.

Huyền tích về vua Hàm Nghi ở Hóa Sơn

.
14:16, Chủ Nhật, 04/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đâu chỉ có kho báu, những huyền tích về vua Hàm Nghi ở vùng đất Hóa Sơn (Minh Hóa) cho đến bây giờ vẫn được người dân nơi đây lưu truyền như một tấm gương trung trinh về lòng yêu nước son sắt…
 
Hóa Sơn là một xã biên giới, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Sách và người Nguồn. Với địa thế hiểm trở, được bao quanh bởi những lèn núi đá vôi hùng vĩ và như một định mệnh lịch sử, cách đây 130 năm, vị vua yêu nước Hàm Nghi đã đến trú đóng ở vùng đất này để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp.
 
Đường đến Hóa Sơn của vua Hàm Nghi

Vua Hàm Nghi (1872-1944), tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn xả thân vì nước, đứng lên kháng chiến chống Pháp.

Lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi nhưng nhà vua đã ý thức được vai trò, vận mệnh của mình với đất nước và quyết tâm đấu tranh không khoan nhựơng với thực dân Pháp.

Mới 13 tuổi, vua Hàm Nghi đã xuất bôn, kéo theo cả triều đình rời khỏi kinh thành, tìm nơi hiểm địa để lập căn cứ kháng chiến và phát hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu đứng lên khởi nghĩa, tạo thành một phong trào kháng chiến khắp Bắc-Trung-Nam.


Theo cứ liệu lịch sử, Hóa Sơn xưa còn có tên gọi khác là thung lũng Ma Rai. Để đến được thung lũng Ma Rai ngày đó, chỉ có duy nhất một con đường độc đạo qua eo Lập Cập hiểm trở.
 
Tháng 10-1885, khi biết tin vua Hàm Nghi đang ở Hương Khê (Hà Tĩnh), quân Pháp tổ chức lực lượng tiến đánh để bắt vua. Đại thần Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi cùng tùy tùng lui vào Bãi Đức (nay là thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa).
 
Đến tháng 11-1885, đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi từ Bãi Đức về làng Sạt (nay là tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa).
 
Cũng từ đây, Minh Hóa trở thành trung tâm đầu não, là kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương trong cả nước- P.V). Từ làng Sạt, vua Hàm Nghi và tùy tùng di giá về xóm Đồng Nguyên (Cổ Liêm, Tân Hóa), rồi về Ba Nương (Xuân Hóa).
 
Sau một thời gian ở Ba Nương, được tin quân Pháp chuẩn bị tấn công vào đây, các cận thần đã đưa vua Hàm Nghi vượt eo Lập Cập để vào thung lũng Ma Rai, tức Hóa Sơn ngày nay.
 
Trong tháng 11-1885, một đạo quân Pháp do đại úy Hugo cùng hai trung úy Gaygere và Bellomy chỉ huy tiến vào Ba Nương. Dân làng Ba Nương lúc bấy giờ đều bỏ trốn vào rừng, không hợp tác với quân Pháp.
 
Trong làng, lúc này chỉ còn một cụ già tên là Cố Tư, bị quân Pháp bắt dẫn đường đuổi theo vua Hàm Nghi. Quân Pháp hung hăng định vượt eo Lập Cập để vào Ma Rai, nhưng mới lên đến lưng chừng đèo thì bị đội quân bảo vệ nhà vua và người dân trong làng phục kích chặn đánh. Quá nửa quân Pháp chết và bị thương trong trận đánh này, bản thân đại úy Hugo trúng phải tên độc bị thương nặng và tử vong sau đó.
 
Tại thung lũng Ma Rai, với sự hỗ trợ của đồng bào Sách cùng các đạo quân người Nguồn, người Mường, vua Hàm Nghi đã ở đây 3 tháng mà quân Pháp không thể nào tập kích vào được.
 
