.

Người thương binh vui thú điền viên

.
07:44, Chủ Nhật, 01/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Điền viên, đúng nghĩa của từ này: ruộng vườn. Ông quản lý một vùng ruộng nương rộng đến 5ha. Trong đó, có 1,8ha lúa một vụ, sắn, đất trồng đậu đỗ các loại. Nhiều nhất là vườn cao su, cây ăn trái, chè xanh và ao cá. Không phải chỉ ao mà là như thể còn có cả một con sông bao vòng cùng những mương nhỏ dẫn và thoát nước. Và gà, vịt... và lợn. Đúng mô hình vườn-ao-chuồng.
 
Nhưng ông là một thương binh hạng ba (41%) và đã tròn 70 tuổi. 5ha, đủ diện tích cho một sân golf. Đất ruộng vườn của ông có thể giúp cho vài lao động mùa vụ có thêm thu nhập. Vườn cao su của ông là bãi chăn thả miễn phí cho vài mươi con bò của láng giềng. Cao su đến mùa cạo mủ cũng giải quyết việc làm cho vài lao động.
 
Đi quanh vườn ông, thấy hàng đàn “gà đi bộ” và vô số những ổ gà "hoang" tự tạo dưới gốc cây hay trong một bụi rậm. Hoa hồng và cây cảnh của ông chỉ vừa đủ để ngắm lúc uống trà nhưng lộc vừng và phong lan thì…vô thiên lủng. Nếu xem đó là làm kinh tế cũng rất hiệu quả mà thú chơi ruộng vườn cũng không sai.
 
Khu trang trại nhỏ này nằm ở thôn Thuận Hòa, xã Thuận Đức, cách trung tâm TP. Đồng Hới gần chục km. Ông Trần Đình Nghĩa nguyên là một tay lái có hạng của đất Quảng Bình những năm chiến tranh. Trong một lần lái xe vận chuyển hàng tiếp tế cho chiến trường bắc Quảng Trị đến đổ hàng ở Hướng Lập, đoàn xe bị đánh bom.
Tuổi xế chiều, thương binh Trần Đình Nghĩa vui thú với ruộng vườn. (Ảnh: Ánh Dương)
Tuổi xế chiều, thương binh Trần Đình Nghĩa vui thú với ruộng vườn. (Ảnh: Ánh Dương)
Xe ông trúng đạn, cháy, ông văng xuống suối, bị thương, ngất đi, may được đồng đội cứu. Lành vết thương, ông vẫn cầm vô lăng cho đến ngày hết chiến tranh và cho tới ngày về hưu. Được phân đất, đã làm nhà ở trung tâm thành phố nhưng ông dành lại cho con và lên vùng bán sơn địa này “khai canh lập…vườn”.
 
Ông bảo, trẻ đã qua nhưng già chưa tới, ngồi nhàn thân quá sinh bệnh tật, chi bằng lao động vừa phải cũng là thể dục, sống gần với thiên nhiên cho tâm hồn sảng khoái. Ông thuê thợ máy "ục" thành một con sông chảy quanh co trong trang trại là để thả cá, cải tạo môi trường và cuối cùng là để đỡ nhớ con sông Gianh quê hương tuổi thơ tắm mát. Quê ông ở làng Thổ Ngọa thuộc TX. Ba Đồn.
 
Ông là hậu duệ nhiều đời của họ Trần nổi tiếng với hào khí Đông A thế kỷ XIII, XIV, trên đường tiến xuống phương Nam dừng chân ở bờ bắc sông Gianh. 40 năm cầm vô lăng, ông không ước lượng được quãng đường lăn bánh bằng bao nhiêu vòng quanh trái đất, những năm khói lửa chuyển được bao nhiêu tấn hàng và quân khí quân nhu phục vụ chiến trường.
 
Cũng như người anh trai, anh hùng Trần Chí Thành từng một mình bật đèn pha chạy, hút theo những tốp máy bay Mỹ để cứu đoàn học sinh K8 đang trên đường sơ tán ra Bắc. Vì bạn nghề, vì tập thể, ông không nề hà bất kỳ việc khó nhọc, nguy hiểm nào. Có lẽ vì vậy mà khi đến tuổi nghỉ hưu, ông không thể ngồi yên.
 
