Chủ đề biển, đảo trong văn học-nghệ thuật:

Mạch nguồn cảm xúc chưa bao giờ vơi cạn

  • 07:17 | Thứ Sáu, 22/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Biển, đảo là mảng đề tài lớn, hấp dẫn đối với văn học-nghệ thuật (VHNT). Từ tình yêu biển, đảo, yêu quê hương, đất nước, các văn nghệ sỹ (VNS) đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng bằng những rung cảm mạnh mẽ trước hiện thực cuộc sống.
 
Nghệ thuật cốt ở chất lượng
 
Với quan niệm đó, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình sáng tác không nhiều nhưng “chất”, tạo dấu ấn, “thương hiệu” cho riêng mình bằng các tác phẩm tạo hình độc đáo, hòa nhịp với dòng chảy nghệ thuật đương đại. Là tác giả của các tượng đài, tượng vườn, tượng được làm tại các trại sáng tác điêu khắc ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến còn có những giải thưởng quan trọng, đáng kể là những tác phẩm tạo hình về chủ đề biển đảo.
 
Đó là các tác phẩm: “Biển cả” giải B (không có giải A) khu vực Bắc miền Trung;"Sóng" giải khuyến khích triển lãm mỹ thuật toàn quốc; “Trái tim của biển”, giải A khu vực Bắc miền Trung và giải thưởng chính thức Hội Mỹ thuật Việt Nam; “Năng lực đối thoại” giải thưởng khu vực Bắc miền Trung. Ngoài ra, anh còn một số tác phẩm rất ấn tượng như: “Đảo bất khuất”, “Khúc tráng ca của biển”…  
Tác phẩm “Sóng” của Phan Đình Tiến
Tác phẩm “Sóng” của Phan Đình Tiến.
Chất liệu điêu khắc trong tác phẩm của anh khá đa dạng, từ đất nung, đá, xi măng, gỗ đến kim loại, dựa trên sự thích ứng của bố cục tác phẩm để biểu đạt tốt nhất hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm. Với Phan Đình Tiến, mỗi tác phẩm ra đời đều có sự chắt lọc, nung nấu, một sự thôi thúc từ nội tại, khiến anh đau đáu dồn hết tâm sức để thể hiện. Để mỗi tác phẩm chuyển tải một thông điệp riêng, không lặp lại những gì đã làm, không na ná với bất cứ ai, anh luôn tìm tòi cái mới, mới về ý tưởng, ngôn ngữ thể hiện và mới trong cảm xúc thẩm mỹ.
 
Đi giữa “biển đời”
 
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng là người có hàng trăm tác phẩm về đề tài biển, đảo, chiếm phần lớn trong gia tài sáng tác hiện tại của anh. Anh tâm sự: Có tình yêu đặc biệt với biển, buồn vui anh đều gửi gắm vào biển qua những bức vẽ. Anh vẽ rất nhiều, chủ yếu để thỏa niềm đam mê với nghề, với biển, đảo. Năm 2016, tại triển lãm Today (Hà Nội) tác phẩm “Đôi mắt của biển” của anh được giới chuyên môn đánh giá cao. Từ đó, anh vẽ về biển nhiều hơn. Dù đề tài rộng hay hẹp, anh đều dành nhiều thời gian để tìm kiếm tư liệu, xây dựng bố cục và thể hiện cho bằng được ý muốn của mình qua tác phẩm.
 
Sau thành công của triển lãm “Biển-Đời” tại Huế, năm 2019, Nguyễn Lương Sáng đang tập trung đầu tư cho “Biển-Đời II”. Đây là bộ tranh ghép khoảng gần 20m và trong tương lai có thể dài hơn. Bộ tranh kể về những câu chuyện của biển, đó là khung cảnh ven biển, vẻ đẹp vốn có của biển và các vấn đề về môi trường, chủ quyền, đời sống của ngư dân… 
 
Nguyễn Lương Sáng cho rằng, có thể xem đây là đợt sơ kết các sáng tác về đề tài biển, đảo giai đoạn đầu của anh. Mỗi bức tranh có một câu chuyện riêng và khi liên kết với nhau lại có sự hài hòa, kết nối trong nội dung, bố cục ví như những chương của một cuốn tiểu thuyết dài kỳ. Bộ tranh có giới hạn trên dưới nhưng không giới hạn về độ dài.
 
Nguyễn Lương Sáng chia sẻ: Đến một độ tuổi nhất định nào đó, với những trải nghiệm, cách nhìn mới, người nghệ sỹ tiếp tục tái hiện. Trong bộ tranh này, anh còn lồng ghép chân dung cha mẹ mình vào những phân cảnh, bởi anh cho rằng từ cuộc sống, trải nghiệm của chính bậc sinh thành đã cho anh nguồn cảm xúc khi thể hiện từng nét vẽ. Trước đó, tác phẩm “Mắt bão” của anh được Hội Mỹ thuật Việt Nam đưa vào bộ sưu tập mỹ thuật đương đại cũng vẽ về cha mình.
 
Màu sắc trong tranh Nguyễn Lương Sáng có tính biểu hiện mạnh mẽ, tạo ấn tượng thẩm mỹ cao. Nhìn tổng thể, mỗi bức tranh của anh đều có thông điệp riêng, có chiều sâu nội tâm và có sự giao thoa giữa trừu tượng và hiện thực. Thông qua “Biển-Đời” Nguyễn Lương Sáng kể về những câu chuyện của biển, thấy biển như đời sống con người, khi phẳng lặng, yên bình, lúc bão giông, quặn thắt…
 
“Tôi yêu biển, vì mỗi lần đến, biển đều mang lại nhiều ý tưởng, cảm xúc để rồi hình thành trong tôi những ý tưởng xây dựng các tác phẩm nghệ thuật”, Nguyễn Lương Sáng trải lòng.
 
