.

Đồn Hòa Luật Nam-chứng tích tội ác chiến tranh thời chống Pháp

.
08:22, Thứ Tư, 17/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách quốc lộ 1A khoảng 200m về phía Đông Nam thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, đồn Hòa Luật Nam là nơi in đậm tội ác của thực dân Pháp đối với quân và dân ta trong suốt thời gian chúng đánh chiếm Quảng Bình. Nơi đây có khu mộ tập thể của hơn 2.000 người dân vô tội và cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã bị thực dân Pháp giết hại dã man trong những năm 1947-1952.

Đồn lính Pháp lớn nhất phía Nam Quảng Bình

Sau khi chiếm được Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, thực dân Pháp đã phối hợp với chính quyền tay sai mở cuộc hành quân đánh chiếm Quảng Bình. Lệ Thủy nói chung và xã Cam Thủy nói riêng nằm trong vùng tạm chiếm của địch, phải đương đầu với một cuộc chiến mới đầy cam go, ác liệt.

Để tăng cường kiểm soát các hoạt động của ta, thực dân Pháp đã cho xây dựng hệ thống đồn bốt kiên cố liên hoàn, gồm ba tuyến: tuyến phía Tây dọc theo đường sắt từ Mỹ Đức đến Thượng Lâm; một tuyến từ An Lạc, Tuy Lộc đến Liêm Thiện và một tuyến dọc quốc lộ 1A từ Hạ Cờ, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đến xã Sào Nam, huyện Lệ Thủy (gồm địa bàn các xã Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy ngày nay).

Đến cuối năm 1947, thực dân Pháp đã đã thiết lập 11 đồn tại Lệ Thủy, gồm: Phù Thiết, chợ Cưỡi, Hòa Luật Nam, Tuy Lộc, Thượng Phong, Lộc An, Liêm Thiện, Mỹ Đức, Mỹ Trạch, An Lạc. Trong số đó, đồn Hòa Luật Nam (thuộc xã Cam Thủy ngày nay) là đồn trung tâm, có vị trí chiến lược quan trọng nên được xây dựng kiên cố và lớn nhất.

Xác định được vị trí chiến lược trọng yếu của thôn Hòa Luật Nam, sau khi chiếm được vùng rộng lớn Lệ Thủy, thực dân Pháp đã khẩn trương cho xây dựng đồn Hòa Luật Nam, tạo thành điểm chốt chặn lợi hại của địch trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam, khống chế cả một vùng rộng lớn ở phía Nam tỉnh Quảng Bình.

Để tăng cường phối hợp tác chiến, thực dân Pháp còn cho xây dựng một sân bay trực thăng ở làng Đặng Lộc (gần đồn Hòa Luật Nam) để tiếp tế lương thực, vũ khí và yểm trợ cho đồn khi chúng tổ chức các cuộc hành quân càn quét.

Người dân Hòa Luật Nam kể lại rằng, sau khi đồn Hòa Luật Nam xây dựng xong, ban đêm, quân Pháp cho bắn pháo cối cầm canh từ đồn ra các vùng lân cận nhằm uy hiếp tinh thần của người dân, ban ngày thì chúng cho các tốp lính tuần tra, bắt bớ dân lành từ các làng trong xã về đồn tra tấn để thăm dò tình hình hoạt động của đội du kích và các lực lượng cách mạng của ta.

Bước sang năm 1949, với âm mưu thực hiện mở rộng địa bàn chiếm đóng đi đôi với thủ đoạn chính trị, thực dân Pháp tăng cường mở rộng càn quét ra vùng tự do để chống phá các cơ sở cách mạng, tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta.

Tại Lệ Thủy, chúng chia quân đóng tại nhiều vị trí chính, trong đó đồn Hòa Luật Nam là một trong những vị trí then chốt. Ngoài ra, chúng còn củng cố thêm hệ thống đồn bốt từ Hòa Luật Nam qua Liêm Thiện, từ Thượng Phong lên Mỹ Trạch, tạo thành thế bao vây toàn bộ vùng đồng bằng nơi đây. Chúng cho xây thêm nhiều nhà ở, công sự kiên cố, biến đồn Hòa Luật Nam thành một cứ điểm then chốt trên hướng Đông Nam Lệ Thủy.

Một bệ lắp đặt pháo do thực dân Pháp xây dựng còn sót lại ở khu vực đồn Hòa Luật Nam.
Một bệ lắp đặt pháo do thực dân Pháp xây dựng còn sót lại ở khu vực đồn Hòa Luật Nam.

