.

Ngạc nhiên Tân Hóa

.
10:45, Thứ Sáu, 27/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau trận lũ lịch sử năm 2010, nhiều người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có ý định bỏ đi khỏi làng vì khiếp sợ trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy. Nhưng rồi, họ vẫn ở lại và trong “cái khó ló cái khôn”, người dân Tân Hóa đã biết làm nhà bè cùng nhiều đổi thay khác để sống chung với lũ. Chưa hết, Tân Hóa còn làm cho mọi người ngạc nhiên khi bà con đã tự thay đổi cách nghĩ, cách làm để nơi đây trở thành một điểm đến thân thiện, hấp dẫn của du khách gần xa…

Sống chung với lũ

Trong ký ức của người dân Tân Hóa, có lẽ không ai có thể quên được cơn đại hồng thủy năm 2010. Trong đêm, khi cơn lũ lớn ập về, người dân Tân Hóa chỉ kịp dắt nhau chạy lên lèn đá để trốn lũ, còn toàn bộ tài sản, trâu bò, lợn gà đều bị dòng nước lũ cuốn trôi tất cả.

Hiện nay, hầu như nhà nào ở Tân Hóa cũng có thêm một nhà bè tránh lũ bên cạnh ngôi nhà đang ở.
Hiện nay, hầu như nhà nào ở Tân Hóa cũng có thêm một nhà bè tránh lũ bên cạnh ngôi nhà đang ở.

“Đó là những ngày tháng kinh hoàng nhất mà dân Tân Hóa nếm trải. Gần 7 ngày trốn lũ trong hang đá, hơn 600 hộ dân chúng tôi trở về với hai bàn tay trắng. Lúc ấy, nhà cửa không còn, tài sản mất hết, ruộng vườn bị bồi lấp sạch…”, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa nhớ lại.

Sau cơn đại hồng thủy, người dân Tân Hóa đã cầm tay nhau đứng dậy trong sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự sẻ chia của đồng bào cả nước. Tuy vậy, trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn lũ dữ, nhiều người dân Tân Hóa lúc đó đã có ý định bỏ làng đi nơi khác để sống. Thậm chí chính quyền huyện Minh Hóa lúc bấy giờ cũng đã tính đến phương án “di dời” toàn bộ xã Tân Hóa đến nơi khác cho an toàn…

Thế nhưng, “trong cái khó ló cái khôn”, cũng sau trận đại hồng thủy năm 2010, người dân nơi đây đã sáng chế ra chiếc nhà bè để “sống chung với lũ”. Nhà bè được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà nhà nổi theo nước.

Để làm một căn nhà nổi rộng chừng 15 đến 20m2, bà con đầu tư từ 30-35 triệu đồng, khi nước lũ về, đây là nơi cư trú cho cả gia đình từ 8 đến10 người và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu, như: tivi, xe máy, lương thực... Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân sáng tạo thêm hai cột định vị gắn vào hai góc ngôi nhà...

Theo những bậc cao niên ở Tân Hóa, xã nằm trong một thung lũng mà 3 bề là lèn núi đá vôi. Dòng Rào Nan khi chảy về Tân Hóa gặp phải những lèn núi đá chặn ngang. Bình thường, dòng nước sẽ len lỏi theo những hang ngầm để đổ về sông Gianh, nhưng những ngày mưa lớn, nước đổ về nhanh, những hang ngầm không thoát kịp, khiến nước lũ dâng lên cao.

Có một điều, nước lũ ở Tân Hóa dâng cao nhưng rút chậm và không chảy xiết. Chính vì vậy, nhờ những căn nhà bè, ngay trong những ngày nước lũ dâng cao, cuộc sống của người dân Tân Hóa vẫn diễn ra bình thường.

Theo lãnh đạo xã Tân Hóa, chuyện người dân Tân Hóa làm nhà bè để sống chung với lũ có lẽ là thông tin cũ cách đây mấy năm và hiện hầu như nhà nào ở Tân Hóa cũng có thêm một nhà bè tránh lũ bên cạnh ngôi nhà đang ở. Cái mới ở Tân Hóa hiện nay, ngoài chiếc nhà bè tránh lũ, người dân còn sắm thêm những chiếc thuyền, đò để có thể đi lại trong những ngày lũ lớn.

Đặc biệt hơn, hiện nay, nhiều hộ dân ở Tân Hóa còn đầu tư những quán hàng tạp hóa bằng nhà bè với đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác để phục vụ bà con trong những ngày lũ.

Bà Trương Thị Anh Đào, chủ một quầy hàng tạp hóa bằng nhà bè ở xã Tân Hóa cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm để phục vụ bà con trong những ngày nước lũ dâng cao. Có những quầy hàng như chúng tôi, bà con có thể không cần dự trữ nhiều các mặt hàng nhu yếu phẩm, để dành diện tích nhà bè cất giữ những tài sản có giá trị khác, như: xe máy, tủ lạnh, ti vi…”.

Những điều “ngạc nhiên” khác

Trở lại Tân Hóa lần này, không chỉ cái cách mà người dân nơi đây ung dung sống chung với lũ, mà còn nhiều cách nghĩ, cách làm rất mới mẻ của người dân nơi đây đã làm chúng tôi thực sự ngạc nhiên…

Năm 2012, Công ty Oxalis lần đầu tiên đưa khách du lịch đến Tân Hóa để khám phá hệ thống hang động Tú Làn. Ngày đó, người dân Tân Hóa vừa trải qua cơn đại hồng thủy, cuộc sống vô cùng khó khăn và hoàn toàn xa lạ với khái niệm du lịch. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, bằng những việc làm thiết thực, người dân Tân Hóa đã phối hợp rất tốt với Công ty Oxalis để làm hài lòng du khách, đặc biệt là với những vị khách khó tính nước ngoài.

Từ khi tham gia vào các hoạt động du lịch (dù chưa phải là trực tiếp), người dân Tân Hóa đã rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Theo đánh giá của nhiều người, với địa hình thường xuyên bị ngập lũ và là một xã thuần nông, người dân chăn nuôi nhiều trâu bò, lợn gà…như Tân Hóa, việc giữ gìn môi trường sạch đẹp sẽ vô cùng khó khăn.

Thế nhưng, thời gian qua, người dân Tân Hóa đã làm được, khách du lịch đến đây ai cũng tỏ rõ sự hài lòng. Hiếm có địa phương nào như Tân Hóa, chuồng trại chăn nuôi đều được quy hoạch và bố trí xa khu dân cư. Nếu như trước đây ở Tân Hóa, phần lớn nhà vệ sinh của các gia đình đều dựng lộ thiên, tạm bợ ở ngoài vườn thì hiện nay hầu hết người dân đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, hợp vệ sinh.

Ngoài ra, người dân Tân Hóa thường xuyên tham gia các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, như: không xả rác bừa bãi; làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm; trồng nhiều cây xanh…, góp phần xây dựng một Tân Hóa luôn sạch đẹp, tạo ấn tượng trong lòng du khách.

Anh Lương Xuân Trường, một du khách đến từ Hà Nội tâm sự: “Đến Tân Hóa, chúng tôi không chỉ được khám phá hang động Tú Làn với hệ thống thạch nhũ đẹp lung linh, huyền ảo. Đến đây, chúng tôi còn được tận hưởng bầu không khí trong lành, sạch đẹp và cuộc sống chân chất, hồn hậu của người dân. Tôi tin chắc rằng ngày càng có nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, sẽ chọn Tân Hóa làm điểm đến!”

Du khách Deirdre Osegan đến từ Đan Mạch cũng chia sẻ: “Tôi đi qua nhiều hành trình thám hiểm thuộc khu vực châu Á, lên cả Kashmir, nhưng khi đến Tân Hóa và khám phá hang Tú Làn, tôi thực sự ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.

Đặc biệt, người dân nơi đây có tinh thần cao trong việc gìn giữ môi trường, nhìn cách họ dọn từng mẩu rác dọc đường khiến tôi rất ngạc nhiên, bởi tôi thấy ngay cả cư dân ở những thành phố lớn không phải ai cũng có ý thức tốt như thế!”.

Chuồng trại gia súc ở Tân Hóa được quy hoạch riêng và bố trí xa khu dân cư .
Chuồng trại gia súc ở Tân Hóa được quy hoạch riêng và bố trí xa khu dân cư.

Trước đây, Tân Hóa được xem là điểm nóng của nạn phá rừng, hiện nay tình trạng đó đã giảm hẳn. Từ khi Công ty Oxalis đầu tư khai thác du lịch ở Tú Làn, nhiều người dân Tân Hóa được vận động không đi phá rừng nữa và được nhận vào làm porter phục vụ cho những chuyến du lịch khám phá hang động Tú Làn.

