.

Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu

.
08:43, Thứ Bảy, 24/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua nhiều hình thức và nội dung phong phú.

Theo nghiên cứu của các cơ quan khí tượng, thủy văn quốc gia và địa phương, vài năm trở lại đây, khí hậu ở khu vực tỉnh ta đã có những dấu hiệu khác thường. Đó chính là sự gia tăng cả về tần số, cường độ và độ bất thường của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai do BĐKH.

Đây cũng chính là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng trên địa bàn. Rõ nhất là trong khoảng 30 năm trở lại đây, địa bàn Quảng Bình đã có sự thay đổi của khí hậu, các cơn bão trước đây vốn ít ảnh hưởng đến tỉnh ta thì nay lại xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, kèm theo mưa lớn và lụt.

Cùng với đó, nhiệt độ trung bình tăng 0,820C/năm và có chiều hướng tăng qua từng năm. Vào mùa mưa, tình trạng mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây nên lũ lụt nghiêm trọng; lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều và thường phát sinh bất ngờ.

Có thể thấy, tác động của BĐKH là vô cùng to lớn, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, thay đổi lượng mưa và phân bố mưa trên các vùng; gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; làm tăng nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh, ảnh hưởng tới khả năng thâm canh tăng vụ, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi...

Diễn biến bất thường của thời tiết do BĐKH đang có nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế của địa phương, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, sức khỏe con người và sinh kế của người dân.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, chúng ta đang gặp phải một số hạn chế trong ứng phó với BĐKH. Điều đó xuất phát từ thực tế là ý thức cộng đồng dân cư về BĐKH chưa cao; đời sống của người dân, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các thông tin về dự báo, cảnh báo thiên tai; cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH còn hạn chế...

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đào, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, từ nhận thức này, tỉnh ta đã khuyến khích các địa phương trong toàn tỉnh, doanh nghiệp phát triển kinh tế theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời chủ động đưa ra những giải pháp nhằm ứng phó với BĐKH.

Tỉnh đã ban hành kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp lưu vực sông Gianh và sông Nhật Lệ; cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; xây dựng hệ thống công nghệ số liên hoàn dự báo thời tiết và sóng biển, nâng cao năng lực phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng, củng cố đê, kè chống sạt lở và nước biển dâng.

Đồng thời, tỉnh định hướng ưu tiên các kế hoạch hành động cần triển khai để ứng phó với BĐKH, trong đó, ưu tiên nâng cao nhận thức về BĐKH, rủi ro thiên tai và các vấn đề vệ sinh, y tế công cộng; thực hiện các chương trình an toàn và xây dựng các kế hoạch quản lý thiên tai cho trường học; thực hiện các lớp tập huấn về BĐKH, quản lý rủi ro thiên tai; tuyên truyền cho cộng đồng nhận thức về ảnh hưởng tiềm tàng của BĐKH; tăng cường cây xanh cho các công viên và đường phố của thành phố, thị xã, thị trấn và các khu dân cư nhằm giảm nhẹ khí thải nhà kính…

Bám sát các kế hoạch của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến kế hoạch sự cố tràn dầu và Bản đồ nhạy cảm tỉnh Quảng Bình đã được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phê duyệt; phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Luật gia,... tổ chức 12 lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thích ứng với BĐKH, phòng, chống thiên tai và các văn bản Luật cho 2.280 người; tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Luật Đồng Hới...

Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các hội và các huyện, thị xã, thành phố triển khai rộng rãi, có hiệu quả các buổi mít tinh cũng như các chương trình, hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới…

Các hoạt động góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn.

Đặc biệt, Sở đã xây dựng Sổ tay tuyên truyền BĐKH cho các tổ chức chính trị-xã hội cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn về BĐKH và nước biển dâng; đồng thời, góp phần hỗ trợ công tác ứng phó với BĐKH ở địa phương.

Với cuốn sổ tay này, người dân sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức về BĐKH gồm: biểu hiện, nguyên nhân của BĐKH; tác động của BĐKH đến các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giáo dục; kinh nghiệm ứng phó và một số mô hình thích ứng với BĐKH đã được người dân triển khai trên địa bàn...

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên-môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho người dân, doanh nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó, tạo chuyển biến về nhận thức , hành động của cộng đồng, các tổ chức và cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.

  Thanh Hải
 

,