Chuyện quản lý: "Bội thực"… họp (?!)
(QBĐT) - Câu chuyện “bội thực”… họp không còn mới, nhưng cũng chưa hẳn đã cũ. Bởi, càng đến gần dịp cuối năm, càng có nhiều cuộc họp, hội nghị được tổ chức.
Một lãnh đạo xã nọ than phiền rằng, thông thường đến thời điểm cuối năm, anh phải tất bật “chạy sô” để dự họp. Là lãnh đạo địa phương nên gần như anh buộc phải “có mặt” ở tất cả các cuộc họp, từ huyện đến cơ sở.
Vị này chia sẻ, mới đây, huyện tổ chức họp để triển khai, quán triệt một nội dung kế hoạch mới. Vì nội dung mới nên những người dự họp gồm lãnh đạo các địa phương, đơn vị liên quan cũng chỉ đến để nghe phổ biến xong rồi về. Lý do là bởi, kế hoạch chưa triển khai trong thực tế, thì lấy đâu ra bài học kinh nghiệm và cả những khó khăn, vướng mắc để đánh giá, rút kinh nghiệm và phát biểu, bàn bạc. Thành ra, những người dự họp chỉ đành “im lặng” tiếp thu. Cuộc họp đó chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng hơn 1 giờ, nhưng cán bộ cơ sở mất cả buổi đi lại, vì quãng đường xa và lịch bố trí làm việc buổi hôm đó là để đi họp.
Đành rằng, có nhiều nội dung không thể không tổ chức họp, vì cần sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm cao giữa nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhưng không phải nội dung, chương trình nào cũng cần phải triệu tập họp trực tiếp. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, hệ thống làm việc đã được liên thông, chỉ cần một cái click chuột, văn bản chỉ đạo đã xuống đến tận cơ sở. Địa phương, ngành, lĩnh vực căn cứ chức năng, nhiệm vụ và bám vào thực tiễn cơ sở để triển khai thực hiện. Sau đó, mới tổ chức họp bàn để đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt, nêu lên thực trạng, khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Cuộc họp lúc đó mới thực sự chất lượng, hiệu quả.
Cũng vị cán bộ cơ sở nói trên cho hay, có thời điểm, để giải quyết vấn đề “bội thực”… họp, lãnh đạo huyện đã linh hoạt tổ chức họp ghép, họp kết hợp trong cùng một buổi. Nội dung chương trình các cuộc họp được bố trí, sắp xếp có liên quan đến cùng lĩnh vực, đối tượng, nên rất tiện lợi cho những cán bộ cơ sở như anh. Điều quan trọng là sự linh động đó vừa không ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức họp, lại vừa giúp người dự họp tiết kiệm thời gian, công sức, nhất là cán bộ ở cơ sở. Thế nhưng, rất tiếc sự linh hoạt đó chỉ được thực hiện trong một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Vì vậy, giờ đây, những cán bộ cơ sở như anh vẫn phải tất bật “chạy sô” để dự họp.
Họp, hay hội nghị là một hình thức của hoạt động quản lý nhà nước, một cách thức giải quyết công việc, là phương thức phát huy trí tuệ tập thể, tri thức và kinh nghiệm của các thành viên để giải quyết những vấn đề quan trọng. Qua cuộc họp, lãnh đạo và các thành phần tham dự không chỉ trao đổi thông tin, truyền đạt trực tiếp các quyết định quản lý đến những người thực hiện, mà còn là dịp để lãnh đạo lắng nghe, nắm bắt ý kiến từ cơ sở; đồng thời trao đổi kinh nghiệm, thảo luận những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, nếu không có sự lựa chọn, tiết giảm những cuộc họp không thật sự cần thiết, thì việc tổ chức họp sẽ rơi vào hình thức, lãng phí thời gian, công sức và không đạt hiệu quả mong muốn.
Lê Thy