Ngày 20-5-1950, thực dân Pháp mở cuộc càn quét lớn vào làng Xuân Bồ (Xuân Thủy). Đồn Hòa Luật Nam được chọn đặt Sở chỉ huy của địch để chỉ huy trận càn. Lúc này, xung quanh Xuân Bồ có nhiều vị trí đóng quân của địch, nhưng đồn Hòa Luật Nam ở phía Đông Nam và đồn Mỹ Trạch ở phía Tây Nam là quan trọng nhất. Đây là hai vị trí địch thường sử dụng làm bàn đạp để tổ chức các cuộc hành quân càn quét trên địa bàn phía Nam tỉnh Quảng Bình.

Ngày 19-5-1950, các đơn vị của Trung đoàn 18 cùng với nhân dân Xuân Bồ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày sinh của Bác và mừng thắng lợi chiến dịch Lê Lai. Nhận được tin này, thực dân Pháp lập tức huy động Binh đoàn Spa-hy số 6 và Tiểu đoàn ứng chiến bán tỉnh Quảng Bình mở ngay cuộc càn quét. Sáng ngày 20-5-1950, Binh đoàn 6 Spha-hy từ đồn Mỹ Trạch, Tiểu đoàn ứng chiến bán tỉnh Quảng Bình từ đồn Thượng Phong đều vượt sông sang phối hợp tấn công Xuân Bồ.

Cùng lúc đó, pháo binh từ đồn Hòa Luật Nam cũng dồn dập bắn tới. Sau khi được phi pháo bắn phá dọn đường, bộ binh địch chia thành nhiều mũi đánh vào Xuân Bồ. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra hết sức quyết liệt, hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Được sự giúp đỡ của nhân dân trong vùng, Trung đoàn 18 cùng với bộ đội địa phương và du kích đã anh dũng chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch.

Nơi ghi dấu tội ác dã man của thực dân Pháp

Không chỉ là một căn cứ quân sự kiên cố, then chốt ở vùng phía Nam Quảng Bình, đồn Hòa Luật Nam còn là nơi giam cầm, tra tấn, giết hại dã man cán bộ, chiến sĩ và hàng ngàn người dân vô tội. Trong những năm 1947-1952, nhân dân trong xã, nhất là các xã xung quanh đồn phải chịu sống trong cảnh bị khủng bố, bắt bớ, tra tấn dã man, cái chết luôn luôn rình rập.

Ông Vũ Xuân Ngữ (thôn Hòa Luật Nam) là một trong số ít nhân chứng lịch sử còn sống kể lại rằng, khi Pháp xây dựng đồn Hòa Luật Nam xong, chúng tổ chức nhiều trận càn, cho quân lính lùng sục khắp các làng, xã ở trong huyện khủng bố tinh thần người dân. Hễ tình nghi ai hoạt động cách mạng là chúng bắt trói, đưa về đồn tra khảo rồi sát hại, người bị bắn, người thì bị đánh đập cho đến chết.

Ước tính, trong thời gian đánh chiếm, đóng đồn tại Hòa Luật Nam, thực dân Pháp đã bắn giết hơn 2.000 người gồm cả cán bộ cách mạng và dân thường vô tội. Năm 1952, khi hố chôn tập thể ở Hòa Luật Nam có quá nhiều xương cốt, gây ô nhiễm môi trường nặng, nhân dân xã Cam Thủy cùng Hội Phật giáo làng Hòa Luật Nam ở chùa Hội Quán đứng ra thu dọn và chôn cất hài cốt. Đội gồm 10 người khỏe mạnh thay phiên nhau tiến hành thu dọn liên tục trong ba ngày liền mới lượm hết xương cốt dưới hố.

Hơn 2.000 bộ xương cốt lẫn lộn với nhau, không thể phân biệt được của từng người nên đành phải chia đều ra 5 phần để chôn cất. Từ đó, dưới chân động Trôốc Voi, làng Hòa Luật Nam hình thành 5 ngôi mộ tập thể, tất cả đều vô danh. Đây là chứng tích ghi lại tội ác dã man của thực dân Pháp đã gây ra đối với người dân Cam Thủy, huyện Lệ Thủy nói riêng, nhân dân Quảng Bình nói chung.

Từ trong đau thương, nghiệt ngã, tinh thần, ý chí, sự can trường, khát vọng vươn tới hòa bình của nhân dân Cam Thủy ngày càng mãnh liệt. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nhân dân Cam Thủy đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, gian khổ, hi sinh, anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng cùng nhân dân trong toàn tỉnh đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên đất Quảng Bình.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đã lùi xa hơn 60 năm, nhưng nỗi đau mà thực dân Pháp gây nên tại thôn Hòa Luật Nam vẫn còn hiện hữu trong ký ức của những từng sống và chứng kiến trong những năm tháng kinh hoàng đó.

