.

Chuyện kể về nữ anh hùng Quảng Bình hai lần được gặp Bác Hồ

.
14:20, Thứ Ba, 18/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời. Nhưng với Anh hùng Lao động Trương Thị Diên, (phường Đồng Mỹ, TP.Đồng Hới), niềm hạnh phúc đó lại được nhân lên bởi trong một kỳ đại hội, bà được gặp Bác Hồ hai lần, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, chụp ảnh với Bác và được tặng 2 chiếc Huy hiệu của Người.
 
Bà Trương Thị Diên sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. Năm 19 tuổi, bà được cử đi tập huấn lớp nghiệp vụ dạy vỡ lòng ngắn ngày. Kết thúc khóa học, bà trở về dạy vỡ lòng ngày 2 lớp, buổi sáng dạy lớp vỡ lòng ở Hợp tác xã Ngư nghiệp Quang Thịnh, buổi chiều dạy lớp vỡ lòng ở làng Thanh Hà, xã Thanh Trạch.
 
Năm 1965, khi đang dạy vỡ lòng ở HTX Ngư nghiệp Quang Thịnh, máy bay Mỹ đánh bom vào lớp học. Trương Thị Diên đã kéo 25 cháu vào hầm trú ẩn an toàn và nằm che cho các cháu trên miệng hầm, phòng học bị sập còn cô giáo đã bị thương.
 
Thời kỳ đó, trường bị giặc Mỹ bắn phá nhiều lần, các em học sinh phải sơ tán vào học tạm trong nhà dân; bàn ghế, đồ chơi thiếu thốn, một số bà con lúc đầu không muốn cho con em đi học.
 
Một mặt, cô giáo Diên đã đến từng nhà vận động phụ huynh, mặt khác, cô đã liên hệ với chính quyền và các đoàn thể giúp đỡ nhà trường củng cố và phát triển thêm mạng lưới hầm hào vững chắc và sửa sang lại trường lớp sạch sẽ. Dần dần, các cháu đến học đông đủ.
Bà Trương Thị Diên cùng con gái Tố Uyên bên bức ảnh bà được chụp với Bác Hồ, năm 1967.
Bà Trương Thị Diên cùng con gái Tố Uyên bên bức ảnh bà được chụp với Bác Hồ, năm 1967.
Ngoài việc dạy chữ cho các em, cô giáo Trương Thị Diên còn chỉ bảo cho các em biết cách phòng tránh máy bay địch, giáo dục cho các em lòng yêu quê hương, trân trọng và noi gương những người đã hy sinh...
 
Với những cống hiến đó, cô giáo Trương Thị Diên nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình, được Sở Giáo dục tỉnh Quảng Bình báo cáo lên Trung ương, chỉ ít ngày sau đó, bà được phòng Giáo dục huyện Bố Trạch thông báo đến nhận Huy hiệu do Bác Hồ gửi tặng.
 
Không chỉ là một giáo viên nhiệt huyết, Trương Thị Diên còn là một nữ cứu thương xuất sắc của đơn vị dân quân Thanh Khê. Cuối tháng 12-1966, bà được cấp trên cử ra Hà Nội dự Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước. Trong thời gian diễn ra đại hội, bà vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ.
 
Lần đầu gặp Bác đó là vào ngày 30-12-1966, Bác Hồ đến dự khai mạc đại hội. Người phát biểu và biểu dương thành tích trong chiến đấu, sản xuất, công tác và học tập của các đại biểu, nhất là các đại biểu nhỏ tuổi, khuyết tật. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở các anh hùng, chiến sỹ thi đua không được tự mãn mà phải không ngừng rèn luyện để ngày càng tiến bộ.
 
"Khi đó, Hà Nội thời tiết lạnh lắm, thực hiện chỉ thị của Bác, chị em chúng tôi mỗi người được phát một chiếc áo bông. Giờ nghỉ giải lao, Bác xuống hội trường nói chuyện với đại biểu về dự đại hội như Mẹ Suốt, Lê Thị Phấn, Đặng Gia Tất, tôi và một số đại biểu khác. Bác hỏi tôi: "Cô này làm chi?" Đang lúng túng, tôi chưa kịp trả lời thì ông Đặng Gia Tất trả lời luôn: “Thưa Bác, cô này làm công tác y tế ạ!”.
 
Khoảnh khắc đó đã được chụp lại. Vài ngày sau, bà Trương Thị Diên thật bất ngờ nhận bức ảnh này từ một phóng viên. Bà đã lưu giữ bức ảnh đó mãi đến năm 1983, trước khi Nguyễn Thị Tố Uyên, con gái bà sang học tập tại Hungari, trong hành trang đem theo có bức ảnh người mẹ được chụp với Bác Hồ cùng với dòng chữ: “Mạ cho con tấm ảnh kỷ niệm khi bế con ra Hà Nội gặp Bác Hồ, tháng 10 năm 1966”.
 
