Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023):

Thiên hùng ca mang tên "Đường 9-Nam Lào"

  • 13:39 | Thứ Năm, 23/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình và đặc biệt với gần 10 năm là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ, có những trận đánh mang ý nghĩa bước ngoặt, đóng vai trò quan trọng, có những trận đánh thầm lặng, sống còn, bảo đảm con đường vận chuyển huyết mạch vũ khí, lương thực, nhân lực cho chiến trường miền Nam…
 
Trong đó, chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971 ghi dấu ấn đậm nét, khẳng định bộ đội Trường Sơn: “đã phát huy vai trò một căn cứ chiến lược làm nhiệm vụ tổng hợp, chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch, xây dựng các khu tập kết, xây dựng mạng lưới thông tin, hệ thống kho tàng, hệ thống bảo đảm cấp cứu, hệ thống cầu đường vận chuyển…” (1).
 
“Mùa xuân năm 1971, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Sài Gòn được quân Mỹ yểm trợ hỏa lực, làm phá sản một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, viết nên một thiên hùng ca mang tên “Đường 9-Nam Lào”, tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam. Chiến thắng Đường 9-Nam Lào thể hiện tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam”(2). Trong chiến thắng chung đó, khắc họa rõ nét vai trò của bộ đội Trường Sơn và Bộ Tư lệnh Trường Sơn, mà trực tiếp là đồng chí Đồng Sỹ Nguyên.
 
“Cuối tháng 4/1969, trời nóng hầm hập. Lại từng đàn mối cánh tủa ra kín các nẻo đường rừng. Chiều chiều, những cơn mưa rào đầu mùa vội vàng trút xuống. Trên những sườn núi xa trục vận tải và giao liên vẫn bừng lên những vạt lửa đốt rừng làm rẫy của dân bản; khói không bứt lên cao được, cứ luẩn quẩn nơi tán cây, hẻm núi rồi lan tỏa như mây. Bà con bản Lào hối hả nhặt nhạnh củi phòng mưa lũ đến sớm…”(3), Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã mở đầu ký ức về chiến dịch Đường 9-Nam Lào đầy hình tượng như vậy trong cuốn hồi ký “Đường xuyên Trường Sơn”. Đó được ví như một dự báo về một chiến dịch nhiều cam go, thử thách ở phía trước nhưng cũng rất vẻ vang, anh hùng.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chuẩn bị vận chuyển chiến lược cho Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, năm 1970. Ảnh: Tư liệu
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chuẩn bị vận chuyển chiến lược cho Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, năm 1970. Ảnh: Tư liệu
Theo phân công của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao phụ trách cánh quân phía Tây của chiến dịch, gồm Sư đoàn 968, Sư đoàn 2 (Khu 5) và một số đơn vị binh chủng. Trên toàn địa bàn chiến dịch, bộ đội Trường Sơn là lực lượng tác chiến tại chỗ. Ngay sau khi nhận lệnh chính thức, Bộ Tư lệnh đã họp bàn triển khai thế trận tác chiến chiến dịch. Nhờ dự kiến tình hình từ trước, nên Bộ Tư lệnh nhanh chóng thống nhất một số nội dung, như: Sáp nhập các mặt trận, thành lập tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn; khẩn trương hoàn thiện thế trận tác chiến phòng không; đẩy nhanh chi viện cho Nam Bộ… Ngay sau đó, các công việc được tiến hành khẩn trương, kịp thời, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi được giao nhiệm vụ, với những gì tạo dựng được, bộ đội Trường Sơn vững vàng tự tin bước vào cuộc đối đầu mới vô cùng quyết liệt với kẻ thù, nhưng rất chắc thắng (4).
 
Để có được sự chuẩn bị chu đáo này cho chiến dịch Đường 9-Nam Lào, trước đó, bộ đội Trường Sơn đã có cả một quá trình dài hơi, đặc biệt là việc đẩy nhanh tuyến đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn. Ngày 22/12/1969, đúng vào dịp kỷ niệm trọn một phần tư thế kỷ thành lập Quân đội, lễ khánh thành đường ống xăng dầu K200-Bản Cọ được tổ chức tại K5. “Tôi như thấy dòng xăng tuôn chảy, bóng dáng hàng trăm chiến sĩ đang vượt núi, băng sông gùi cõng những ba lô xăng, can xăng năm nào! Chỉ những người trong cuộc, hoặc chứng kiến những tháng ngày đắng cay, khi mà một giọt xăng vào tới chiến trường được đổi bằng cả mồ hôi thậm chí bằng máu, mới ý thức được tâm thế lớn lao của sự kiện đưa đường ống xăng dầu Trường Sơn vào vận hành”(5) .
 
Đúng 4 giờ chiều ngày 15/1/1970, lệnh tổng công kích được phát đi. Bộ Tư lệnh chỉ thị các mũi tiến công, ngay từ đầu, lực lượng vận tải cơ giới ra quân rất rầm rộ. Vượt qua những “sóng gió” (như cách dùng từ của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên) trong 15 ngày đầu chiến dịch tổng công kích, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã quyết định thay đổi quyết tâm một cách táo bạo, mở ra nhiều hướng đột kích, chọn những cán bộ có năng lực đưa xuống từng hướng trực tiếp chỉ huy: “Tư lệnh đã xuất “át chủ bài”, tình hình ắt chuyển biến mau lẹ”. Nhờ đó, nhân đà thắng lợi tổng công kích đợt 1, toàn tuyến phát động tổng công kích đợt 2, đợt 3. Kế hoạch vận chuyển chi viện mùa khô 1969-1970 với cao điểm là ba đợt tổng công kích đã hoàn thành xuất sắc, hiệu quả và dứt điểm hơn so với những mùa khô trước.
 