Ông nói: "Tôi biết diện tích lúa làm ra giá trị tiền bạc không phải nhiều, mà tôi cũng không cần tiền đến mức ấy. Nhưng nhìn bờ xôi ruộng mật bỏ hoang mà thanh niên suốt ngày ngồi quán cà phê là tôi chịu không được. Ông nội tôi dạy: "dĩ nông vi bản" (lấy nông nghiệp làm căn bản). Ai cũng bỏ ruộng ra phố thì rồi lấy gạo đâu mà ăn!?"
 
Cứ vài năm lại có một trận bão lớn làm cho cả vườn cao su nghiêng ngả. Ông dành hàng tháng trời đỡ dậy từng cây, nhẹ tay như chăm trẻ. Kết quả, cả vườn cây sống dậy như chưa hề thương tích. Cùng tôi đi dạo dưới vườn cao su, gặp mấy con bò hàng xóm đang gặm cỏ, ông kéo áo tôi tránh đi kẻo bò thấy người lạ…sợ. Tâm tính như vậy nên con trai, con gái ông trưởng thành cũng yêu lao động, dù có việc làm và thu nhập ổn định nhưng cũng không nề hà việc chân tay cùng ba mẹ vào các ngày nghỉ và có thể nhờ vậy mà sống tử tế.
 
Và, cũng không thể không kể về người vợ của ông. Cổ nhân nói “bần tiện chi giao bất khả vong/Phu thê tào khang bất khả hạ đường”, ý rằng: bạn bè thời thiếu thốn không nên quên, vợ chồng lấy nhau khi còn phải ăn tấm cám (tào khang là cám và bã rượu) thì không bao giờ ly dị. Vợ ông, bà Trần Thị Tiếp là cán bộ về hưu, một phụ nữ yêu lao động chăn nuôi, trồng trọt.
 
Và chính bà là hậu phương chăm bữa ăn, giấc ngủ và giữ niềm đam mê làm ruộng vườn cho ông. Chỉ ở trong một căn nhà cấp bốn, nhưng, như dân gian thường nói “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”, vợ chồng ông Nghĩa có hàng trăm mái nhà trong những ngày hè. Đó là những chiếc võng lưới mắc dưới những tán cây lộc vừng hay cây ăn quả thân gỗ, là những giàn bầu, bí, mướp và hơi mát tỏa lên từ mặt nước ao hồ hay con sông nhỏ quanh co trong vườn.
 
Lại nói về con sông nhỏ bao quanh trang trại và ao hồ trong vườn. Một sáng đầu hè, cùng tôi đi tản bộ dưới tán cao su, ông nghĩa cầm theo cái cuốc nhỏ. Khi tới những rãnh mương như những con suối nhỏ thoát nước, ông cúi người lom lom nhìn ngó rồi đào bới vài chỗ, đoạn ngẩng lên, mặt bần thần: "Cuối xuân năm nay, chim thợ rèn kêu nhiều, không khéo hạn nặng…"
 
Chim thợ rèn! Ông Nghĩa cho biết, con chim kêu giọng: “Đe re rét!" giống âm thanh mà dân gian gán cho thợ rèn “đập đe đập đét” nên người ta gọi là “chim thợ rèn”. Năm nào vào cuối mùa xuân mà chim thợ rèn kêu nhiều là năm đó hạn nặng. Lại nữa, đầu hè, khi các dòng suối nhỏ bắt đầu cạn nước, nếu thấy cá chạch (có khi cả cá quả-cá tràu) làm tổ trụ lại dưới lớp bùn ẩm là trời sắp có mưa. Nếu cá "rủ nhau" về sông lớn cả thì chắc nắng hạn còn lâu dài.
 
Tôi thực sự kinh ngạc với kiến thức nông nghiệp và khả năng “dự báo thời tiết" của ông. 18 tuổi xa quê, 40 năm cầm vô lăng nghênh ngáo chân mây góc núi, mới trở lại với vườn tược cây trái 10 năm, sao ông nạp được nhiều kiến thức thế? Hỏi, thì ông chỉ cười cười nói một câu đầy triết lý:
 
- Lao động nông nghiệp dạy cho chúng ta nhiều điều lắm, nhà văn ợ.
 
Tôi hỏi, 10 năm làm nông, ông thú nhất điều gì và việc gì khiến ông mệt nhất? Ông trả lời ngay như thể đã chiêm nghiệm kỹ lắm:
 
- Thú nhất là đêm trăng nằm mắc võng nghe cá quẫy dưới ao và mỗi sáng đi quanh trang trại nhặt trứng gà đẻ hoang. Mệt nhất là… chạy thóc trời mưa.
 
