Phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi

  • 13:07 | Thứ Bảy, 19/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp đã tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phát triển. Để hạn chế sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh, các địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vụ sản xuất đông-xuân 2021-2022 đạt kế hoạch đề ra.
 
Năm 2021, với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của bà con nông dân, nên sản xuất nông nghiệp của xã Sơn Lộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: Sản lượng lương thực trên 1.550 tấn, đạt 111% kế hoạch năm, đàn lợn tăng 1.075 con, gia cầm, thủy cầm tăng 5.000 con so với năm 2020…
 
Vợ chồng anh Phan Văn Thiên, chị Nguyễn Thị Mai (thôn Đồng Sơn, xã Sơn Lộc) làm trang trại chăn nuôi lợn từ năm 2016. Đến nay, gia đình chị Mai có 2 hệ thống chuồng lạnh, nuôi 40 lợn nái, mỗi năm cho 3 lứa lợn thịt với khoảng 300 con/lứa.
 
Chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ: “Mô hình chuồng lạnh khép kín, nhiệt độ luôn ở mức ổn định, nên đàn lợn ít bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, vận động tốt, ăn khỏe và tăng trưởng ổn định, ít tốn công chăm sóc và lợn sạch nên được bao tiêu giá cao. Để bảo đảm đàn lợn tiếp tục phát triển tốt, ngoài những lợi thế của hệ thống chuồng lạnh, chúng tôi luôn chú trọng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh bằng những việc làm cụ thể, như: Tiêm phòng, mua thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ…”.
 
Năm 2022, xã Sơn Lộc triển khai gieo cấy vụ đông-xuân với 159ha lúa, 16ha sắn, 7ha ngô… Đàn vật nuôi có khoảng 800 con trâu, bò, 7.000 con lợn, trên 30.000 gia cầm, thủy cầm. Ông Phan Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cho hay: “Để phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, hàng tuần, UBND xã phân công cán bộ đi kiểm tra thực tế tại các đồng ruộng, trang trại, thông qua người dân để nắm bắt tình hình dịch bệnh, từ đó bàn bạc, đưa ra giải pháp cụ thể để triển khai phương án phòng, chống dịch. Đặc biệt, cán bộ phụ trách nông nghiệp sẽ trực tiếp hướng dẫn cho bà con sử dụng các loại thuốc phù hợp để phòng, trừ dịch bệnh.
Nông dân huyện Bố Trạch ra đồng chăm sóc lúa vụ đông-xuân.
Nông dân huyện Bố Trạch ra đồng chăm sóc lúa vụ đông-xuân.
Từ đầu năm đến nay, trên các loại cây trồng của xã có xuất hiện bọ trĩ, ốc bươu vàng nhưng với các biện pháp xử lý kịp thời, hiện cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Được sự quan tâm của các ngành, đơn vị, địa phương, năm 2021, xã Sơn Lộc được chọn làm điểm xây dựng mô hình "Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật" cấp xã. Thông qua mô hình, các trang trại, hộ chăn nuôi đã được hỗ trợ xử lý dịch bệnh, vắc-xin, hóa chất tiêu độc khử trùng kịp thời. Bên cạnh đó, người chăn nuôi có ý thức tốt trong công tác thực hiện phòng, chống dịch bệnh nên đến nay, đàn vật nuôi đang phát triển ổn định”.
 
Cũng như xã Sơn Lộc, hiện, các địa phương trên toàn huyện Bố Trạch đang tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi vụ đông-xuân, đẩy mạnh các giải pháp phòng, ngừa dịch bệnh. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, vụ đông-xuân 2021-2022, toàn huyện trồng 5.220ha lúa, 780,1ha ngô, trên 742ha lạc, khoảng 3.896ha sắn và 1.371ha rau các loại.
 
Sau Tết Nguyên đán, số lượng gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn huyện đã giảm mạnh, giá thịt hơi vẫn ổn định nên người chăn nuôi đang tích cực vệ sinh chuồng trại để tái đàn. Đến cuối tháng 2, tổng số trâu toàn huyện có khoảng 6.872 con; đàn bò khoảng 35.472 con; đàn lợn trên 57.200 con; đàn gia cầm khoảng 708.000 con.
 
Nhìn chung, các loại cây trồng, vật nuôi đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện tại, một số diện tích lúa bị chuột gây hại và nhiễm bệnh bạc lá, đạo ôn…; nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi khá lớn. Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, để chủ động trong công tác phòng ngừa dịch bệnh, phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến sâu bệnh hại trên đồng ruộng để hướng dẫn bà con nông dân phòng trừhiệu quả, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng trong thời gian tới.
 
Về chăn nuôi, Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện một số văn bản tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; phương án phòng, chống dịch bệnh GSGC... Phòng cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn GSGC, thực hiện chế độ báo cáo dịch bệnh theo quy định. Triển khai kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin GSGC đợt 1/2022, hiện tại, Phòng NN-PTNT đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương rà soát tổng đàn và đăng ký các loại vắc-xin tiêm phòng cho đàn GSGC, làm cơ sở tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch tiêm phòng hiệu quả.
 
Lê Mai

tin liên quan

Triển khai thực hiện các giải pháp thu ngân sách

(QBĐT) - Năm 2022, nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ gặp nhiều áp lực, thách thức. 

Doanh nghiệp lữ hành và thách thức đổi thay

(QBĐT) - Dịch Covid-19 đã thay đổi mạnh mẽ xu hướng du lịch, vì vậy, doanh nghiệp lữ hành Quảng Bình bắt buộc phải bắt kịp xu thế, thay đổi cách thức vận hành tour vốn có, đồng thời tăng cường tính liên kết để có thể tồn tại. 

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến và thu hút khách du lịch năm 2022

(QBĐT) - Ngày 17/3, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 396/KH-UBND về Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến và thu hút khách du lịch năm 2022.