Tuy nhiên, do vùng đất Ma Rai rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt và còn quá nghèo, nếu giặc bao vây chặn mất con đường độc đạo ở eo Lập Cập thì khó liên hệ với bên ngoài để lãnh đạo phong trào Cần Vương, chống giặc Pháp, vì vậy đầu năm 1886, vua Hàm Nghi đã rút khỏi đây, ra ngoài để thuận lợi hơn cho việc mở rộng lực lượng, kháng chiến lâu dài…
 
Cả làng bảo vệ và “nuôi” vua
 
Chỉ ở Ma Rai 3 tháng, nhưng vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đã được người dân nơi đây tận tình chăm sóc, bảo vệ. Chính tấm lòng kiên trung, thủy chung son sắt của người dân Minh Hóa nói chung, người dân Hóa Sơn nói riêng đã giúp nhà vua và các tướng lĩnh của phong trào Cần Vương chống lại, đánh lui nhiều trận càn của quân Pháp. Thế nên, đã hơn 130 năm trôi qua, những huyền tích về vị vua yêu nước Hàm Nghi vẫn được các thế hệ người dân Hóa Sơn tự hào, lưu truyền.
 
Đến Hóa Sơn hôm nay, những câu chuyện về vua Hàm Nghi mà người dân kể cho chúng tôi nghe đâu chỉ có kho báu đầy vàng, mà còn nhiều những câu chuyện về đạo quân thần, lòng trung vua, ái quốc, sự thủy chung, son sắt của đồng bào người Sách, người Nguồn ở Hóa Sơn đã dành cho nhà vua. Đó là câu chuyện về việc người dân Hóa Sơn đã bảo vệ và “nuôi” vua Hàm Nghi như thế nào khi nhà vua trú đóng ở thung lũng Ma Rai trong những ngày gian khó nhất.
Nơi đây xưa kia là nền nhà của quan cai quản vùng đất Hóa Sơn, nơi vua Hàm Nghi ở.
Nơi đây xưa kia là nền nhà của quan cai quản vùng đất Hóa Sơn, nơi vua Hàm Nghi ở.
Ông Bàn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hóa cho biết, chỗ gia đình ông đang sinh sống hiện nay ở thôn Đặng Hóa, trước đây, là nền nhà cũ của vị quan cai quản vùng đất Ma Rai, cũng là một trong những nơi tá túc của vua Hàm Nghi trong những ngày tháng nhà vua ở Hóa Sơn.
 
“Tôi nghe ông bà nội kể lại rằng, ngày đó, vùng đất Hóa Sơn rừng núi hoang vu, người dân thưa thớt và cuộc sống cũng vô cùng khó khăn. Nhưng, những ngày vua Hàm Nghi ở Hóa Sơn, bà con không chỉ góp sức bảo vệ mà còn ủng hộ lương thực, thực phẩm để “nuôi” nhà vua. Bà con có cái gì quý giá nhất cũng để dành dâng lên vua Hàm Nghi. Bà Nguyễn Thị Dị, là bà nội của ông Đinh Thanh Tiến (hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn) trong nhà có con gà mái và ổ trứng cũng mang đến ủng hộ nhà vua”, ông Sơn kể.
 
Đánh thức tiềm năng du lịch
 
Theo ông Bàn Văn Sơn, Hóa Sơn hôm nay tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã nhìn thấy những tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Ngoài trồng rừng và chăn nuôi là thế mạnh thì du lịch cũng đang là “cái đích” mà địa phương nhắm đến.
 
“Hóa Sơn có thiên nhiên tuyệt sắc bởi núi rừng hùng vĩ. Nơi đây có hang Rục Mòn không hề thua kém hang Tiên Sơn, Phong Nha, Thiên Đường ở Bố Trạch. Hiện nay, hang Rục Mòn đang được đưa vào khai thác du lịch, mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, khám phá.
 
Cùng với đó, nếu những dấu tích và huyền tích về vua Hàm Nghi ở Hóa Sơn được quan tâm đầu tư, chúng tôi tin rằng tiềm năng du lịch ở Hóa Sơn sẽ được đánh thức. Khi đó, du khách đến Hóa Sơn không chỉ khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của hang Rục Mòn mà còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa đặc sắc, riêng có của vùng đất này”, ông Sơn chia sẻ.
 
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện của vua Hàm Nghi ở Hóa Sơn, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, hiện huyện đang khảo sát lại những dấu tích nơi nhà vua đã từng đặt chân đến trong những năm xuất bôn cứu nước trong phong trào Cần Vương.
 
