.

Chủ tịch Trần Sự-người có tầm nhìn chiến lược

.
08:18, Thứ Tư, 24/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Khi đang ngồi trên nghế nhà trường thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, qua lời kể của mọi người, tôi đã biết và thực sự ngưỡng mộ trung tá Trần Sự, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, người chỉ huy quân sự xuất sắc, dũng cảm, mưu lược đã đánh thắng nhiều trận oanh kích của máy bay, tàu chiến Mỹ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thăm đồng chí Trần Sự, tháng 8-2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm đồng chí Trần Sự, tháng 8-2018.
Sau ngày tái lập lại tỉnh Quảng Bình, do tính chất nghề nghiệp, tôi thường xuyên được phân công tháp tùng ông Trần Sự, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh, trong các chuyến công tác cũng như tham dự các cuộc làm việc do ông chủ trì. Tôi càng khâm phục trí tuệ, sự nhạy bén và tính quyết đoán của ông. Đồng thời, cũng biết thêm, ông là người rất cá tính, nên thường gặp trắc trở, tai ương.
 
Cảm nhận về ông trước hết là người quyết đoán trong mọi việc. Có người không hiểu, cho rằng ông độc đoán. Còn nhớ lúc chia tỉnh, ông đưa ra chủ trương không xây nhà tập thể mà cấp đất và cho cán bộ công nhân viên vay tiền để làm nhà. Có thể nói, vào thời điểm đó, đây được cho là một quyết định “xé rào”. Vì rằng, lúc này có nhiều tỉnh chia ra, như Phú Yên, gần ta có Quảng Trị, không ai dám làm việc này.
 
Ông kể lại rằng, trăn trở lắm, ông mới đưa chủ trương này ra. Có một số vị lãnh đạo tỉnh sợ vì chưa có văn bản nào của Chính phủ cho phép việc này. Một số vị thận trọng đề nghị ông trước khi làm cần xin ý kiến Trung ương.
 
 
Ông trả lời rằng, nếu xin Trung ương thì không bao giờ làm được, vì Trung ương không thể đồng ý. Thay vào đó, ông đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương để ông thực hiện và xin chịu trách nhiệm về quyết định này. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, cả Đồng Hới trở thành đại công trường, phố xá nhanh chóng hình thành, mọi người sớm có chỗ ở.
 
Một thời gian sau này, có đơn thư ra Trung ương cho rằng ông độc đoán, quyết định việc này là vi phạm quy định của Nhà nước. Đoàn công tác của Trung ương vào kiểm tra sự việc, ông đã trình bày rõ ràng. Trung ương thấy chủ trương cấp đất, cho vay tiền làm nhà tuy không có trong quy định của Chính phủ nhưng rất hiệu quả nên ông chỉ bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm.
 
Ông là người có tầm nhìn xa về kinh tế. Còn nhớ lúc mới chia tỉnh, Quảng Bình hầu như chỉ có 2 bàn tay trắng, cơ sở sản xuất công nghiệp không có gì, thu ngân sách chỉ được 15 tỷ đồng/năm. Để nhanh chóng đưa kinh tế phát triển, ông đã đưa ra chủ trương gấp rút đầu tư xây dựng nhà máy bia và các cơ sở sản xuất công nghiệp. Để thực hiện chủ trương này, ông phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đứng ra chỉ đạo xây dựng nhà máy bia.
 
Ông yêu cầu nhà máy bia có thiết bị phải đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, người trực tiếp phụ trách đã không theo đúng chỉ đạo, nên một thời gian đầu sản phẩm bia khó tiêu thụ. Cho đến nay, sau gần 30 năm, Nhà máy bia Quảng Bình luôn phát huy hiệu quả, là đơn vị dẫn đầu về đóng ngân sách, những năm gần đây đã đóng góp hơn 100 tỷ đồng mỗi năm.
 
Ông hết sức quan tâm phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp như phân lân vi sinh Sông Gianh, xi măng Áng Sơn, chế biến thủy sản... Ông cũng đặt nền móng cho việc xây dựng cảng Hòn La, sân bay Đồng Hới, cầu Nhật Lệ I, hồ chứa nước An Mã, Rào Đá; chỉ đạo cho làm quy hoạch bán đảo Bảo Ninh, mở rộng Đồng Hới về phía đông thành khi du lịch và xúc tiến đầu tư xây cầu Nhật Lệ I...
 
Khi ông đưa việc cần xây cầu Nhật Lệ, có vài vị lãnh đạo tỉnh không đồng tình, cho rằng chưa cần thiết. Ông nói, tương lai sau này không chỉ xây một cầu Nhật Lệ mà có thể xây vài ba cây cầu bắc qua sông Nhật Lệ nữa.
 
Ông có tầm nhìn xa về nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Còn nhớ, trận lũ lịch sử năm 1992 đã nhấn chìm 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh trong nước lũ nhiều ngày. Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bị lũ quét cuốn trôi hàng chục ngôi nhà. Các bản bị nước cô lập, không có lương thực ăn nhiều ngày. Tuyến đường vận tải lên Trường Sơn duy nhất theo sông Long Đại bị nước lũ không đi được.
 