Đúng như dự đoán của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, ngày 30/1/1971, Mỹ ngụy cho quân đánh Đường 9-Nam Lào, mở đầu cuộc hành binh đại quy mô được mang danh “Lam Sơn 719” với hơn 4 vạn quân chủ lực Sài Gòn, 6.000 quân Mỹ, gần 600 xe tăng, xe bọc thép, hơn 300 khẩu pháo hạng nặng, 1.000 máy bay… Mỹ đã đẩy chiến tranh ngăn chặn đường Hồ Chí Minh lên đỉnh cao với mong muốn chặn cắt hoàn toàn tuyến chi viện chiến lược này, đồng thời đánh bại chủ lực của ta, chứng minh sự thành công của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”(6).
 
Vậy nhưng, với tư duy, tầm nhìn chiến lược của mình, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có những nhận định sáng suốt: “Ngay khi được trên thông báo về kế hoạch hành binh của Mỹ-ngụy ra Đường 9-Nam Lào, tôi đã nghĩ ngay tới bước phiêu lưu đầy chủ quan của các chiến lược gia Hoa Kỳ. Bởi điều đơn giản đầu tiên: Nơi đây là chiến trường rừng núi, không phải là đất dụng võ của cả lính Mỹ và ngụy. Lẽ thứ hai-đã từ lâu-trong tầm nhìn của Bộ Thống soái Việt Nam, Đường 9-Nam Lào là chiến trường dành cho sự đối đầu giữa chủ lực của miền Bắc với bất cứ lực lượng nào của địa phương… Luôn hằn sâu trong tâm tưởng ý nghĩa đó, nên khi địch đưa quân ra Đường 9, tôi dám chắc với mấy anh trong Bộ Tư lệnh rằng: Mỹ-ngụy đã chui đầu vào rọ”(7).
 
Thực hiện lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch và chỉ thị của đồng chí Văn Tiến Dũng, khi bộ binh địch ồ ạt theo Đường 9 tràn lên Tây Trường Sơn, rồi các trung đoàn không vận của địch chuẩn bị “cất cánh”, Bộ Tư lệnh Trường Sơn kịp thời điện các đơn vị, binh trạm: Nhử địch vào thật sâu, sẵn sàng chủ động tiến công vào các đội hình trực thăng của chúng. Sử dụng mọi vũ khí, phát huy mọi tầm hỏa lực, kiên quyết tiêu diệt địch, với khẩu hiệu “Cứ cho nó đến, quyết không cho về”.
 
“Đúng là “lửa thử vàng”, cuộc chiến đấu đầy máu lửa, hy sinh cũng chính là thứ thuốc thử nhiệm màu, làm ánh xạ những tố chất tinh túy của người lính Trường Sơn”, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã khẳng định như vậy. Bộ đội Trường Sơn không phụ lòng mong mỏi của trên, của đơn vị bạn. Kế hoạch vận chuyển bảo đảm cho chiến dịch tấn công được Binh trạm 27 và Binh trạm 9 hoàn thành xuất sắc. Ở cánh Tây, bộ đội Trường Sơn phối hợp cùng bạn tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều khu vực dân cư… Ngày 23/3/1971, chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào kết thúc, toàn thắng. “Âm mưu cắt đứt tuyến đường Trường Sơn bằng sức mạnh tổng lực trong tổng thể chiến lược chiến tranh ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược đã hoàn toàn thất bại”(8).
 
“Ngày 15/5/1971, Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp để kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chiến lược mùa khô năm 1970-1971 và phục vụ chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Đảng ủy đánh giá: Nhiệm vụ vận chuyển chiến lược mùa khô diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn phức tạp… Tuy nhiên, bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực cao độ, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao. Trong đó nhiệm vụ trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào được hoàn thành xuất sắc, đã thực hiện vận chuyển khối lượng hàng gần 10.000 tấn, cao hơn chỉ tiêu dự báo ban đầu 8,6 lần, bảo đảm thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất cho chiến dịch”(9).
 
Có thể nói, chiến thắng Đường 9-Nam Lào là minh chứng cho đường lối quân sự đúng đắn, tư duy tiến công chiến lược của ta. Trong đó, vai trò quan trọng, những đóng góp xuất sắc của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn càng được khẳng định và thể hiện rõ. 
 
Mai Nhân
 
1, 9. “Bộ đội Trường Sơn trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971”, đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, cuốn “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào, giá trị lịch sử và hiện thực”, Nxb Quân đội nhân dân, 2021.
2. “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971, bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, cuốn “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào, giá trị lịch sử và hiện thực”, Nxb Quân đội nhân dân, 2021.
3, 4, 5, 6, 7, 8. Hồi ký “Đường xuyên Trường Sơn”, Đồng Sỹ Nguyên, Nxb Quân đội nhân dân, 1999.
 

tin liên quan

Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII

(QBĐT) - Sáng 23/2, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị liên tịch bàn, thống nhất nội dung, chương trình, kế hoạch kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Đồng chí Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dâng hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sáng nay, 23/2, đồng chí Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành 10 nghị quyết thành lập các đơn vị hành chính

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành 10 nghị quyết thành lập, điều chỉnh các đơn vị hành chính trên địa bàn 10 tỉnh. Các nghị quyết này vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp thứ 20.