Để ca trù vang vọng mãi

  • 08:32 | Thứ Hai, 01/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vùng Bắc Quảng Bình là xứ sở của nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, nổi tiếng nhất là ca trù, một loại hình nghệ thuật thể hiện chiều sâu văn hóa của người Việt. Nơi đây có khá nhiều câu lạc bộ (CLB) ca trù hoạt động hiệu quả, như: CLB ca trù Đông Dương (xã Quảng Phương, TX. Ba Đồn), CLB ca trù xã Quảng Kim (Quảng Trạch), CLB ca trù xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn)... và phải kể đến CLB ca trù Linh Giang thuộc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông (VH-TT-TT) TX. Ba Đồn, nơi quy tụ toàn gương mặt trẻ có tuổi đời từ 25-40 tuổi.
 
CLB ca trù Linh Giang thành lập từ năm 2020, đến nay có 15 thành viên, trong đó có 5 đào nương, 1 kép đàn và một thành viên đảm nhận vị trí trống chầu...
 
Đào nương Phạm Thị Tuyết, công tác tại Trung tâm VH-TT-TT TX. Ba Đồn, Chủ nhiệm CLB ca trù Linh Giang là một trong những người thể hiện tốt kỹ thuật hát "nảy hạt" hay còn gọi là "đổ hột"-cách hát đặc trưng của ca trù. Được đào tạo bài bản tại một trường chuyên nghiệp ở Huế về dân ca và tham gia các khóa tập huấn về ca trù, Phạm Thị Tuyết nhanh chóng "cảm" và “say” rồi trở thành một đào nương có tiếng góp mặt trong nhiều chương trình biểu diễn ca trù của huyện, tỉnh...
 
Phạm Thị Tuyết chia sẻ: Ca trù kén cả người nghe và người hát. Muốn thể hiện tốt ca trù đòi hỏi người hát phải thực sự say mê, dày công tập luyện để hát đúng kỹ thuật, nhất là cách “ém hơi”, “nhả chữ”. Khó nữa là ca trù sử dụng ngôn ngữ cổ nên người hát phải đầu tư nhiều thời gian để hiểu nội dung và thuộc lời... Điều đặc biệt ở ca trù là khi đã hiểu được ý nghĩa sâu xa trong từng câu chữ, "thấm" các làn điệu là "kết".
 
Là hạt nhân của CLB, đào nương Phạm Thị Tuyết luôn trăn trở làm thế nào để ngày càng có nhiều người yêu ca trù nhằm bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của quê hương. Vì vậy, vừa hăng say luyện hát, Phạm Thị Tuyết vừa khích lệ, động viên tinh thần tập luyện cho các thành viên trong CLB.
Đào nương Phạm Thị Tuyết và Ngô Thị Trà Nhi luyện tập các làn điệu ca trù cổ.
Đào nương Phạm Thị Tuyết và Ngô Thị Trà Nhi luyện tập các làn điệu ca trù cổ.
Điểm thuận lợi nhất của CLB ca trù Linh Giang là đa số thành viên đều là giáo viên mầm non, giáo viên âm nhạc của các trường học trên địa bàn TX. Ba Đồn. Một số người được đào tạo bài bản tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp nên việc tiếp cận với ca trù không phải là vấn đề quá khó. 
 
Nói về việc bén duyên với ca trù, Đàm Thị Thơm, giáo viên Trường mầm non Quảng Thọ TX. Ba Đồn, thành viên trẻ nhất CLB ca trù Linh Giang cho hay: Vốn yêu thích dân ca, nhạc cổ nên em xin vào sinh hoạt tại CLB. Ban đầu, em cũng gặp rất nhiều khó khăn do không hiểu đặc trưng của loại hình nghệ thuật dân gian này nhưng khi được nghe chị Phạm Thị Tuyết và các thành viên trong CLB hát dần dần em đã yêu thích và quyết tâm tập luyện. Những buổi dạy học ở trường, em cũng thường lồng ghép việc tập hát dân ca cho học sinh.
 
Đào nương Ngô Thị Trà Nhi (Trung tâm VH-TT-TT TX. Ba Đồn) cũng là thành viên có nhiều năm gắn bó với âm nhạc truyền thống, nhất là ca trù. “Nghệ thuật hát ca trù không đòi hỏi đào nương thể hiện nhiều cử chỉ động tác mà phải thể hiện được biểu cảm của người hát trên gương mặt và giọng hát. Vì vậy, học hát ca trù không dễ nhưng vì có niềm đam mê nên chúng em đều cố gắng luyện tập, trau chuốt để thể hiện đúng và hay các bài ca trù cổ”, Trà Nhi bày tỏ.
 
Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm như các nghệ nhân gạo cội của ca trù Quảng Bình (nghệ nhân Dương Thị Điểm, CLB ca trù Đông Dương; nghệ nhân Lê Thị Liệu, CLB ca trù xã Quảng Trung...) nhưng bằng tình yêu dành cho ca trù, đào nương Phạm Thị Tuyết và các thành viên trong CLB đã chủ động xây dựng kế hoạch tập luyện, chuẩn bị tốt các chương trình biểu diễn dân ca và ca trù để tham gia những hội thi, hội diễn do tỉnh, huyện tổ chức.
 
Gần 4 năm hoạt động, CLB ca trù Linh Giang không chỉ bảo tồn, gìn giữ các giá trị độc đáo của âm nhạc truyền thống mà còn khơi dậy tình yêu dân ca trong giới trẻ. “Tôi mong rằng, ngày càng có nhiều người trẻ đến và ở lại với ca trù để những thanh âm có một không hai này mãi vang vọng với thời gian”, ông Trần Dương Sơn, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TX. Ba Đồn chia sẻ.

Ca trù là một trong những bộ môn nghệ thuật ra đời sớm trong kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, ca trù là loại hình âm nhạc hàn lâm, mang tính bác học, tính nghệ thuật cao, người hát phải vừa hát đúng kỹ thuật, tay vừa đập phách hòa quyện với tiếng trống chầu, đàn đáy. Để làm được điều đó, các thành viên trong CLB rất tích cực tập luyện, duy trì hình thức sinh hoạt vào các ngày cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật). Trong sinh hoạt, CLB chú trọng đến việc xây dựng các tiết mục biểu diễn, học kỹ thuật hát, gõ phách. Hiện tại, CLB đã thể hiện được nhiều thể cách khác nhau của ca trù, như: Hát cửa quyền, hát múa bỏ bộ, hát ả phiền 36 giọng…

Nhờ vậy, khi tham gia các chương trình biểu diễn, các thành viên trong CLB đều thể hiện rất nhịp nhàng cuốn hút khán giả cả phần nghe lẫn phần nhìn. Một số đào nương của CLB có giọng hát rất tốt, đoạt giải cao tại các cuộc thi. Đơn cử như tại Liên hoan ca trù toàn quốc (năm 2018) tổ chức ở Hà Tĩnh, đào nương Trần Thị Cẩm Vân (giáo viên Trường tiểu học số 2 Quảng Phúc) thành viên trong CLB tham gia trong đoàn ca trù Quảng Bình đã đoạt giải B tiết mục “Hát múa không gian cửa quyền chúc hỗ”; tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình năm 2023, đào nương Phạm Thị Mai Lành (giáo viên Trường mầm non Ba Đồn) đoạt giải A tiết mục ca trù “Mời rượu”.

Ca trù vừa dân gian lại vừa bác học nên không dễ sáng tác lời mới dựa trên giai điệu cổ như các thể loại dân ca khác. Vì thế, CLB chủ yếu vẫn hát những bài cổ xưa. Ngoài các buổi sinh hoạt tại CLB, mỗi thành viên đều tự tìm hiểu và học cách hát của các nghệ nhân qua nhiều bài ca trù cổ phổ biến trên mạng internet.
 
Chia tay CLB ca trù Linh Giang trong một ngày đông nắng nhẹ. Những lời ca, nhịp phách lúc trầm, lúc bổng, lúc dìu dặt, khoan thai, lúc nỉ non, níu kéo… lắng đọng mãi trong lòng người đi. Nhìn những gương mặt trẻ say sưa thả hồn theo từng lời ca, nhịp phách, chúng tôi tin rằng những đào nương, kép đàn trẻ trung của CLB sẽ tiếp nối nhau gìn giữ, trao truyền để ca trù luôn có sức sống bền lâu.
 
Các làn điệu dân ca nói chung, ca trù nói riêng từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa cộng đồng của người dân vùng Bắc Quảng Bình, nhất là trong các dịp Tết đến, xuân về, dịp lễ hội đầu năm. Song điều dễ nhận thấy là hầu hết các CLB đàn, hát dân ca, CLB ca trù trên địa bàn tỉnh đều có chung tình trạng là thiếu lực lượng kế cận, đa số nghệ nhân là người cao tuổi. Trong bối cảnh đó, CLB ca trù Linh Giang lại tập hợp được nhiều gương mặt trẻ có năng khiếu văn nghệ. Không ít người được đào tạo bài bản từ các trường chuyên nghiệp và điểm chung giữa họ là yêu thích dân ca, nhạc cổ.
       Nhật Văn

tin liên quan