Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023

  • 18:00 | Thứ Ba, 27/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 26/12, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
 
Nội dung chỉ thị cụ thể như sau:
 
Năm 2022, giá cả nhiều loại mặt hàng thiết yếu biến động thường xuyên, các loại vật liệu xây dựng, xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, vật tư nông nghiệp... có xu hướng tăng cao, tác động đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của Nhân dân và thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh triển khai quyết liệt và đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được kết quả tích cực, góp phần cơ bản kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
 
Tuy nhiên, thời gian từ nay đến cuối năm và trong quý I năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu thiết yếu dự kiến còn nhiều biến động phức tạp khó lường đòi hỏi công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cần tiếp tục chú trọng tăng cường nhằm tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.
 
Để thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đón xuân Quý Mão năm 2023, vui vẻ, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
 
I. YÊU CẦU
 
1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm cân đối nguồn cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
 
2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của cấp có thẩm quyền. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, kiểm soát giá, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về giá, gian lận thương mại, không để xảy ra tình trạng mất cung - cầu dẫn đến tăng giá đột biến.
 
3. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ các quy định của pháp luật về giá, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại đơn vị và trên địa bàn. Tăng cường công tác triển khai, kiểm soát thị trường; ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp, giữ ổn định chỉ số giá hàng hóa, phù hợp với chỉ số giá chung của cả nước; tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp về kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, không để biến động về giá, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của Nhân dân.
 
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
1. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh
 
Tăng cường công tác chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh; trình cấp thẩm quyền thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, kiểm soát thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
 
2. Sở Tài chính
 
- Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn nhất là nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
 
- Phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện niêm yết giá, kê khai giá trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
- Quản lý chặt chẽ chi ngân sách bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.
 
3. Sở Công Thương
 
- Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
 
- Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các phương thức bán hàng lưu động,... để cung ứng hàng hóa bình ổn đến khu vực đông dân cư, các khu vực vùng sâu, vùng xa,... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
 
- Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, dự trữ đầy đủ có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng, đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường.
 
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản; phối hợp với Sở Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường.
 
5. Sở Giao thông vận tải
 
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng nhiên liệu biến động để tăng giá cước vận tải ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá.
 
- Chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo cho hàng hóa lưu thông thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và dịp tết Nguyên đán.
 
6. Cục Hải quan 
 
Tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Bộ đội biên phòng trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ và trên biển, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát Hải quan.
 
7. Sở Thông tin và Truyền thông
 
Phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát  thanh - Truyền hình tỉnh để đưa tin, tuyên truyền đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phản ánh sát thực tế cung cầu, giá cả hàng hóa thị trường để ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng góp sức cùng các cấp chính quyền thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường, tránh tâm lý bất an trong Nhân dân.
 
8. Cục Quản lý thị trường
 
Xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại. Chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống,... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, thuốc chữa bệnh,...
 
9. Cục Thuế tỉnh
 
Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; tăng cường công tác quản lý về hóa đơn nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận liên quan đến công tác quản lý thuế và chuyển giá.
 
10. Kho bạc Nhà nước tỉnh
 
Tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước, thực hiện đúng quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước tạo điều kiện giải ngân các khoản chi đủ điều kiện; kiên quyết từ chối thanh toán các trường hợp không đủ điều kiện thanh toán theo quy định của pháp luật. 
 
11. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố 
 
- Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 21/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
 
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá; có biện pháp bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng do đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đến trật tự, an toàn xã hội trong những tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán.
 
- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các quy định về quản lý giá, bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán.
 
- Thành lập Tổ công tác liên ngành của huyện, thị xã, thành phố để thực hiện kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực giá cả, thị trường.
 
III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO 
 
1. Các sở, ban, ngành: Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giao thông vận tải; Cục Thuế tỉnh; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện báo cáo UBND tỉnh (đồng thời gửi Sở Tài chính) cụ thể như sau:  
 
- Trước tết: Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công và tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa tại các huyện, thị xã, thành phố trong dịp cuối năm trước ngày 14/01/2023.
 
- Trong và sau tết: Báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công và tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa tại các huyện, thị xã, thành phố trước ngày 25/01/2023.
 
- Trường hợp có báo cáo đột xuất hoặc báo cáo hàng ngày theo yêu cầu sẽ có văn bản chỉ đạo riêng.
 
2. Sở Tài chính thực hiện báo cáo tổng hợp tình hình giá cả thị trường trước, trong và sau Tết trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Tài chính theo đúng thời gian quy định tại Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 12/12/2022 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Baoquangbinh.vn

tin liên quan

Mỹ Trạch nỗ lực về đích nông thôn mới

(QBĐT) - Là địa phương được huyện Bố Trạch chọn về đích nông thôn mới (NTM) năm 2022, thời gian qua, xã Mỹ Trạch đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí khó. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của người dân, đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM.

Bố Trạch: Vượt khó hoàn thành thu ngân sách

(QBĐT) - Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do hệ lụy của dịch Covid-19, nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, huyện Bố Trạch đã hoàn thành thu ngân sách, đạt dự toán giao.

Nông dân Quảng Hưng tích cực chăm sóc rau màu phục vụ Tết

(QBĐT) - Để chủ động cung ứng nguồn rau màu phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023, hiện nay bà con nông dân xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) đang tích cực chăm sóc diện tích các loại rau màu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.