruốc quết. Đây là nghề thủ công truyền thống của làng được người dân lưu truyền qua nhiều thế hệ và được gìn giữ đến ngày hôm nay. Sản phẩm ruốc của người dân làm ra an toàn, chất lượng thơm ngon đã tạo được thương hiệu với không ít người tiêu dùng.
 
Đ.N

tin liên quan

Tổng kết 20 năm triển khai tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách

(QBĐT) - Sáng 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ.

Làng bánh tráng Tân An nhộn nhịp vụ Tết

(QBĐT) - Những ngày này, người dân làng Tân An (nay là thôn Tân An), xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) đang tất bật với vụ sản xuất bánh tráng lớn nhất trong năm để phục vụ nhu cầu thị trường Tết. 

Họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội năm 2022

(QBĐT) - Sáng 29/12, Cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội năm 2022 của tỉnh.