.

Tháng bảy về, nhớ hội xưa

.
09:53, Thứ Bảy, 25/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong văn hóa Việt Nam, rằm tháng bảy âm lịch vừa là lễ Vu Lan, vừa là lễ xá tội vong nhân. Ngược dòng thời gian, rằm tháng bảy là dịp để tiếng trống hội rộn rã vang lên khắp các làng quê Quảng Bình. Đó là câu chuyện của những ngày xưa cũ, mà nay chỉ còn trong hoài niệm.
 
Lễ đám chay của người Động Hải xưa
 
Theo Địa chí Đồng Hới của cụ Nguyễn Tú, đất Đồng Hới xưa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn của một vùng đất ven sông, ven biển. Ngoài hội xuân thủ kỳ yên, hội bơi trải, đất Đồng Hới xưa còn có lễ đám chay tại chùa Phật (hay còn gọi là chùa Linh Quang) được tổ chức vào dịp rằm tháng bảy để cầu siêu cho những linh hồn cơ nhỡ, không chốn nương tựa.
 
Theo phong tục, lễ được tiến hành theo nghi lễ đạo Phật. Người làng cũng tổ chức một đám rước tượng Bà Quan Âm (bằng giấy) từ chùa đi vòng quanh làng xóm. Khác với rước thần trong xuân thủ kỳ yên, đám rước Phật chủ yếu  do các vị sãi tụng niệm.
 
Địa chí Đồng Hới có nhắc rằng tại lễ đám chay, âm nhạc đi theo chầu hầu là loại nhạc nhẹ của chùa chiền, nhịp nhàng chuông mõ cầu kinh, sâu lắng và trang nghiêm chứ không rộn ràng, thúc giục.
 
Đám rước Phật có phần thầm lặng hơn đám rước thần. Thường đám chay được tổ chức ba đêm liền. Đêm cuối cùng cũng là đêm quan trọng nhất, mang linh hồn của lễ rằm tháng bảy, thường được gọi là đêm đăng đàn, có lễ phóng sinh, phóng đăng, nghĩa là thả chim, thả cá và thả đèn trôi trên sông Nhật Lệ.
 
Phần lớn các kỳ đám chay đều được cử hành vào ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân, cũng là ngày lễ chung của cả một vùng đất, của nhiều làng quê tụ lại. Dòng Nhật Lệ đêm rằm tháng bảy thành đêm hội hoa đăng, lung linh với muôn ngàn ánh đèn.
 
Trong không gian linh thiêng ấy, người làng biển ở Đồng Hới nhớ da diết ngọn đuốc bập bùng cháy trên tay những người kẻ biển đang lang thang trên cát để đợi người thân trở về sau một trận cuồng phong thịnh nộ. Trong đêm tối, ánh sáng le lói của những ngọn đèn ấy như tỏa ra hơi ấm để soi đường, chỉ lối cho những linh hồn trôi dạt biết tìm về bến bờ.
 
Theo cụ Nguyễn Tú, từ những ngày đó, cứ mỗi dịp rằm tháng bảy, người làng biển ở Đồng Hới lại thả những ngọn hoa đăng trên biển để tưởng nhớ và cầu nguyện cho người thân của họ nằm lại mãi mãi giữa  trùng khơi... Sau buổi lễ là cuộc phá cỗ. Người làng từ già trẻ, gái trai lại tụ tập chuyện trò. Bởi thế, từ ngày xưa, đám chay được thanh thiếu niên nơi này ưa thích và mong mỏi.
Ở nhiều địa phương, tục thả hoa đăng vẫn còn lưu giữ cho đến hôm nay.
Ở nhiều địa phương, tục thả hoa đăng vẫn còn lưu giữ cho đến hôm nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng khẳng định, không chỉ riêng Đồng Hới, mà từ xưa, tục thả hoa đăng dịp rằm tháng bảy cũng được tổ chức tại một số làng quê của Quảng Bình. Đó là nghĩa cử tốt đẹp của những người đang sống để tưởng nhớ những vong hồn cơ nhỡ, lưu lạc.