Người dân Tân Hóa đã nhận thức rằng những khu rừng trong vùng như ngôi nhà của họ vậy. Nhà có sạch, có đẹp, xanh, trong lành thì khách du lịch mới tìm đến và chính người dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cho biết, xác định du lịch là một hướng đi quan trọng để giúp địa phương thoát nghèo trong tương lai gần, thời gian qua, ngoài việc hợp tác với Công ty Oxalis phát triển du lịch, xã Tân Hóa đã có nhiều cố gắng trong việc vận động người dân giữ gìn vệ sinh và xây dựng một cảnh quan tự nhiên đẹp trong mỗi ngôi nhà, mảnh vườn của mình…

Đồng thời, bà con học hỏi cách giao tiếp, bảo tồn nét văn hóa, ẩm thực riêng có, từ đó đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, góp phần đưa Tân Hóa trở thành một điểm đến thân thiện, hấp dẫn…

Hiện mỗi năm có trên 3.000 lượt du khách đến Tân Hóa để khám phá hệ thống hang động Tú Làn. Du lịch đã giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương, trong đó có trên 50 porter thường xuyên phục vụ cho những chuyến du lịch khám phá hang động Tú Làn. Du lịch cũng mang lại cho xã Tân Hóa nguồn thu ngân sách trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Phan Phương




 

,
  • Những năm tháng không thể nào quên…

    (QBĐT) - Trong không khí phấn khởi, tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm tới ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Huy và Nguyễn Thị Ngẫu, ở phường Hải Đình (TP. Đồng Hới).

    30/04/2018
    .
  • Về giá trị lịch sử-văn hoá của sắc phong thời phong kiến ở Quảng Bình

    (QBĐT) - Sắc phong là tài sản quý giá về tinh thần của người dân trong văn hóa làng xã. 

    22/07/2018
    .
  • Xác lập khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-khe NướcTrong: Cần thiết và cấp bách

    (QBĐT) - Khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) là một trong những khu vực có giá trị về đa dạng sinh học, lưu giữ các đặc điểm nổi bật và độc đáo của dãy Trường Sơn, được nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao.

    18/07/2018
    .
  • Lãnh binh Mai Lượng với phong trào Cần Vương

    (QBĐT) - Mai Lượng một danh tướng của quê hương Quảng Bình. Ông là một trong những người hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, là người chỉ huy đạo quân vùng nam sông Gianh, án ngữ một vùng rộng lớn nơi miền tây Quảng Bình từ Cao Mại về Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) đến vùng Chà Nòi, Khe Gát (huyện Bố Trạch).

    18/05/2018
    .
  • 71 năm, vụ thảm sát chợ Gộ

    (QBĐT) - Thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) gồm những cư dân sông nước sống bằng nghề  chài lưới trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang, và nguồn Long Đại. Họ  du cư theo thuyền đánh bắt tôm cá. Nơi neo đậu là các cồn bãi ven sông, gần chợ búa.

    15/07/2018
    .
  • Mỹ Lộc – đất khoa bảng

    (QBĐT) - Mảnh đất ấy – làng Mỹ Lộc xưa (huyện Lệ Thủy) - mang trong mình tinh hoa, trù mật, cốt cách và dáng dấp của một miền quê vùng sông nước. Vậy nên, không khó để nhận ra rằng những tinh hoa của nếp đất, hương quê đã vận vào bao thế hệ con người nơi đây, sản sinh ra  nhiều danh nhân mà tên tuổi của họ sống trọn qua nhiều thế kỷ.

    10/05/2018
    .
  • Về đền thờ người thiết kế, xây dựng di tích Luỹ Thầy

    (QBĐT) - Di tích lũy Thầy, hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ là hệ thống chiến lũy được hình thành trong cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1627-1672) trên mảnh đất Quảng Bình với các chiến lũy Trường Dục ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, lũy Đầu Mâu, lũy Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới, được xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21/1/1992 của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

    06/07/2018
    .
  • Miếu bà Còng thôn Trung Bính

    (QBĐT) - Miếu bà Phạm Thị Còng là ngôi miếu nhỏ nằm cạnh khuôn viên trụ sở UBND xã Bảo Ninh (cũ), cũng là khuôn viên của đình làng Trung Bính xưa. Miếu bà Còng chỉ vẻn vẹn chừng 50m2, mặt hướng ra sông Nhật Lệ, lưng dựa vào động cát Bảo Ninh.

    02/06/2018
    .