Đổi mới công tác vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn
(QBĐT) - Thời gian qua, Công đoàn Khu Kinh tế (KKT) tỉnh đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong tổ chức công đoàn (TCCĐ) ở cơ sở. Qua đó, không chỉ phát huy sức mạnh đoàn kết, tập hợp, vận động người lao động (NLĐ) tham gia các phong trào thi đua yêu nước mà còn tuyên truyền, vận động NLĐ gia nhập TCCĐ, góp phần xây dựng công đoàn cơ sở (CĐCS) ngày càng vững mạnh.
Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch 9 khu công nghiệp phân bố trên địa bàn các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và TP. Đồng Hới; có 185 dự án của các doanh nghiệp đầu tư trong KKT, khu công nghiệp (KCN), với tổng vốn đăng ký đầu tư là 112 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, KKT thuộc Ban Quản lý KKT tỉnh là 65 doanh nghiệp, với 5.010 lao động; trong đó Công đoàn KKT tỉnh đang quản lý trực tiếp 26 CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước, với 3.450 lao động (đoàn viên (ĐV) là 3.120 người).
Theo số liệu thống kê đến tháng 10/2023, trong các KKT, KCN còn có trên 30 doanh nghiệp chưa có TCCĐ. Trước thực trạng này, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn KKT tỉnh đã chỉ đạo Ban vận động thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp chưa có TCCĐ thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục NLĐ vào TCCĐ.
Trong công tác tuyên truyền, vận động đã tập trung giới thiệu một cách thuyết phục đến đông đảo NLĐ về TCCĐ Việt Nam, những quyền và lợi ích khi tham gia công đoàn; xây dựng hệ thống tài liệu phong phú, linh hoạt, chú trọng xây dựng và phát hành một số sản phẩm tuyên truyền trên internet và mạng xã hội; tổ chức các nhóm nòng cốt ở doanh nghiệp tham gia các diễn đàn mạng để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và gửi các thông điệp tuyên truyền của công đoàn đến đông đảo NLĐ.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn KKT tỉnh đã đổi mới phương thức kết nạp, phát triển và quản lý ĐV, thành lập CĐCS. Trong đó, chú trọng đổi mới phương thức kết nạp ĐV theo hướng chủ động, thân thiện với ĐV, đơn giản về thủ tục, ấn tượng về sự quan tâm và chăm lo của tổ chức ngay từ đầu; đổi mới sinh hoạt công đoàn bảo đảm hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của ĐV, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng của internet trong sinh hoạt công đoàn; đơn giản hóa thủ tục NLĐ gia nhập công đoàn, thành lập CĐCS, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ khi có nguyện vọng gia nhập TCCĐ Việt Nam.
Đồng thời, Ban Chấp hành Công đoàn KKT tỉnh đã thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp, lao động trong các doanh nghiệp chưa thành lập TCCĐ để xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động thành lập và gia nhập CTCĐ; quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn hoạt động đối với các CĐCS khó khăn, các CĐCS mới thành lập; xem xét giải thể các CĐCS không hoạt động do doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động hoặc không còn đủ số lượng ĐV theo quy định.
Tính đến hết tháng 10/2023, Ban Thường vụ Công đoàn KKT tỉnh đã tuyên truyền, vận động thành lập được 2 CĐCS, với hơn 80 ĐV, đạt 200% kế hoạch Liên đoàn Lao động tỉnh giao. Ngoài ra, Ban Thường vụ Công đoàn KKT tỉnh đã chỉ đạo các CĐCS kết nạp mới được 451/400 ĐV, vượt chỉ tiêu theo đăng ký đầu năm về xây dựng mô hình. Theo kế hoạch đề ra, từ đây đến hết năm 2023, Công đoàn KKT tỉnh tiếp tục vận động thêm 2 doanh nghiệp ở trong KKT, KCN gia nhập TCCĐ với khoảng 50 ĐV. |
Thông qua Phòng Kế hoạch-Đầu tư, Phòng Tài nguyên môi trường và Doanh nghiệp của Ban Quản lý KKT tỉnh, Công đoàn KKT tỉnh nắm bắt chính xác, kịp thời thông tin về số lượng doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, thông tin về lao động việc làm của doanh nghiệp…, từ đó, thành lập đoàn hoặc lồng ghép với đoàn công tác của Ban Quản lý KKT tỉnh khi đi làm việc với doanh nghiệp nhằm tiến hành vận động chủ doanh nghiệp đồng thuận cho NLĐ tham gia vào TCCĐ.
Đặc biệt, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn KKT tỉnh thường xuyên chỉ đạo các CĐCS tập trung làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ ĐV, NLĐ để thu hút, tập hợp và giữ chân ĐV. Đây cũng chính là các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà TCCĐ các cấp phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, nhằm mang lại ngày càng nhiều hơn các quyền và lợi ích chính đáng cho ĐV, NLĐ. Các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ NLĐ cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm chu đáo, kịp thời, hiệu quả, tạo niềm tin để NLĐ tham gia và gắn bó với TCCĐ.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động NLĐ tham gia TCCĐ, Công đoàn KKT tỉnh còn đăng ký và xây dựng thực hiện mô hình “Dân vận khéo” năm 2023 với nội dung là "Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động NLĐ gia nhập TCCĐ".
Trong bối cảnh hiện nay, việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động của Công đoàn các cấp, do vậy, việc thu hút, tập hợp đông đảo ĐV, NLĐ vào TCCĐ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Qua đó, không chỉ làm tăng thêm số lượng thành viên và sức mạnh cho TCCĐ, mà còn thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Công đoàn các cấp, trong đó có TCCĐ trong các KKT, KCN.
Từ Ngọc Thịnh
(Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh)