.

Ký ức xóm nhỏ Hà Tran trong lòng người ra trận

.
09:46, Chủ Nhật, 11/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhà báo Thanh Tùng tặng tôi tập sách “Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập”(*). Anh bảo: "Ngô Minh đọc cái này, hồi ức của anh em chiến sĩ trinh sát C20 xưa của chúng mình viết đấy, không văn chương chữ nghĩa gì mấy, nhưng cảm động lắm. Trong này có nhiều hồi ức sâu đậm về làng nhỏ Hà Tran bên sông Kiến Giang, Lệ Thủy quê ông”.

Và tôi đọc. Sách “Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập” gồm gần 30 bài hồi ức, ký, thơ, truyện ngắn của hơn 10 anh em cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát C20, F341 xưa. Sau này, nhiều người trong số họ là đại tá, trung tá, nhà báo, nhà giáo, doanh nhân…, là chỉ huy các đơn vị khác nhau, rồi nghỉ hưu.

Đã 45 năm rồi từ ngày đơn vị hành quân từ Sông Lam, Nghệ An về đóng quân tại thôn Hà Tran, bên sông Kiến Giang, Lệ Thủy, để luyện tập chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Đa phần anh em C20 này là sinh viên Trường đại học Sư phạm Vinh được tổng động viên ra trận để gải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1975, C20 theo các cánh quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh Xuân Lộc, Trảng Bom, vào Dinh Độc Lập. Trong số họ đã có người hi sinh ngay ở cửa ngõ Xuân Lộc như Ngôn, như chiến sĩ trinh sát Hoàng Như Tụng quê Thanh Hóa đã hy sinh trong trận đánh chi khu quân sự Trảng Bom.

Sau ngày hòa bình, tác giả Tùng Sơn nhớ bạn mình đã đi tìm bạn ở nghĩa trang liệt sĩ Trảng Bom, thắp nhang rồi đọc thơ của bạn Lê Quang Phương viết về Tụng: Quê anh ở làng Dừa… rồi hóa vàng trước mộ để Tụng “dưới kia” được đọc: "Ba ngày nữa hết chiến tranh/ Miền Nam giải phóng/ Nhưng anh không về!".

Thật cảm động! Nghĩa tình như thế nên Tổ quốc mênh mông, chiến trường mênh mông, mà trong hồi ức của mình, các chiến sĩ C20, vẫn nhớ, vẫn nhắc rất nhiều về những kỷ niệm ở làng Hà Tran, một làng nhỏ bên sông Kiến Giang xưa họ đóng quân. Có người nhớ như in từng chi tiết, từng tên người, tùng sự việc, như là vừa mới gặp hôm qua. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn!".

Đọc sách, tôi cũng say mê với những ký ức về làng Hà Tran bên dòng Kiến Giang xanh trong, đắm thắm. Nhà báo Thanh Tùng mô tả về làng Hà Tran như sau: “Hà Tran là một thôn thuộc làng Uẩn Áo, xã Liên Thủy, gần chợ Tréo, nhưng lại nằm phía trên xã Mỹ Thủy.

Hà Tran chỉ có 20 nóc nhà, thế mà cũng có một bài ca về làng mình: "Em yêu xóm nhỏ Hà Tran/ Miền Tây Uẩn Áo, xã Liên Thủy mình/ Giữa rừng núi rậm dựng làng…". Thực ra đó là một xóm kinh tế mới của xã Liên Thủy.

Trang bìa cuốn Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập.
Trang bìa cuốn Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập.

Hồi ức về làng Hà Tran, các anh nhớ về các mẹ Tòng, mẹ Ký, nhớ các em gái, những người đã xem các anh như con, như người anh ruột thịt và… như người yêu thương, chia sẻ. Tác giả Quang Phương gọi mạ Tòng là “người mẹ của chúng tôi” . Quang Phương viết: “Nhà mạ Tòng nghèo nàn, đơn sơ như mọi nhà trong xóm nhỏ Hà Tran thời ấy. Không biết bọ mất từ khi nào, khi chúng tôi vào ở thì chỉ có mạ, cô con dâu và chú út tên là Chuân. Nhà mạ chỉ có 1 cái niêu bằng đồng để nấu cơm, 2 cái nồi đất, một cái ấm đất. Cái niêu bằng đồng được mạ đặt vào dóng treo trên tấm phên trong buồng. Mạ gọi 11 đứa chúng tôi là con.

Thằng Phương nờ, con lại đây mạ bảo, con ơi Tiến ơi, con Hà Sơn ơi đừng to tiếng, mạ luộc sắn đây bay... Tiếng mạ nhẹ nhàng khoan thai. Anh Thân và anh Chức được mạ gọi là chú. Cả 13 chàng lính đều gọi mạ xưng con. Mạ Tòng là một người mẹ có sức mạnh của một trái tim nhân hậu. Mạ thường làm nguội đi những cái đầu nóng thất thường vì cãi vã. Tiếng mạ làm chúng tôi ấm lại khi đi công tác đêm đông về, làm quên đi cơn đói lúc chờ cơm”.

Ở xóm Hà Tran, bà mẹ nào cũng thương bộ đội, bà mẹ nào cũng là “mẹ của chúng tôi”. Vui và rôm rả nhất là chuyện về các người đẹp. Xóm Hà Tran chỉ 20 nóc nhà sao lắm người đẹp thế. Tuổi 20 sức xuân phơi phới, gặp người đẹp là mê, là xốn xang lòng… Nào em Vy, em Phố, em Tám. Có cả những người tuổi chị như chị Tòng... Em Vy được cho là hoa khôi của Hà Tran.

Bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan ai cũng thuộc, nhưng thằng Lộc người nhỏ và lại đọc theo cách của nó: "Nàng có năm người anh đi bộ đội/ nàng hay hái hoa sim trên đồi Lệ Thủy/ Sau làng Hà Tran/ Bên dòng Kiến Giang/ Cài lên mái tóc/ Tóc nàng màu tím hoa sinh/ Tím tím màu lá sắn Hà Tran…". Thật thông minh và lãng mạn! Bài thơ đó Lộc đọc cho Vy nghe. Vy hiểu ra “5 người anh đi bộ đội” đó là Lộc, Phương, Sáng, Thân, Tiến ở trong nhà em Vy...

Trong bài ký “Xá lỵ Hà Tran”, Quang Ngọc thì kể, có lần bộ đội đi chở gạo, khoảng năm giờ chiều mới tới cầu sập Mỹ Trạch thì va phải chiếc xuồng chở củi của 2 cô gái đi ngược chiều, các bó củi bung ra tá lả, xuồng bị lật úp, hai cô gái lóp ngóp. Khi đã hoàn hồn trên bờ, Ngọc thộn người ra, dưới chiếc áo bà ba ướt sũng lồ lộ “tòa thiên nhiên” tròn lẳn.

Em cười: "Eng ni, không lo đi vớt củi cho người ta mà ngó chi”. Lại chuyện lính C20 đêm hôm đi “ăn trộm” đàn ghi-ta của đơn vị bạn (tất nhiên để lại 10 đồng lấy hòn đá dằn lên trên), để về đàn cho các cố gái xóm Hà Tran nghe. Kỷ niệm ấy đúng là phải nhớ đời!

Trong bài “Người mẹ của chúng tôi”, Quang Phương còn kể một chuyện con gái Lệ Thủy vui hơn, ngộ hơn. “Do mồ hôi ra nhiều, giặt không bao giờ thèm có xà phòng, giặt ướt chưa khô lại mặc nên quần đùi cũng bục... Chị em cứ chiều chiều chèo thuyền chở củi về đến gần Hà Tran thì phải chèo lái sang bờ bắc, bởi không dám nhìn mấy eng tắm. Từ giữa dòng các chị hò khoan:

- Ơ hơ ơ sông Kiến Giang nước xanh trong chi mà trong cả mấy tầng... là hò là dô… Ơ... ơ… ơi... chứ mà để cho mấy eng bộ đội ơ... ơ không có quần lặn bơi... là hò là khoan… Không quần này eng hãy lặn cho sâu… là hò là dô.... Lặn cho sâu mà em vẫn chộ, là hò là dô…”

Ở trên tôi đã điểm đôi nét ấn tượng trong tập sách “Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập”. 45 năm rồi, từ ngày ấy. Những chàng trai trẻ tuổi 20 năm xưa giờ đã 65, 67, đã là ông nội, ông ngoại cả rồi. Nhưng ký ức chiến tranh, ký ức xóm Hà Tran vẫn vẹn nguyên tươi mới.

