.

Đền thiêng trên đường 20

.
08:54, Chủ Nhật, 28/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nguyễn Tứ Vỵ, Trưởng ban quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ (AHLS) đường 20-Quyết Thắng gọi điện báo với tôi: “Anh ơi! Cây chuối rừng trước hang Tám Cô lại ra hoa kết trái, vừa đúng 8 nải rồi thôi. Anh lên với các anh chị ấy nhé!”
 
Theo lời Nguyễn Tứ Vỵ, một sáng tháng mười, chỉ còn độ chục ngày nữa là đúng dịp 46 năm tám thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh ở hang Tám Cô (14-11-1972- 14-11-2018), tôi trở lại đường 20-Quyết Thắng.
 
Trời thu tháng mười, đi giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng không khí trong lành, thanh tịnh. Chạm Đền tưởng niệm các AHLS đường 20-Quyết Thắng, khung cảnh càng tĩnh lặng hơn, thoáng nhẹ chỉ là tiếng từng nhát chổi của các cán bộ Ban quản lý đền đang quét lá rụng trước mặt sân đền chuẩn bị cho ngày mới đón khách thăm, dâng hương.
 Đền tưởng niệm các AHLS đường 20-Quyết Thắng.
Đền tưởng niệm các AHLS đường 20-Quyết Thắng.
Với tôi, đường 20-Quyết Thắng như là duyên nợ. Riêng hang Tám Cô, Đền tưởng niệm các AHLS trở thành nơi gửi gắm niềm tin mỗi lần gặp phải gian khó, trắc trở trong nghề báo mình lựa chọn.
 
Cách đây 6 năm, vào dịp đại lễ truy niệm các AHLS nhân lễ húy nhật lần thứ 40 ngày hy sinh của 8 TNXP, tôi đã có một ghi chép dài 4 kỳ nhan đề “Đêm trắng trên đường 20” đăng tải trên Báo Quảng Bình.
 
4 kỳ báo đó đã tái hiện gần như trọn vẹn đường 20-Quyết Thắng bi hùng gắn liền với một thời cha anh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”; về sự kiện bi tráng của 8 TNXP hy sinh trong hang đá tại Km16+200; về sợi chỉ đỏ tâm linh xuyên suốt giữa quá khứ và hiện tại cho thế hệ trẻ sau này biết về hang Tám Cô trong hàng trăm, hàng nghìn “địa chỉ đỏ” trên đường Trường Sơn huyền thoại…
 
Chiều 14-11-1972 trở thành buổi chiều định mệnh. Đội TNXP 25 thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 đang vá đường thì còi báo động máy bay đến đánh phá, họ chạy vào trú ẩn trong hang đá tại Km16+200.
 
Một tiếng sập rung chuyển núi rừng, tảng đá hàng ngàn tấn ập đổ xuống bịt kín miệng hang nơi các anh chị: Lê Thị Lương, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Mai, Trần Thị Tơ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Mậu Kỷ, cùng quê huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) trú ẩn. Chỉ trừ người anh cả Nguyễn Mậu Kỷ lúc đó 38 tuổi, còn lại đều mới mười tám, đôi mươi. 
Du khách quốc tế đến tham quan Di tích lịch sử Đền tưởng niệm các AHLS và hang Tám Cô.
Du khách quốc tế đến tham quan Di tích lịch sử Đền tưởng niệm các AHLS và hang Tám Cô.
Về chuyện liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ, lúc anh vào chiến trường Quảng Bình, con gái anh là Nguyễn Thị Thanh mới thành hình hài trong bụng mẹ. Cho đến giây phút nằm lại trên đường 20-Quyết Thắng, anh vẫn không biết mình đã có con nơi quê nhà.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh, do điều kiện kinh tế khó khăn, dù vẫn đau đáu thương đấng sinh thành an nghỉ nơi đất khách quê người, thiếu hương khói từ con, từ cháu… nhưng mãi 40 năm sau, đúng dịp đại lễ truy niệm các AHLS nhân lễ húy nhật lần thứ 40 ngày hy sinh của 8 TNXP ở hang Tám Cô mới được đến thắp nén nhang nơi bố mình ngã xuống. Từ dịp đó đến nay, 6 năm trôi qua, tôi bặt tin tức về gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, không biết có lần nào chị trở lại Trường Sơn, trở lại với hang Tám Cô?!
 
Trên đường 20-Quyết Thắng, nơi hang Tám Cô, nhiều câu chuyện tâm linh được các cán bộ Ban quản lý Đền tưởng niệm các AHLS kể lại. Những câu chuyện đều gắn liền với con số 8: Binh trạm 14 phụ trách đường 20 trong kháng chiến chống Mỹ có 8 tập thể và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; tiểu đội nữ 8 TNXP phụ trách đoạn đường qua trọng điểm Km16+200 trước đây nay để lại địa danh hang Tám Cô; 8 liệt sỹ cùng chung quê quán Hoằng Hóa nhập ngũ cùng đợt, tuy khác ngày sinh tháng đẻ nhưng mất cùng nơi, cùng một lần; tổ thằn lằn trong Đền tưởng niệm AHLS có 8 quả trứng; cây chuối trước hang Tám Cô nở ra 8 nải…
 
Ấn tượng nhất vẫn là chuyện cây chuối rừng mọc trước cửa hang. Mỗi lần có sự kiện gì trọng đại, cây chuối đơm hoa, kết trái, đậu đúng 8 nải rồi thôi. Lạ kỳ thay, không phải chỉ một lần mà nhiều nhiều lắm rồi. Lần nào hay tin, tôi cũng ngược đường 20 lên chứng kiến cho bằng được.
 
