Lệ Thủy:

Kiên quyết xử lý vi phạm trong cải tạo đất nông nghiệp

  • 07:08 | Thứ Bảy, 19/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn xã Trường Thủy (Lệ Thủy) có nhiều điểm cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp, kết hợp khai thác tận thu đất san lấp có nhiều dấu hiệu vi phạm, ảnh hưởng đến cuộc sống và gây bức xúc cho người dân địa phương. Đó là phản ánh của bạn đọc gửi đến phóng viên Báo Quảng Bình.
 
Trả lời về phản ánh nói trên, ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy khẳng định, phản ánh của bạn đọc là có cơ sở và đúng thực tế. Qua kiểm tra của UBND xã cho thấy: Hiện trên địa bàn xã có 6 điểm cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp có kết hợp khai thác tận thu đất san lấp của các hộ gia đình. Việc khai thác của các hộ gia đình đa số đều khoán trắng cho đơn vị khai thác, không kiểm tra, giám sát nên mặt bằng sau khi tận thu không bảo đảm độ sâu, cao và diện tích vượt so với thiết kế; lớp đất mặt không để lại theo phương án. Có điểm cải tạo đất sau khi khai thác xong không trồng lại keo tràm theo quy định.
 
Điển hình nhất là ở mỏ đất của ông Trương Tấn Lệ. Xe vận chuyển đất tận thu có dấu hiệu rõ về sự quá khổ, quá tải làm ảnh hưởng đến bề mặt đường giao thông; quá trình vận chuyển đất còn rơi vãi dọc đường và khu vực gần mỏ. Cùng với đó, đường giao thông không được tưới nước đầy đủ theo quy định vào mùa nắng nóng, gây bụi làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và các hộ dân sống ở gần đường giao thông. Đặc biệt, việc xe chở đất quá tải, quá khổ chạy trên đường giao thông gây bụi và ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện giao thông nhỏ khiến cho người dân bức xúc.
 
Ngoài ra, đa số các điểm cải tạo đất thực hiện thời gian khai thác không đúng quy định, vượt quá giờ quy định trong ngày, thậm chí khai thác vào thời gian tối muộn. Cá biệt, có một số cá nhân lợi dụng việc thực hiện tận thu đất tại các điểm cải tạo đất được cấp phép để luồn lách khai thác trộm đất ở các khu vực gần mỏ, dưới đường dây điện làm thất thoát tài nguyên, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Một điểm mỏ cải tạo đất chưa thực hiện việc san gạt mặt bằng và trồng lại rừng sau cải tạo, san lấp đất theo đúng quy định.
Một điểm mỏ cải tạo đất chưa thực hiện việc san gạt mặt bằng và trồng lại rừng sau cải tạo, san lấp đất theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Thanh Quyết lý giải: Do địa bàn rộng, lại chia cắt, trong khi cán bộ công chức Địa chính và Công an xã không thể thường xuyên đi kiểm tra giám sát nên đã để xảy ra việc các hộ gia đình khai thác có vi phạm.
 
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vi phạm và thực hiện nghiêm túc các quy định, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết: Xã đã có văn bản và thông báo cho các hộ gia đình, đơn vị khai thác tận thu đất san lấp từ việc cải tạo đất nông nghiệp phải chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các nội dung theo phương án cải tạo đất đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức khắc phục những tồn tại đã chỉ ra thời gian qua trong việc thực hiện công tác cải tạo đất nông nghiệp có kết hợp tận thu đất san lấp trên địa bàn xã, trong đó yêu cầu các hộ gia đình ông Trương Tấn Lệ, Nguyễn Xuân Vũ và bà Nguyễn Thị Kỷ phải thực hiện đúng trách nhiệm giám sát, bám sát chặt chẽ với đơn vị khai thác vận chuyển đất để khắc phục tối đa những tồn tại đã xảy ra.
 
Cùng với đó, xã giao cho các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và chấp hành các quy định của pháp luật về cải tạo đất có kết hợp tận thu đất san lấp và phương án cải tạo đất đối với các hộ gia đình đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép; kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý kịp thời những vi phạm theo đúng quy định; kiểm lâm địa bàn, lâm nghiệp xã tích cực kiểm tra và tham mưu chỉ đạo các hộ gia đình thực hiện việc trồng lại rừng phục hồi môi trường sau khi thực hiện xong việc cải tạo, san lấp đất theo đúng quy định.
 
Ngoài ra, UBND xã cũng giao trách nhiệm cho Trưởng ban Mặt trận dân cư, Trưởng thôn trực tiếp giám sát tại các điểm cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp có kết hợp khai thác tận thu đất san lấp trên địa bàn thôn mình, như: Độ sâu khai thác đất; bảo đảm môi trường, thời gian khai thác, vận chuyển đất. Nếu bảo đảm yêu cầu, mới cho xe vận chuyển đất ra khỏi điểm cải tạo đất.
 
UBND xã cũng yêu cầu các hộ gia đình và đơn vị khai thác, vận chuyển đất phải bảo đảm yếu tố môi trường; thực hiện tốt mục tiêu cuối cùng của cải tạo đất khi hạ thấp độ cao của đất để bảo đảm trồng lại rừng có hiệu quả hơn trước. Riêng với đơn vị vận chuyển đất tận thu, xe vận chuyển đất phải chở đúng khối lượng, đúng trọng tải, đúng thời gian; khi vận chuyển làm hư hỏng các tuyến đường phải thực hiện việc khắc phục, sửa chữa đường như đã cam kết...
 
UBND xã cũng đã đề nghị HĐND xã, Ủy ban MTTQVN xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội về quá trình quản lý nhà nước của UBND xã và việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp có kết hợp tận thu đất san lấp của các hộ gia đình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trên địa bàn xã- ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết.

                                                                                  Thành Quảng

tin liên quan

"Sổ đỏ" bị… thất lạc?

(QBĐT) - Bà Nguyễn Thị Niệu (SN 1937, hiện trú tại thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) phản ánh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên vợ chồng bà hiện đã bị thất lạc, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét để sớm cấp lại cho bà.
 

Kiên quyết xử lý vi phạm trong bồi thường GPMB cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Liên quan đến việc một số xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy xảy ra tình trạng người dân tiến hành xây dựng các công trình để 'đón đầu" chờ đền bù từ dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam thời gian qua, ngày 16/3, UBND huyện Lệ Thủy đã có chỉ đạo các đơn vị chức năng và xã, thị trấn có tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Sự cần thiết của việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008

(QBĐT) - Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo hướng được tách thành 2 luật mới, gồm: Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hội thảo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Dưới đây là ý kiến của thượng tá, Th.s Trần Đức Dương, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh về vấn đề này.