"Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca"

  • 09:11 | Chủ Nhật, 14/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dựa lưng vào dãy núi Trường Sơn, ngoảnh mặt ra biển Đông, Quảng Bình không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn là xứ sở của nhiều làn điệu dân ca độc đáo. Những điệu hò, câu ví và từng lời ru ngọt ngào, đằm thắm… đã trở thành một phần trong đời sống lao động và sinh hoạt của người dân ở mỗi vùng quê.
 
Ai lên Minh Hóa mà nghe
 
Minh Hóa, vùng quê miền sơn cước không chỉ làm cho bao người say bởi “chè xanh, mật ngọt” mà còn níu giữ bước chân những ai từng đến bởi những câu dân ca thấm đẫm hương đất, tình người.
 
Độc đáo, phổ biến nhất ở Minh Hóa là điệu hò thuốc cá (hò thuốc), xuất phát từ nghề thuốc cá tập thể bằng cách đâm nhỏ rễ cây "tèng" rồi chế thành thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá và điệu hát giao duyên đúm, ví. Ngày nay, hò thuốc cá và hát đúm, ví thường được diễn xướng trong các cuộc vui như liên hoan, gặp mặt, lễ hội, đám cưới và cả khi ru con.
 
Một hình thức sinh hoạt nghệ thuật dân gian mang tính nghi lễ phong tục lâu đời của người Nguồn Minh Hóa và một số nơi khác của tỉnh Quảng Bình, đó là hát sắc bùa. Điệu hát này thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Phường hát đi đến từng nhà để hát chúc các gia đình sang năm mới, gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt...
 
Ngoài ra, ở Minh Hóa còn tồn tại nhiều hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo khác. Các giá trị đó luôn được người dân Minh Hóa, trong đó có vai trò rất lớn của các nghệ nhân dân gian như: Đinh Thị Phương Đống, Trần Khánh Nguyên, Đinh Thị Thoan… gìn giữ và lưu truyền, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của quê hương.
Ở sân khấu nào, văn nghệ dân gian cũng thu hút thu người xem bởi sự mộc mạc và bản sắc văn hoá riêng
Ở sân khấu nào, văn nghệ dân gian cũng thu hút thu người xem bởi sự mộc mạc và bản sắc văn hoá riêng
“Báu vật” vùng bắc Quảng Bình
 
Quảng Bình còn là cái nôi của nghệ thuật ca trù, phổ biến nhất là các địa phương vùng bắc của tỉnh. Theo các tài liệu cổ và nhiều bậc cao niên, ca trù cổ du nhập vào Quảng Bình khoảng 300 năm trước, chủ yếu do những nghệ nhân, nông dân từ miền Bắc vào khai khẩn đất hoang, lập nghiệp.
 
Làng Đông Dương, xã Quảng Phương là vùng đất mà ca trù đã cắm rễ và sản sinh ra một hình thức mới mẻ, phù hợp với đời sống, phong tục, tập quán của người dân bản địa. Người làng Đông Dương thường kể về cố nghệ nhân ca trù đáng kính Phạm Thị Thứu với nhiều câu chuyện rất xúc động. Chuyện kể rằng, một sáng mùa đông năm 2009, thay vì nằm sưởi ấm bên bếp than hồng như mọi ngày, cụ Thứu ngồi dậy, bảo con cháu đi mời lớp kép thứ đến nhà “có chuyện”.
 
Khi mọi người quây quần bên cụ, cụ liền hát và kể xuất xứ từng bài ca trù cổ cho lớp đàn em nghe. Cuộc hát và kể lại chuyện xưa kéo dài suốt một ngày đêm. Giọng cụ lúc ấy đã rất yếu nhưng vẫn ngân vang từng câu, từng chữ. Nhiều người vừa nghe cụ hát vừa nâng vạt áo để chặn những giọt nước mắt. Đến 4 giờ sáng hôm sau, cụ thở gấp một lúc rồi ra đi thanh thản. Mọi người nhớ như in hình bóng của cụ, ghi nhớ từng lời cụ dặn "cùng nhau giữ lấy ca trù, đừng để mai một" nên quyết tâm gìn giữ, phát triển.
 
Đến nay, Câu lạc bộ (CLB) ca trù Đông Dương đã tập hợp được nhiều ca nương và kép trẻ, xây dựng nên những chương trình phong phú để biểu diễn phục vụ bà con trong và ngoài tỉnh. Các thế hệ kế cận của cố nghệ nhân Phạm Thị Thứu và các thành viên trong CLB đang tiếp tục trao truyền để những làn điệu ca trù cổ của làng ngày càng được vang xa.
 
Ngoài làng Đông Dương, còn có nhiều làng quê khác có các CLB ca trù hoạt động khá hiệu quả như CLB ca trù xã Quảng Kim, CLB ca trù Ba Đồn, CLB ca trù xã Quảng Trung… Bên cạnh những gương mặt xuất sắc như nghệ nhân ưu tú (NNƯT) ca nương Dương Thi Điểm, NNƯT Hồ Xuân Thể (CLB ca trù Đông Dương); nghệ nhân Trần Văn Duễ (CLB ca trù Phong Châu, Châu Hóa, Tuyên Hóa)…, ca trù ngày nay còn có nhiều gương mặt mới đầy triển vọng với kỹ thuật hát khá tốt như đào nương Phạm Tuyết (CLB ca trù Ba Đồn), đào nương Nguyễn Thị Linh (CLB ca trù Quảng Kim)...
 