Lần thứ nhất, đúng thời điểm diễn ra đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2009), tập thể liệt sỹ 8 TNXP hy sinh tại hang Tám Cô được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, cây chuối rừng mọc trước cửa hang trổ hoa và đậu được 8 nải. Mọi người bảo: mỗi nải chuối ứng với mỗi anh, mỗi chị...
 
Lần thứ hai là vào mùa hè năm 2011, nhân dịp sắp xếp lại “nhà mới” cho các anh chị, cây chuối lại ra hoa, đậu 8 nải. Lần thứ ba, cây chuối ra hoa, kết nguyên 8 nải vào đúng dịp đại lễ truy niệm các AHLS nhân lễ húy nhật lần thứ 40 ngày hy sinh của tám TNXP ở hang Tám Cô (14-11-1972 - 14-11-2012). Từ đó, đều đặn, cứ hai năm một lần, sát gần ngày mất của các anh, các chị, cây chuối rừng như đến hẹn kết trái, đơm thành 8 nải.
Cây chuối rừng trước hang Tám Cô đã đậu trọn vẹn hình hài 8 nải chuối.
Cây chuối rừng trước hang Tám Cô đã đậu trọn vẹn hình hài 8 nải chuối.
Và lần này, tôi đứng dưới vòm hang Tám Cô ngước mặt nhìn lên, ken giữa tán lá rừng là buồng chuối đã đủ trọn vẹn 8 nải xanh tươi tắn. Nguyễn Tứ Vỵ bảo: “Mươi ngày nữa là đến dịp kỵ giỗ các anh chị ấy rồi.
 
Cây chuối đơm hoa, kết trái như báo tin trước cho anh em, cho mọi người đang sống. Từ khi ra buồng đầu tiên, sáng nào anh em trong Ban quản lý cũng đến ngóng xem, đếm từng nải một. Đủ 8 nải, có ngóng, có đếm chi cũng chẳng thấy đậu thêm”.
 
Buổi sáng tháng mười tinh khôi, tôi kính cẩn thắp những nén tâm nhang trước anh linh các AHLS đường 20-Quyết Thắng và trước hang Tám Cô. Một buổi sáng như thế, cảm giác thấy mình bé nhỏ so với những gì thế hệ cha anh đã dâng hiến cho non sông, đất nước này!
 
Ngô Thanh Long
,
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 2: Bản nghèo thủy chung

    (QBĐT) - Nếu tính từ chân cầu Long Đại ngược lên xã Trường Sơn, đôi bờ Đại Giang hiền hòa có rất nhiều bản làng thuộc hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh) định cư từ lâu đời: Bắc Kim Sen, Nam Kim Sen, Lâm Ninh, Nước Đắng, Hôi Rấy, Cây Sú, Long Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn…

    25/09/2018
    .
  • Chủ tịch Trần Sự-người có tầm nhìn chiến lược

    (QBĐT) - Khi đang ngồi trên nghế nhà trường thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, qua lời kể của mọi người, tôi đã biết và thực sự ngưỡng mộ trung tá Trần Sự, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, người chỉ huy quân sự xuất sắc, dũng cảm, mưu lược đã đánh thắng nhiều trận oanh kích của máy bay, tàu chiến Mỹ.

    24/10/2018
    .
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 1: Cổ tích một dòng sông

    (QBĐT) - Đã có một thời Đại Giang (Long Đại), con sông lớn "đâm" từ trong trùng điệp núi non Trường Sơn về "hội nhập" cùng Kiến Giang, hòa thành sông Nhật Lệ đổ ra biển Đông trở thành một tuyến giao thông tấp nập "trên bến, dưới thuyền" ngược lên tận xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh). 

    24/09/2018
    .
  • Mười bốn cây dừa

    (QBĐT) - Mười bốn cây dừa, không cây nào còn nguyên vẹn bởi những vết thương chiến tranh. Trước khi còn sót lại mười bốn cây dừa trên mình mang đầy thương tích, nơi đây từng là một vườn dừa trù phú, tràn đầy sinh lực, bình yên tọa lạc nơi góc phố thân thương của thị xã Đông Hới.

    21/10/2018
    .
  • Chuyện kể về nữ anh hùng Quảng Bình hai lần được gặp Bác Hồ

    (QBĐT) - Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời.

    18/09/2018
    .
  • Đồn Hòa Luật Nam-chứng tích tội ác chiến tranh thời chống Pháp

    (QBĐT) - Cách quốc lộ 1A khoảng 200m về phía Đông Nam thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, đồn Hòa Luật Nam là nơi in đậm tội ác của thực dân Pháp đối với quân và dân ta trong suốt thời gian chúng đánh chiếm Quảng Bình.

    17/10/2018
    .
  • Vẹn tình sản vật dòng Gianh

    (QBĐT) - Chảy qua xã Cảnh Hóa và Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa (Tuyên Hóa), dòng sông Gianh hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây những con hến, con chắt chắt bé nhỏ nhưng thấm nghĩa vẹn tình. Để bắt nó, người ta phải canh con nước ròng, rồi lội ra giữa dòng, miệt mài đãi từng mành cát.

    09/09/2018
    .
  • Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng

    (QBĐT) - Nằm ở vùng hạ lưu sông Gianh, xã Châu Hoá là địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng. Cách đây tròn 73 năm, Châu Hóa hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ của dân tộc.

    01/09/2018
    .