Rồi ông kể, hôm ấy, đang lái xe đi ngao du cà phê với bạn bè, trời bỗng nổi cơn giông, chợt nhớ mấy tấn thóc đang phơi trước sân vội đánh xe về, chạy quá tốc độ xuýt nữa bị phạt. Về nhà chạy hết số thóc vào nhà mệt phờ râu… Vừa lúc cuối vụ chiêm xuân, ông chỉ cho tôi xem đống thóc to lù lù đã khô khén ước chừng… 10 tấn. Rồi ông hẹn tôi, tới ngày trăng tròn lên cùng ông mắc võng nghe cá quẫy.
 
Ông nói: "Bọn hắn vùng dưới ao nghe như trâu bạng chắc." Trâu húc nhau dưới nước thì tôi đã chứng kiến từ thời thơ ấu, bây giờ không gặp lại nữa. Chắc tôi sẽ lên cùng ông nằm võng để nghe cá trắm cỏ, cá tràu vùng vẫy dưới ao trong đêm trăng, để tịnh tâm lắng lại thời thơ ấu xa xôi chăng!?
 
Bút ký Nguyễn Thế Tường
,
  • Bố Trạch: Tiếp nhận 69 công dân vào khu cách ly tập trung

    (QBĐT) - Tối 31-7, huyện Bố Trạch đã kích hoạt khu cách ly (KCL) tập trung 2 tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện (xã Trung Trạch) và tiếp nhận 69 công dân trở về từ các địa phương phía Nam.  

    31/07/2021
    .
  • Viên bi nhỏ... lăn giữa tâm dịch

    (QBĐT) - Thành phố Hồ Chí Minh qua hơn 60 ngày đối mặt với đại dịch Covid-19. Ngay giữa tâm dịch có một người con quê hương Quảng Bình đang ngày đêm đồng hành cùng bà con nghèo chống dịch. 

    31/07/2021
    .
  • Tặng quà cho bé sơ sinh 9 ngày tuổi cùng bố mẹ về quê tránh dịch

    (QBĐT) - Gần giữa trưa 31-7, vợ chồng anh Xồng Bá Xò (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) cùng con trai mới 9 ngày tuổi chạy xe máy từ Bình Dương trở về quê đã đến Chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 phía Nam tỉnh Quảng Bình tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy.

    31/07/2021
    .
  • Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu cách ly tập trung

    (QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với việc quan tâm, theo dõi sức khỏe, điều kiện sinh hoạt cho các cán bộ, chiến sỹ, công dân tại các khu cách ly y tế tập trung, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một trong những nhiệm vụ đang được thực hiện nghiêm ngặt tại những nơi này.
     
    31/07/2021
    .
  • Covid-19 và "bài toán" về hay ở?

    (QBĐT) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những ngày gần đây, nhiều lao động tại TP. Hồ Chí Minh đã về quê tránh dịch bằng xe mô tô. Đến thời điểm này, Quảng Bình có khoảng 500 người dân về quê bằng xe mô tô đang được cách ly. 

    31/07/2021
    .
  • Người dân dần thích nghi cuộc sống trong khu phong tỏa

    (QBĐT) - Hơn 1 tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại khu vực phong tỏa của phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, người dân đang từng bước vượt qua khó khăn, thích nghi dần với cuộc sống dưới sự giúp đỡ của cán bộ y tế, các cấp chính quyền, bảo đảm sinh hoạt thường nhật vẫn diễn ra ổn định.

    31/07/2021
    .
  • Cuộc sống trong khu phong tỏa ở Dân Hóa

    (QBĐT) - Hơn 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, với sự hỗ trợ giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức đoàn thể xã hội, hơn 2.000 người dân ở 3 bản Bãi Dinh, Y Leng và K.Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) đã từng bước vượt qua khó khăn, dần thích nghi với cuộc sống trong khu phong tỏa.

    30/07/2021
    .
  • Tuyên Hóa: Bé 5 tuổi nguy kịch do bị ong vò vẽ đốt

    (QBĐT) - Ngày 30-7, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, trên địa bàn xã vừa có một cháu bé bị ong vò vẽ đốt, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng hết sức nguy kịch.

    30/07/2021
    .