Ánh sáng ấm áp của những ngọn hoa đăng được thả trôi trên sông phần nào sưởi ấm những linh hồn lạnh lẽo phiêu dạt ấy. Qua thời gian, phong tục cũng dần thay đổi. Đám chay không còn tổ chức vào rằm tháng bảy thường niên ở Đồng Hới nữa. Nhưng tục thả hoa đăng vẫn được duy trì mỗi dịp cúng bái.

Lễ dương khao của người Cổ Hiền   
 
Nếu ở các làng quê khác, ngày rằm tháng bảy là ngày cúng cô hồn, có tục phóng sinh, phóng đăng, thì ở làng Cổ Hiền xưa (Hiền Ninh, Quảng Ninh) lại là dịp để trừ ma, trấn quỷ bảo vệ yên lành cho xóm làng. Cụ Lê Mậu Sương, 83 tuổi (thôn Bắc Cổ Hiền) cho biết, sống gần trọn một thế kỷ nhưng có lẽ bản thân chưa thấy một miền quê nào có lễ hội rằm tháng bảy độc đáo như ở Cổ Hiền.
 
Theo lời cụ, ngày rằm tháng bảy hằng năm, người làng kết một chiếc thuyền rồng bằng tre, ngoài phết giấy vàng mã, hình dáng như con rồng thật, trên thuyền đầy đủ dụng cụ trừ ma như cờ, quạt, dao nhọn, mực xạ, hương trầm…
 
“Một vị thầy pháp đứng ra làm chủ lễ, đội mũ Phật Tam Tạng, mặc áo cà sa vàng, khăn ấn dài trắng, ngồi trên thuyền rồng rồi được đội quân 4 người gọi là âm binh khiêng trên vai. Thầy pháp này đi khắp làng với mục đích trừ ma, diệt quỷ.
 
Tôi nhớ, đi đầu đội quân đó thường những người tay cầm giáo mác, cờ quạt, thanh la, rồi hô vang: “Dương, dương, khao, khao, bắt được con ma nào, bêu đầu làm lệnh”. Mỗi lần hô là một lần thanh la, chiêng trống giục inh ỏi”, ông Sương nhớ lại.
 
Đoàn rước thầy pháp đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đường cái, đường quan. Dọc đường, nhà nào gặp cảnh khó nuôi con, mê tín lo sợ ma quỷ sẽ bắt mất đi thì đưa những đứa trẻ từ sơ sinh đến ba tuổi đến gặp thầy làm lễ. Ông thầy lấy dao thích chữ thập lên xương trán rồi bôi mực xạ vào. Khi vết thương lành, trên mặt đứa trẻ suốt đời mang dấu chữ thập với niềm tin ma quỷ sẽ không dám đụng vào và bắt đi.
 
“Ngày nớ còn nhỏ lắm, chẳng nhớ cái cảm giác bị khắc lên trán có đau hay không, chỉ biết lớn lên, đã thấy chữ thập màu mực xạ in trên trán”, nói rồi, cụ Sương đưa tay chỉ vết chữ thập còn in hằn trên trán đã nhiều lằn gấp vì thời gian. Vết tích ấy đã theo cụ từ lúc còn là cậu bé đỏ hỏn cho đến nay tóc đã bạc trắng đầu.
 
Đến giờ, ở Cổ Hiền, số người có dấu chữ thập như cụ Sương còn khá ít ỏi. Cụ bảo, tục lệ này đến sau năm 1945 thì chấm dứt, tuy đầy dị đoan, kỳ quặc, nhưng ý chính của nó vẫn xuất phát từ lòng thương xót con người. Và có lẽ, nhiều đứa trẻ đã lớn lên, lạc quan mà sống, bởi trong họ luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng mình luôn được bảo vệ, được chở che.
 