Tiếp đến, huyện sẽ có kế hoạch đầu tư, có thể là kêu gọi đầu tư bằng cách xã hội hóa, trước mắt là đặt ở những nơi đó một tấm bia. Riêng ở Hóa Sơn, có 2 địa điểm cần đặt bia và xây dựng khu di tích là thôn Đặng Hóa, nơi vua Hàm Nghi đã ở trong những ngày tháng ở Hóa Sơn và eo Lập Cập, nơi diễn ra trận chiến thắng oanh liệt của quân đội nhà vua với sự giúp sức của người dân bản địa.
 
Mục đích của việc này ngoài bảo tồn giá trị di tích còn giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường của các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ, qua đó nâng cao lòng tự hào về quê hương, con người Minh Hóa.
 
Ngoài ra, khi những điểm di tích này được xây dựng, chắc chắn rằng, những nơi đó cũng là điểm đến đầy hấp dẫn của khách du lịch muốn tìm hiểm về lịch sử, văn hóa, nhất là những huyền tích về khó báu, về lòng yêu nước trung trinh của vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương trên vùng đất “kinh đô kháng chiến” Minh Hóa…
 
Phan Phương
,
  • Đền thiêng trên đường 20

    (QBĐT) - Nguyễn Tứ Vỵ, Trưởng ban quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ (AHLS) đường 20-Quyết Thắng gọi điện báo với tôi: "Anh ơi! Cây chuối rừng trước hang Tám Cô lại ra hoa kết trái, vừa đúng 8 nải rồi thôi. Anh lên với các anh chị ấy nhé!"

    28/10/2018
    .
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 2: Bản nghèo thủy chung

    (QBĐT) - Nếu tính từ chân cầu Long Đại ngược lên xã Trường Sơn, đôi bờ Đại Giang hiền hòa có rất nhiều bản làng thuộc hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh) định cư từ lâu đời: Bắc Kim Sen, Nam Kim Sen, Lâm Ninh, Nước Đắng, Hôi Rấy, Cây Sú, Long Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn…

    25/09/2018
    .
  • Chủ tịch Trần Sự-người có tầm nhìn chiến lược

    (QBĐT) - Khi đang ngồi trên nghế nhà trường thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, qua lời kể của mọi người, tôi đã biết và thực sự ngưỡng mộ trung tá Trần Sự, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, người chỉ huy quân sự xuất sắc, dũng cảm, mưu lược đã đánh thắng nhiều trận oanh kích của máy bay, tàu chiến Mỹ.

    24/10/2018
    .
  • Đại Giang… dòng sông hoài cổ-Bài 1: Cổ tích một dòng sông

    (QBĐT) - Đã có một thời Đại Giang (Long Đại), con sông lớn "đâm" từ trong trùng điệp núi non Trường Sơn về "hội nhập" cùng Kiến Giang, hòa thành sông Nhật Lệ đổ ra biển Đông trở thành một tuyến giao thông tấp nập "trên bến, dưới thuyền" ngược lên tận xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh). 

    24/09/2018
    .
  • Mười bốn cây dừa

    (QBĐT) - Mười bốn cây dừa, không cây nào còn nguyên vẹn bởi những vết thương chiến tranh. Trước khi còn sót lại mười bốn cây dừa trên mình mang đầy thương tích, nơi đây từng là một vườn dừa trù phú, tràn đầy sinh lực, bình yên tọa lạc nơi góc phố thân thương của thị xã Đông Hới.

    21/10/2018
    .
  • Chuyện kể về nữ anh hùng Quảng Bình hai lần được gặp Bác Hồ

    (QBĐT) - Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời.

    18/09/2018
    .
  • Đồn Hòa Luật Nam-chứng tích tội ác chiến tranh thời chống Pháp

    (QBĐT) - Cách quốc lộ 1A khoảng 200m về phía Đông Nam thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, đồn Hòa Luật Nam là nơi in đậm tội ác của thực dân Pháp đối với quân và dân ta trong suốt thời gian chúng đánh chiếm Quảng Bình.

    17/10/2018
    .
  • Vẹn tình sản vật dòng Gianh

    (QBĐT) - Chảy qua xã Cảnh Hóa và Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa (Tuyên Hóa), dòng sông Gianh hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây những con hến, con chắt chắt bé nhỏ nhưng thấm nghĩa vẹn tình. Để bắt nó, người ta phải canh con nước ròng, rồi lội ra giữa dòng, miệt mài đãi từng mành cát.

    09/09/2018
    .