Lặng lẽ Hoàng Thái Sơn

  • 08:52 | Thứ Năm, 08/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà văn Hoàng Thái Sơn sinh năm 1942, quê xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ. Trước lúc trở thành nhà văn, ông là thầy giáo dạy văn cấp 3 (THPT) có uy tín. Và trước lúc thành nhà giáo, ông là lính Hải quân, đánh trận đầu ngày 5-8-1964 với máy bay Mỹ. Nhiều thế hệ học sinh cấp 3 các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch những năm 1974-1996 còn nhớ mãi hình ảnh người thầy dong dỏng cao, mắt sáng, giọng nói chậm rãi, truyền cảm đã giúp họ hiểu sâu sắc thêm những câu thơ, áng văn hay.
 
Hai mươi lăm năm cầm phấn đứng bục giảng, Hoàng Thái Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". Nhưng, qua tâm sự với ông được biết, ông đam mê việc viết văn từ thời sinh viên. Ông là em trai nhà giáo, nhà thơ, liệt sỹ Xích Bích (tên khai sinh: Hoàng Bình). Từ chối làm hiệu trưởng để có thời gian sáng tác, song ông không từ chối làm Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ để được gần gũi các bạn văn.
 
Năm 1991, tiểu thuyết "Nơi bắt đầu có gió" của ông ra đời, gây xôn xao dư luận, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng thưởng giải ba về văn xuôi. Đồng thời với việc viết tiểu thuyết, ông liên tục cho in truyện ngắn trên các báo, tạp chí. Truyện ngắn đầu tiên của ông đăng Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1992 là "Dẫu lìa ngỏ ý".
Hai cuốn tiểu thuyết ghi dấu ấn của nhà văn Hoàng Thái Sơn.
Hai cuốn tiểu thuyết ghi dấu ấn của nhà văn Hoàng Thái Sơn.
Đến nay, nhà văn Hoàng Thái Sơn đã in 7 tập truyện ngắn và 3 cuốn tiểu thuyết. Ông đã nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, 3 lần nhận giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Lưu Trọng Lư của UBND tỉnh Quảng Bình, giải thưởng truyện ngắn hay các cuộc thi do Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên, Nhật Lệ, Cửa Việt, Hồng Lĩnh, Nha Trang tổ chức.
 
Truyện ngắn là thế mạnh của ông, đã theo ông suốt cả đời văn. Bên cạnh việc sáng tác, thỉnh thoảng, ông còn viết lý luận phê bình. Ông có bài được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. Gần đây nhất là bài “Thử đi tìm một bí mật văn chương: Vì sao Thúy Kiều không gảy đàn cho Từ Hải nghe” (đăng Báo Văn nghệ), rất có sức thuyết phục!
 
Đọc tác phẩm của Hoàng Thái Sơn, chúng ta thấy từng trang văn đều có mối liên hệ với từng con người, mảnh đời mà chúng ta đã gặp đâu đó. Mỗi nhân vật trong tác phẩm của ông có cá tính, tâm trạng, số phận riêng. Tiểu thuyết của ông đã phản ánh khá sinh động đời sống xã hội giai đoạn chuyển đổi cơ chế đầy nghiệt ngã. Ở đó, mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể luôn xảy ra sự xung đột.
 
Cũng ở đó, bên cạnh những người tốt, vẫn có kẻ cơ hội tìm cách luồn lách, lợi dụng kẻ hở pháp luật để “đục nước béo cò”, thăng quan tiến chức. Thấp thoáng ở nhân vật này, nhân vật kia hoặc cảnh vật ông miêu tả, người đọc nhận ra nguyên mẫu có ở đất Quảng Bình, trong lĩnh vực giáo dục hay cơ quan, trường học ông từng công tác.
 
Truyện ngắn của Hoàng Thái Sơn trong sự liên kết lại có một hiện thực tương đối rộng, đa dạng, phức tạp và hỗn độn, gắn với cuộc sống và những thân phận không giống nhau. Có những câu chuyện hướng về lịch sử, cội nguồn dân tộc, có những câu chuyện tình lãng mạn, cũng có những chuyện nói về tình quê hương, đất nước, chiến tranh và việc bảo vệ Tổ quốc.
 
Ông không ngại “mổ xẻ” những bi kịch, mất mát, hy sinh do chiến tranh gây ra. Truyện của Hoàng Thái Sơn giàu tính nhân văn, ẩn chứa nhiều yếu tố kỳ ảo mà vẫn rất gần với cuộc sống đời thường. Nhiều truyện hướng người đọc đến những điều tốt đẹp, cao thượng. Phong cách kể chuyện của ông khá thú vị. Ông luôn có những ẩn ý sâu sắc và đặt ra những câu hỏi cho người đọc, để người đọc tự trả lời. Những yếu tố bất ngờ trong truyện được tác giả bí mật giữ kín cho đến khi kết thúc, tạo sự hấp dẫn người đọc.
 
Nhiều đoạn văn trong truyện của ông giàu chất thơ; câu văn và từ ngữ chuẩn xác, gợi cảm. Ông quan niệm: Nhà văn trước hết phải là người tử tế. Văn chương phải gắn bó máu thịt với cuộc đời, phải góp phần làm cho con người sống đẹp, biết yêu thương nhau. Có thể kể ra một số truyện ngắn hay, tâm đắc của ông, như: "Lửa đêm", "Dẫu lìa ngỏ ý", "Người đàn bà kỳ lạ", "Cái kính", "Chấy Nữu Uớc"…
 
Năm 2020, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in bao cấp cho ông tuyển tập truyện ngắn "Chuông gió" gồm 23 truyện, có nhuận bút, mang đến cho ông sự an ủi, động viên sau khi qua cuộc đại phẫu tim tại thành phố Hồ Chí Minh về. Nếu in toàn tập (tiểu thuyết, truyện ngắn và lý luận phê bình), sách của ông dày mấy nghìn trang. Việc làm này đối với ông thật khó thực hiện, bởi sức khỏe của ông không cho phép. Bệnh đau tim luôn đe dọa tính mạng của ông.
 
Nhà văn Hoàng Thái Sơn là người có vốn kiến thức rộng, uyên thâm. Tính ông khiêm nhường, thích sống lặng lẽ. Những điều ông nghĩ và những gì cần nói, ông tìm cách đưa vào trang viết. Trong con người ông có một phần phong độ nhà giáo, một phần phong độ nhà văn. Đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà và cho quê hương Quảng Bình thật đáng ghi nhận!
 
Lý Hoài Xuân