Không chỉ sở hữu chất giọng đẹp, thể hiện khá tốt kỹ thuật hát ém chữ, nhả chữ, nảy hạt và các nốt ngân riêng có của ca trù, các đào nương trẻ còn khiến nhiều người bất ngờ, cảm phục bởi phong cách biểu diễn rất chuyên nghiệp. Ở CLB ca trù Đông Dương và một số CLB thuộc các địa phương vùng bắc Quảng Bình hiện có rất nhiều đào nương đang độ tuổi thiếu nhi, đa số là con, cháu của các nghệ nhân.
 
Các nghệ nhân đã nỗ lực truyền dạy cho tất cả những ai yêu thích ca trù, bởi họ biết rằng đó là cách duy nhất để “báu vật” của làng mãi được lan tỏa, lưu truyền trong dân gian.
Sở hữu nhiều tài năng, CLB ca trù Đông Dương luôn tạo ấn tượng trong lòng người xem qua các tiết mục biểu diễn.
Sở hữu nhiều tài năng, CLB ca trù Đông Dương luôn tạo ấn tượng trong lòng người xem qua các tiết mục biểu diễn.
Yêu câu hò xứ Lệ
 
Đó là tên một CLB hò khoan nổi tiếng ở huyện Lệ Thủy do NNƯT Đặng Thị Hồng Hới làm chủ nhiệm. Có thể nói, đây là CLB phát triển nhất trong tất cả các CLB đàn, hát dân ca trên địa bàn tỉnh. CLB này còn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát huy, quảng bá “đặc sản” của quê hương đến với bạn bè trong, ngoài tỉnh và quốc tế. Ngoài việc sở hữu những giọng ca tốt, CLB còn đầu tư khá đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, tạo cho thành viên mua sắm flycam để tiện cho việc dựng các video clip.
 
Cùng với việc truyền dạy hò khoan cho các cơ quan, đơn vị, trường học, các CLB trên địa bàn huyện, CLB còn tạo tài khoản riêng trên mạng xã hội để đăng tải các video clip, phục vụ nhu cầu thưởng thức hò khoan của người dân, nhất là những người Việt đang học tập, làm việc ở nước ngoài. NNƯT Hồng Hới và các thành viên trong CLB đã thể hiện nhiều tác phẩm có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, phòng chống đại dịch Covid-19 như: Đất nước vững niềm tin, Xuân về trên quê hương, Ơn nghĩa sinh thành, Chung tay đẩy lùi đại dịch… và nhiều điệu hò giao duyên mừng các đôi uyên ương, hò đưa linh để tiễn người về nơi an nghỉ cuối cùng… thu hút rất nhiều lượt người xem, chia sẻ trên mạng xã hội facebook.
 
Người Lệ Thủy thường nói “không biết hát, không thấu hiểu, không yêu mến hò khoan không phải người xứ Lệ” nên dù có đi đâu, lập nghiệp ở xứ nào thì những câu hò khoan của quê hương vẫn ngấm vào giọng nói, là nỗi nhớ, niềm thương. Vì thế mà nhiều người con Lệ Thủy khi xa quê vẫn mang theo bên mình câu hò của xứ sở.
 
Nghệ nhân dân gian Việt Nam Võ Thị Hồng Liên, quê ở xã An Thủy (Lệ Thủy), lấy chồng, lập nghiệp xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) nhưng vẫn luôn mang theo bên mình những câu dân ca xứ Lệ, vui hay buồn, bà đều trải lòng theo các làn điệu bằng cái giọng quê mộc mạc, ngọt ngào. Bà và những người tâm huyết với văn hóa làng đã lập nên CLB đàn, hát dân ca xã Vạn Ninh và xây dựng nên nhiều chương trình biểu diễn hò khoan Lệ Thủy, dân ca Bình-Trị-Thiên đặc sắc, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Nhiều người con Lệ Thủy sinh sống, lập nghiệp ở xứ người cũng lập nên các CLB hò khoan, tiêu biểu như CLB hò khoan Lệ Thủy TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk…
 
Trong hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh có kể một câu chuyện xúc động về tình yêu của Bác dành cho những khúc dân ca. Chuyện kể rằng, vào những giây phút cuối cùng trong cuộc đời của mình, Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mong muốn được nghe một câu hò xứ Huế, một câu hát ví, giặm Nghệ Tĩnh, hay một làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh... Bác muốn mang theo những hình ảnh thân thương của quê hương, đất nước, mang theo những âm hưởng dân ca thắm đượm tình quê cùng mình vào cõi vĩnh hằng. Câu chuyện xúc động ấy đã được nhạc sỹ Trần Hoàn kể lại bằng bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” với lời nhắc nhở cuối cùng rằng: “Muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”.
 
Bằng tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, mỗi người dân trên mọi miền quê mà vai trò hạt nhân là các nghệ nhân dân gian, những người “làm kiếp con tằm nhả tơ” đang ngày đêm gìn giữ, trao truyền những câu dân ca kết tinh từ giọt mồ hôi của người lao động, nơi lắng đọng tinh hoa của bản sắc văn hóa của dân tộc và là điểm tựa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình cho rằng: Quảng Bình là vùng đất giàu tiềm năng văn hóa văn nghệ dân gian. Các loại hình văn nghệ dân gian bản địa xưa cũ còn lưu lại rất phong phú, phân bố đều khắp các vùng, miền như: ca trù, hát Kiều, hò phường nón… (vùng đồng bằng), hát đúm, hát ví… (vùng miền núi), hò khoan, hò chèo cạn, hò nậu xăm… (vùng biển).  Tôi nghĩ rằng, nếu được quan tâm khai thác ứng dụng các tinh hoa văn hoá dân gian trong hoạt động du lịch sẽ tạo nên sức hấp dẫn, góp phần thu hút du khách.
 
                                                                                      Nh.V