Khơi nguồn cảm xúc
 
"Và biển gọi tên em" là tựa đề một tiểu thuyết mà nhà văn trẻ Trác Diễm (Hội VHNT tỉnh) đang thể hiện. Thông qua tác phẩm này, Trác Diễm gửi gắm nhiều nỗi niềm tâm sự. Đặc biệt, khi khắc họa, lột tả phức hợp tâm trạng của nhân vật nữ về một tình yêu son sắt, thuần khiết, sự đợi chờ, niềm luyến tiếc, niềm hy vọng… Tác phẩm cũng hướng tới một thông điệp mạnh mẽ rằng, chỉ cần nuôi dưỡng niềm tin, đức tin, có trái tim chân thật chỉ lối thì sẽ có hạnh phúc để rồi các nhân vật chính cùng nhau đi về phía biển, khi bình minh đang lên.
 
Trước đó, Trác Diễm có khá nhiều tác phẩm viết về người lính với biển, đảo và những mảnh đời cơ cực bám trụ ven biển quê hương... như trong các tác phẩm: “Người đàn bà vẽ hoàng hôn”, “Lặn ma”, “Bản tình ca không tên”, “Mù trời trắng cát” (tạp bút), “Cùng ngư dân ra khơi bám biển” (phóng sự) và tiểu thuyết đang in “Giấc hạc” nói về sự cố môi trường biển năm 2016.
 
Ngoài văn học, mỹ thuật, các chuyên ngành khác của VHNT như: Nhiếp ảnh, sân khấu biểu diễn, âm nhạc… cũng có rất nhiều tác phẩm chất lượng cao về đề tài biển, đảo. Ở lĩnh vực âm nhạc có các ca khúc tiêu biển như: “Bình minh nơi cửa biển” (nhạc sỹ Lê Đức Trí), “Tiếng nói Việt Nam trên đảo Trường Sa” (nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh), “Nhật Lệ trăng huyền thoại” (thơ Lý Hoài Xuân, nhạc Hoàng Sông Hương)… Âm nhạc Quảng Bình viết về biển, đảo như mạch nguồn chảy mãi trong lòng bao thế hệ với những giai điệu mượt mà, sâu lắng, khơi dậy tinh thần dân tộc cũng như tình yêu biển, đảo quê hương trong lòng người nghe.
 
Đối với nhiếp ảnh, bên cạnh các nghệ sỹ nhiếp ảnh có tiếng như: Lê Đức Thành, Thành Vương, Hoàng An… với nhiều tác phẩm ảnh đẹp về biển, thời gian gần đây, còn có gương mặt trẻ nhiều triển vọng trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật là Nguyễn Hải với rất nhiều tác phẩm ảnh về biển, điển hình như: “Bình minh trên biển”, “Biển Nhật Lệ”, “Biển Nhân Trạch”…
 
Hải chia sẻ, những ngày thời tiết đẹp, anh thường lên đường vào lúc 4 giờ 30 phút để đón bình minh trên biển nhằm ghi lại phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống người dân ven biển qua máy ảnh. Mỗi bãi biển qua góc chụp, cách thể hiện của Nguyễn Hải đều mang vẻ đẹp riêng, trong đó, tác phẩm “Đá Nhảy về đêm” đã tạo được nhiều ấn tượng về du lịch Quảng Bình tại triển lãm ảnh quốc tế lần thứ 66 (năm 2019) tổ chức tại Singapore.
 
Có thể nói, các tác phẩm VHNT ghi dấu sự dấn thân của đội ngũ VNS tỉnh nhà trong lao động nghệ thuật, thể hiện sâu sắc tình yêu biển, đảo, một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.
 
Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT cho biết: Biển, đảo là đề tài hấp dẫn, có sức hút đặc biệt đối với VNS tỉnh nhà, thể hiện qua nhiều tác phẩm trên tất cả các lĩnh vực của VHNT. Khi thể hiện đề tài này, các tác giả gửi gắm vào đó nhiều thông điệp về ý thức bảo vệ chủ quyền, bảo vệ môi trường, thể hiện khát vọng vươn lên và tình yêu quê hương, đất nước. Thời gian tới, Hội VHNT sẽ tạo điều cho hội viên tham gia các trại sáng tác nhằm động viên, khuyến khích, tạo chất xúc tác để VNS sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng về đề tài này góp phần quảng bá hình ảnh, quê hương, con người, tiềm năng du lịch Quảng Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế.
                                                                                     
Nh. V

tin liên quan

Lập hồ sơ hai di sản văn hóa tiêu biểu đệ trình UNESCO

Thủ tướng đồng ý triển khai lập Hồ sơ di sản đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật Chèo Đồng bằng sông Hồng và Võ cổ truyền Bình Định, đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Phát hành tác phẩm về các bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italy

Dịch giả Sandra Scagliotti bày tỏ tự hào khi góp phần chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa các thông điệp và sự "trang trọng, phẩm giá" trong mỗi bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với độc giả tại Italy.

Nắng bừng phía mơ

(QBĐT) - Ta ngồi vẽ nhớ tròn đêm
Giấc mơ chợt sáng, môi mềm có hay.