Trước tình hình cấp bách đó, ông đã nghĩ ra một phương án hết sức táo bạo là yêu cầu ông Đỗ Hữu Đờn, Tổng giám đốc Liên hiệp lâm công nghiệp Long Đại, sử dụng 3 con voi thồ gạo vượt suối, băng rừng đưa đến cho đồng bào xã Trường Sơn. Nhờ vậy mà đồng bào xã Trường Sơn và Bộ đội Biên phòng Đồn 597 có gạo cầm hơi vượt qua trận lũ.
 
Trong trận lũ này, Trung ương đã cử ông Nguyễn Cảnh Dinh, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi vào chỉ đạo chống lụt. Tôi được phân công tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Sự về Lệ Thủy trên chiếc xe lội nước của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chi viện.
 
Sau khi thị sát tình hình, Chủ tịch Trần Sự đã đề nghị với Bộ trưởng Bộ Thủy lợi một giải pháp hết sức sáng tạo. Đó là, đầu tư làm một số hồ chứa lớn thượng nguồn sông Kiến Giang và sông Long Đại, để cắt đỉnh lũ. Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đã lắng nghe ông thuyết trình một cách say sưa, tỏ thái độ thán phục và đồng ý cao với giải pháp này.
 
Ngay sau khi về Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh đã cử đoàn công tác của bộ vào Quảng Bình nghiên cứu lập dự án. Khi trình bày dự án, đồng chí Trần Sự không đồng ý phướng án xây hồ chứa ở khu vực Bang (vì nó sẽ làm ngập mỏ nước khoáng Bang) mà đề nghị chuyển sang xây dựng ở Rào Con, khu vực An Mã bây giờ.
 
Kể từ khi có hồ An Mã và hồ Rào Đá đến nay, vùng đồng bằng huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã cắt được đỉnh lũ từ 50-70cm. Đặc biệt, khi có 2 hồ này, vùng đất lúa 2 vụ của Lệ Thủy, Quảng Ninh luôn được điều tiết nước, không còn hạn hán xảy ra như trước, năm nào cũng được mùa.
 
Có thể nói, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Sự đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng quân, dân Quảng Bình. Dù trên cương vị nào, ông cũng là người nổi trội, luôn thể hiện cá tính mạnh mẽ, quyết đoán của mình vì lợi ích tập thể.
 
Trọng Thái
,
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 2: Bản nghèo thủy chung

    (QBĐT) - Nếu tính từ chân cầu Long Đại ngược lên xã Trường Sơn, đôi bờ Đại Giang hiền hòa có rất nhiều bản làng thuộc hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh) định cư từ lâu đời: Bắc Kim Sen, Nam Kim Sen, Lâm Ninh, Nước Đắng, Hôi Rấy, Cây Sú, Long Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn…

    25/09/2018
    .
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 1: Cổ tích một dòng sông

    (QBĐT) - Đã có một thời Đại Giang (Long Đại), con sông lớn "đâm" từ trong trùng điệp núi non Trường Sơn về "hội nhập" cùng Kiến Giang, hòa thành sông Nhật Lệ đổ ra biển Đông trở thành một tuyến giao thông tấp nập "trên bến, dưới thuyền" ngược lên tận xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh). 

    24/09/2018
    .
  • Mười bốn cây dừa

    (QBĐT) - Mười bốn cây dừa, không cây nào còn nguyên vẹn bởi những vết thương chiến tranh. Trước khi còn sót lại mười bốn cây dừa trên mình mang đầy thương tích, nơi đây từng là một vườn dừa trù phú, tràn đầy sinh lực, bình yên tọa lạc nơi góc phố thân thương của thị xã Đông Hới.

    21/10/2018
    .
  • Chuyện kể về nữ anh hùng Quảng Bình hai lần được gặp Bác Hồ

    (QBĐT) - Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời.

    18/09/2018
    .
  • Đồn Hòa Luật Nam-chứng tích tội ác chiến tranh thời chống Pháp

    (QBĐT) - Cách quốc lộ 1A khoảng 200m về phía Đông Nam thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, đồn Hòa Luật Nam là nơi in đậm tội ác của thực dân Pháp đối với quân và dân ta trong suốt thời gian chúng đánh chiếm Quảng Bình.

    17/10/2018
    .
  • Vẹn tình sản vật dòng Gianh

    (QBĐT) - Chảy qua xã Cảnh Hóa và Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa (Tuyên Hóa), dòng sông Gianh hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây những con hến, con chắt chắt bé nhỏ nhưng thấm nghĩa vẹn tình. Để bắt nó, người ta phải canh con nước ròng, rồi lội ra giữa dòng, miệt mài đãi từng mành cát.

    09/09/2018
    .
  • Cảnh Hoá chuyển mình...

    (QBĐT) - Đến xã Cảnh Hoá (huyện Quảng Trạch) đúng dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với bộ mặt nông thôn đang ngày càng khởi sắc.

    01/09/2018
    .
  • Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng

    (QBĐT) - Nằm ở vùng hạ lưu sông Gianh, xã Châu Hoá là địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng. Cách đây tròn 73 năm, Châu Hóa hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ của dân tộc.

    01/09/2018
    .