Để tưởng niệm hơn 2.000 người dân và chiến sĩ cộng sản đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời ghi sâu tội ác của thực dân Pháp, năm 2003 chính quyền và nhân dân xã Cam Thủy đã tiến hành cất bốc, quy tập hài cốt, xây dựng thành một khu mộ tập thể dưới chân động Trôốc Voi-vị trí mà giặc Pháp chọn làm nơi xử bắn trước đây. Năm 2013, khu mộ tập thể tiếp tục được tôn tạo khang trang hơn.

Hằng năm, vào các ngày ngày lễ, tết... các tổ chức, đoàn thể cùng nhân dân tổ chức dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân lên các phần mộ tại khu mộ tập thể để tưởng nhớ chiến sĩ và đồng bào bị thực dân Pháp sát hại, đồng thời cầu nguyện cho những linh hồn vô danh được siêu thoát.

Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngày 31-8-2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 2893/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử đối với Chứng tích tội ác chiến tranh tại thôn Hòa Luật Nam. Để bảo vệ tốt di tích, trước mắt, cần tiến hành cắm mốc di tích và dựng biển chỉ dẫn đường đến di tích.

Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác, xây dựng trong khu vực đã khoanh vùng bảo vệ di tích. Khi điều kiện cho phép nên xây dựng đền thờ để tri ân, tưởng nhớ các chiến sĩ và đồng bào bị bị thực dân Pháp sát hại, đồng thời giúp phát huy giá trị di tích, thu hút du khách đến tham quan, dâng hương tưởng niệm...

Minh Đức-Ngọc Ánh
(Ban quản lý Di tích Quảng Bình)
 

,
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 2: Bản nghèo thủy chung

    (QBĐT) - Nếu tính từ chân cầu Long Đại ngược lên xã Trường Sơn, đôi bờ Đại Giang hiền hòa có rất nhiều bản làng thuộc hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh) định cư từ lâu đời: Bắc Kim Sen, Nam Kim Sen, Lâm Ninh, Nước Đắng, Hôi Rấy, Cây Sú, Long Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn…

    25/09/2018
    .
  • Mùa thu về nhớ Đại tướng

    (QBĐT) - Cứ mỗi mùa thu tháng Tám, muôn triệu người dân đất Việt, đặc biệt là người con Quảng Bình lại nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc, vị tướng của nhân dân, người con ưu tú của quê hương "hai giỏi"...

    25/08/2018
    .
  • Tháng bảy về, nhớ hội xưa

    (QBĐT) - Trong văn hóa Việt Nam, rằm tháng bảy âm lịch vừa là lễ Vu Lan, vừa là lễ xá tội vong nhân. Ngược dòng thời gian, rằm tháng bảy là dịp để tiếng trống hội rộn rã vang lên khắp các làng quê Quảng Bình. Đó là câu chuyện của những ngày xưa cũ, mà nay chỉ còn trong hoài niệm.

    25/08/2018
    .
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 1: Cổ tích một dòng sông

    (QBĐT) - Đã có một thời Đại Giang (Long Đại), con sông lớn "đâm" từ trong trùng điệp núi non Trường Sơn về "hội nhập" cùng Kiến Giang, hòa thành sông Nhật Lệ đổ ra biển Đông trở thành một tuyến giao thông tấp nập "trên bến, dưới thuyền" ngược lên tận xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh). 

    24/09/2018
    .
  • Chuyện kể về nữ anh hùng Quảng Bình hai lần được gặp Bác Hồ

    (QBĐT) - Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời.

    18/09/2018
    .
  • Vẹn tình sản vật dòng Gianh

    (QBĐT) - Chảy qua xã Cảnh Hóa và Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa (Tuyên Hóa), dòng sông Gianh hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây những con hến, con chắt chắt bé nhỏ nhưng thấm nghĩa vẹn tình. Để bắt nó, người ta phải canh con nước ròng, rồi lội ra giữa dòng, miệt mài đãi từng mành cát.

    09/09/2018
    .
  • Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng

    (QBĐT) - Nằm ở vùng hạ lưu sông Gianh, xã Châu Hoá là địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng. Cách đây tròn 73 năm, Châu Hóa hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ của dân tộc.

    01/09/2018
    .
  • Cảnh Hoá chuyển mình...

    (QBĐT) - Đến xã Cảnh Hoá (huyện Quảng Trạch) đúng dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với bộ mặt nông thôn đang ngày càng khởi sắc.

    01/09/2018
    .