Việt Nam ủng hộ việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

  • 14:50 | Thứ Sáu, 27/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Việt Nam cho rằng các nước cần nắm bắt thời điểm hiện nay, thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an toàn diện và sâu sắc để cơ quan này có thể hoàn thành đầy đủ trách nhiệm quan trọng của mình.
Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tham dự và phát biểu tại cuộc họp phiên đầu tiên về vấn đề đại diện công bằng và tăng thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát)
Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tham dự và phát biểu tại cuộc họp phiên đầu tiên về vấn đề đại diện công bằng và tăng thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 26/1, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, tiến trình đàm phán liên chính phủ (IGN) về cải tổ Hội đồng Bảo an tại Khóa họp 77 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã nhóm họp phiên đầu tiên về vấn đề đại diện công bằng và tăng ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong quá trình thảo luận, các nước thành viên Liên hợp quốc đều nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ Hội đồng Bảo an nhằm đảm bảo tính đại diện, dân chủ, minh bạch, hiệu quả cũng như phản ánh được thực tiễn tình hình thế giới hiện nay.
 
Trong khi nhiều nước ủng hộ mở rộng số lượng ủy viên Hội đồng Bảo an, cả ủy viên thường trực và không thường trực, một số ý kiến cho rằng chỉ nên mở rộng số lượng ủy viên không thường trực và tính đến một cơ cấu thành viên Hội đồng Bảo an mới.
 
Về việc tăng tính đại diện tại Hội đồng Bảo an, các ý kiến đều khá thống nhất trong việc bảo đảm tính đại diện về địa lý, trong đó các nhóm nước đang có ít đại diện cần được tăng số ghế trong Hội đồng Bảo an.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt mặc dù chưa có dấu hiệu suy giảm, nhưng cũng là động lực cho sự thay đổi.
 
Do đó, Việt Nam cho rằng các nước cần nắm bắt thời điểm hiện nay, thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an toàn diện và sâu sắc để cơ quan này có thể hoàn thành đầy đủ trách nhiệm quan trọng của mình là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
 
Về việc mở rộng ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Trà nhắc lại quan điểm của Việt Nam ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cả số ủy viên thường trực và không thường trực, bảo đảm sự đại diện công bằng cho các nhóm khu vực, nhất là đối với các nhóm nước chưa có đại diện hoặc ít đại diện, trong đó có các nước đang phát triển.
 
Đại sứ cũng nhấn mạnh việc cải tiến phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an và giới hạn sử dụng quyền phủ quyết.
 
Nhân dịp này, đại diện Việt Nam nêu tầm quan trọng của đối thoại và thảo luận về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an trong khuôn khổ tiến trình đàm phán liên chính phủ, đề nghị tiến trình này phải được thực hiện một cách minh bạch, có sự tham gia đầy đủ và trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các nước.
 
Tiến trình đàm phán liên chính phủ được thành lập năm 2008 theo Quyết định số 62/557 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc để đàm phán về cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại các phiên toàn thể không chính thức của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
 
Tiến trình đàm phán liên chính phủ với 3-5 cuộc họp tiến hành hằng năm, tập trung thảo luận 5 vấn đề then chốt gồm: (i) Các loại ủy viên Hội đồng Bảo an; (ii) Quyền phủ quyết; (iii) Đại diện khu vực; (iv) Quy mô mở rộng và phương pháp làm việc và (v) Quan hệ giữa Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
 
Về đại diện của các khu vực tại Hội đồng Bảo an, nhóm châu Á-Thái Bình Dương và nhóm châu Phi đang có tính đại diện thấp nhất khi mỗi nhóm chỉ có 3 ghế tại Hội đồng Bảo an trong khi châu Á-Thái Bình Dương có 55 nước, châu Phi có 54 nước trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc.
 
Nhóm Tây Âu và các nước phương Tây có tính đại diện cao nhất khi có đến 5 ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong khi nhóm này chỉ có 29 nước./.
 
Theo Thanh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

Nhớ bác Đồng Sỹ Nguyên

(QBĐT) - Tôi may mắn có 3 năm dạy học ở Trường cấp 3 vừa học vừa làm ở xã Quảng Trung, quê hương của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. 

93 năm Ngày thành lập Đảng: 'Hướng về cơ sở', 'nói cho dân hiểu', 'làm cho dân tin'

Công tác dân vận chính là mạch nối duy trì mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; lấy chăm lo cuộc sống, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ.
 

Hiệp định Paris: Sáng ngời bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và bản sắc ngoại giao của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò quan trọng, phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, góp phần tạo nên những thắng lợi làm rạng rỡ lịch sử dân tộc, từ đàm phán bảo vệ nền độc lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và đỉnh cao là ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.