Các cựu chiến binh C20 F341 xưa đang có kế hoạch tổ chức cuộc đoàn tụ gặp gỡ nhau ở Đồng Hới rồi kéo về thăm xóm Hà Tran, thăm lại nơi mình đã có 2 năm chung sống, yêu thương, chia ngọt sẻ bùi với bà con. Tôi nghĩ lúc đó bà con xóm Hà Tran, nhất là những chị em thân thiết năm xưa, nếu còn sống chắc mừng vui lắm lắm…

Ngô Minh

------------------------------------------------------------------

(*) Nhiều tác giả, NXB Thuận Hóa 2018

,
  • Đền thiêng trên đường 20

    (QBĐT) - Nguyễn Tứ Vỵ, Trưởng ban quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ (AHLS) đường 20-Quyết Thắng gọi điện báo với tôi: "Anh ơi! Cây chuối rừng trước hang Tám Cô lại ra hoa kết trái, vừa đúng 8 nải rồi thôi. Anh lên với các anh chị ấy nhé!"

    28/10/2018
    .
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 2: Bản nghèo thủy chung

    (QBĐT) - Nếu tính từ chân cầu Long Đại ngược lên xã Trường Sơn, đôi bờ Đại Giang hiền hòa có rất nhiều bản làng thuộc hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh) định cư từ lâu đời: Bắc Kim Sen, Nam Kim Sen, Lâm Ninh, Nước Đắng, Hôi Rấy, Cây Sú, Long Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn…

    25/09/2018
    .
  • Chủ tịch Trần Sự-người có tầm nhìn chiến lược

    (QBĐT) - Khi đang ngồi trên nghế nhà trường thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, qua lời kể của mọi người, tôi đã biết và thực sự ngưỡng mộ trung tá Trần Sự, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, người chỉ huy quân sự xuất sắc, dũng cảm, mưu lược đã đánh thắng nhiều trận oanh kích của máy bay, tàu chiến Mỹ.

    24/10/2018
    .
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 1: Cổ tích một dòng sông

    (QBĐT) - Đã có một thời Đại Giang (Long Đại), con sông lớn "đâm" từ trong trùng điệp núi non Trường Sơn về "hội nhập" cùng Kiến Giang, hòa thành sông Nhật Lệ đổ ra biển Đông trở thành một tuyến giao thông tấp nập "trên bến, dưới thuyền" ngược lên tận xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh). 

    24/09/2018
    .
  • Mười bốn cây dừa

    (QBĐT) - Mười bốn cây dừa, không cây nào còn nguyên vẹn bởi những vết thương chiến tranh. Trước khi còn sót lại mười bốn cây dừa trên mình mang đầy thương tích, nơi đây từng là một vườn dừa trù phú, tràn đầy sinh lực, bình yên tọa lạc nơi góc phố thân thương của thị xã Đông Hới.

    21/10/2018
    .
  • Đồn Hòa Luật Nam-chứng tích tội ác chiến tranh thời chống Pháp

    (QBĐT) - Cách quốc lộ 1A khoảng 200m về phía Đông Nam thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, đồn Hòa Luật Nam là nơi in đậm tội ác của thực dân Pháp đối với quân và dân ta trong suốt thời gian chúng đánh chiếm Quảng Bình.

    17/10/2018
    .
  • Chuyện già làng Hồ Pan

    (QBĐT) - Già làng Hồ Pan, bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy luôn được người dân kính trọng bởi sự tận tụy và tâm huyết với công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Trong gia đình, ông là người cha mẫu mực, nuôi dạy cả 6 người con khôn lớn, trưởng thành.

    07/11/2018
    .
  • Huyền tích về vua Hàm Nghi ở Hóa Sơn

    (QBĐT) - Đâu chỉ có kho báu, những huyền tích về vua Hàm Nghi ở vùng đất Hóa Sơn (Minh Hóa) cho đến bây giờ vẫn được người dân nơi đây lưu truyền như một tấm gương trung trinh về lòng yêu nước son sắt…

    04/11/2018
    .