Cổ Hiền xưa vốn là đất của những lễ hội mà như cụ Nguyễn Tú từng ví von rằng nếu cộng tất cả các lễ hội của làng thì vừa tròn một tháng trong năm. Cùng với lễ dương khao, rằm tháng bảy, người Cổ Hiền thường tổ chức lễ hạ canh hay gọi là lễ hạ điền với mục đích cho phép làng mở đầu cày ải.
 
Sau khi làm lễ bái Thần Nông xong, một người chủ lễ xuống ruộng, cày mẫu vài ba đường tượng trưng, sau đó, cả làng sẽ về cày tại ruộng của riêng mình. Nếu lễ hạ điền của các làng quê khác được tổ chức vào tháng giêng hằng năm, thì với người Cổ Hiền, hạ điền được tổ chức vào tháng bảy thể hiện chế độ canh tác trọng việc cày ải ruộng chiêm khi ruộng chưa có lũ.
 
Cùng với nhiều giá trị xưa cũ, những lễ hội xưa gắn với rằm tháng bảy đã dần rơi rớt và biến mất hẳn trong đời sống tinh thần của người dân các làng quê Quảng Bình. Thời gian trôi qua, cái đau đáu muốn phục dựng, muốn hồi sinh những giá trị xưa cũ ấy vẫn thấp thoáng đâu đó trong cái nhìn đượm buồn của “những người muôn năm cũ”.
 
Diệu Hương
,
  • Tấm gương người nữ liệt sỹ

    (QBĐT) - Liệt sĩ Nguyễn Thị Khư ở Quảng Hòa, Quảng Trạch sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. 

    30/07/2018
    .
  • Ngạc nhiên Tân Hóa

    (QBĐT) - Sau trận lũ lịch sử năm 2010, nhiều người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có ý định bỏ đi khỏi làng vì khiếp sợ trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy.

    27/07/2018
    .
  • Mùa thu về nhớ Đại tướng

    (QBĐT) - Cứ mỗi mùa thu tháng Tám, muôn triệu người dân đất Việt, đặc biệt là người con Quảng Bình lại nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc, vị tướng của nhân dân, người con ưu tú của quê hương "hai giỏi"...

    25/08/2018
    .
  • Về giá trị lịch sử-văn hoá của sắc phong thời phong kiến ở Quảng Bình

    (QBĐT) - Sắc phong là tài sản quý giá về tinh thần của người dân trong văn hóa làng xã. 

    22/07/2018
    .
  • Xác lập khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-khe NướcTrong: Cần thiết và cấp bách

    (QBĐT) - Khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) là một trong những khu vực có giá trị về đa dạng sinh học, lưu giữ các đặc điểm nổi bật và độc đáo của dãy Trường Sơn, được nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao.

    18/07/2018
    .
  • 71 năm, vụ thảm sát chợ Gộ

    (QBĐT) - Thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) gồm những cư dân sông nước sống bằng nghề  chài lưới trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang, và nguồn Long Đại. Họ  du cư theo thuyền đánh bắt tôm cá. Nơi neo đậu là các cồn bãi ven sông, gần chợ búa.

    15/07/2018
    .
  • Về đền thờ người thiết kế, xây dựng di tích Luỹ Thầy

    (QBĐT) - Di tích lũy Thầy, hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ là hệ thống chiến lũy được hình thành trong cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1627-1672) trên mảnh đất Quảng Bình với các chiến lũy Trường Dục ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, lũy Đầu Mâu, lũy Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới, được xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21/1/1992 của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

    06/07/2018
    .
  • Về Minh Hóa, thăm dấu tích lịch sử

    (QBĐT) - Xã miền núi Minh Hóa (huyện Minh Hóa) mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Và trên mảnh đất này vẫn còn đó những địa danh mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đến nay, người Minh Hóa vẫn gìn giữ, bảo tồn đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt như những chứng tích hào hùng của lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
     
    05/08/2018
    .