Lời nhắn nhủ bà tặng Tố Uyên trước lúc lên đường là nguồn động viên, khích lệ chị dù khó khăn nhất định vượt qua, cố gắng trong học tập. Bởi trong bức hình người mẹ được chụp với Bác Hồ năm xưa có gắn với tuổi thơ của chị những ngày ở Hà Nội. Những năm tháng học tập tại nước bạn, chị đã nâng niu, trân trọng bức ảnh cùng những lời căn dặn của mẹ, là động lực giúp chị cố gắng vươn lên trong học tập và công tác sau này.
 
Năm 1986, chị Tố Uyên về nước, trao lại bức ảnh trên cho mẹ và được bảo quản trong cuốn album của gia đình từ đó đến nay. Niềm vui nhân lên đối với bà Trương Thị Diên, sau hội nghị, đoàn đại biểu phụ nữ y tế Quảng Bình vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch.
 
Bác ân cần dặn dò anh chị em khi về Quảng Bình phải cố gắng phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh tốt hơn nữa để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước khi ra về, mỗi chị em còn được Bác tặng cho mỗi người 1 chiếc Huy hiệu của Người. Riêng bà Diên và bà Bình có con nhỏ, còn được Bác tặng thêm mỗi người hai gói kẹo.
 
Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, ngày 1-1-1967, bà Trương Thị Diên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Có thể nói, qua những lần gặp Bác, hình ảnh và những lời căn dặn của Người vẫn in sâu trong tâm trí của bà Diên.
 
Thực hiện lời căn dặn đó, bà luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi bà tâm niệm, những việc dù bé hay lớn nếu làm tốt sẽ làm gương cho con cháu noi theo.
 
Do vậy, bốn người con của bà đều trưởng thành, tốt nghiệp đại học và trên đại học, trở thành những bác sỹ, kỹ sư. Riêng cô con gái Tố Uyên ngày nào bà bế ra Hà Nội gặp Bác Hồ nay đã 52 tuổi, công tác tại Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm thuộc Sở Y tế Quảng Bình.
 
Còn người mẹ của họ, nữ anh hùng lao động Trương Thị Diên dù đã gần 80 tuổi đời và 53 năm tuổi Đảng vẫn luôn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ, sống có ích và làm gương cho con cháu!
 
                                                                             Phí Thị Hồng Vân
,
  • Tấm gương người nữ liệt sỹ

    (QBĐT) - Liệt sĩ Nguyễn Thị Khư ở Quảng Hòa, Quảng Trạch sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. 

    30/07/2018
    .
  • Ngạc nhiên Tân Hóa

    (QBĐT) - Sau trận lũ lịch sử năm 2010, nhiều người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có ý định bỏ đi khỏi làng vì khiếp sợ trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy.

    27/07/2018
    .
  • Tháng bảy về, nhớ hội xưa

    (QBĐT) - Trong văn hóa Việt Nam, rằm tháng bảy âm lịch vừa là lễ Vu Lan, vừa là lễ xá tội vong nhân. Ngược dòng thời gian, rằm tháng bảy là dịp để tiếng trống hội rộn rã vang lên khắp các làng quê Quảng Bình. Đó là câu chuyện của những ngày xưa cũ, mà nay chỉ còn trong hoài niệm.

    25/08/2018
    .
  • Mùa thu về nhớ Đại tướng

    (QBĐT) - Cứ mỗi mùa thu tháng Tám, muôn triệu người dân đất Việt, đặc biệt là người con Quảng Bình lại nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc, vị tướng của nhân dân, người con ưu tú của quê hương "hai giỏi"...

    25/08/2018
    .
  • Vẹn tình sản vật dòng Gianh

    (QBĐT) - Chảy qua xã Cảnh Hóa và Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa (Tuyên Hóa), dòng sông Gianh hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây những con hến, con chắt chắt bé nhỏ nhưng thấm nghĩa vẹn tình. Để bắt nó, người ta phải canh con nước ròng, rồi lội ra giữa dòng, miệt mài đãi từng mành cát.

    09/09/2018
    .
  • Về Minh Hóa, thăm dấu tích lịch sử

    (QBĐT) - Xã miền núi Minh Hóa (huyện Minh Hóa) mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Và trên mảnh đất này vẫn còn đó những địa danh mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đến nay, người Minh Hóa vẫn gìn giữ, bảo tồn đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt như những chứng tích hào hùng của lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
     
    05/08/2018
    .
  • Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng

    (QBĐT) - Nằm ở vùng hạ lưu sông Gianh, xã Châu Hoá là địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng. Cách đây tròn 73 năm, Châu Hóa hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ của dân tộc.

    01/09/2018
    .
  • Cảnh Hoá chuyển mình...

    (QBĐT) - Đến xã Cảnh Hoá (huyện Quảng Trạch) đúng dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với bộ mặt nông thôn đang ngày càng khởi sắc.

    01/09/2018
    .