Kỳ vọng những cây bút trẻ

  • 09:36 | Chủ Nhật, 13/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làm nên bề dày lịch sử văn học Quảng Bình là sự góp sức của những tên tuổi như: Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Nguyễn Thế Tường, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Quang Vinh... Họ là niềm tự hào của văn học Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Các đội ngũ kế cận như Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên, Đỗ Thành Đồng, Trương Thu Hiền, Trần Thị Huê... cũng đã và đang khẳng định ngòi bút của mình với sự trẻ trung, tinh nhạy, hoạt bát, năng nổ và có cả "sự nổi loạn", bứt phá đầy táo bạo. Họ sẽ là lực lượng kế cận, mang đến nhịp điệu mới, cái nhìn mới cho "cánh đồng chữ". Vì thế, nếu thiếu sáng tác của những người viết trẻ thì văn học Quảng Bình sẽ có một khoảng trống không thể nào lấp đầy.
 
Phát triển văn học, tiếp cận cái mới, rồi tiếp tục làm mới bao giờ cũng là nhu cầu tất yếu. Văn học Quảng Bình cần có sự chuyển giao giữa các thế hệ để bảo đảm tính phát triển của văn học. Nhưng làm thế nào để sáng tác của những người viết trẻ thực hiện được tốt nhất nhiệm vụ chuyển giao giữa các thế hệ?
 
Tính từ độ tuổi 35 trở lại, chúng ta có thể kể đến hai gương mặt đã xuất bản tác phẩm như Trác Diễm (văn xuôi, đã có 5 đầu sách: tiểu thuyết Hồn lau trắng, Tiếng vọng Ma Coong, Đất khát, truyện ngắn Người đàn bà vẽ hoàng hôn, Cây đời và tiểu thuyết Giấc hạc đang sắp sửa in), Mai Như Quỳnh (Suzu Fukazime) (tiểu thuyết Thừa nhận đi, cậu yêu tôi, phải không?, Vấp phải ổ sói, thịt nát xương tan (aka nhật ký dạy vợ)). Mặc dù chưa in sách, nhưng Hoàng Thúy, Nhung Nhung (thơ), Lê Hương (phê bình) đang là những cây bút sung sức, triển vọng.
 
Nếu xét độ tuổi dưới 40 và nhỉnh hơn 40 một chút, có Bùi Thị Diệu, Phạm Thùy Ngân, Ngô Mậu Tình, Nguyễn Xuân Hoàng (thơ), Nguyễn Thị Hiểu (văn xuôi, chủ yếu là tản văn). Các cây bút này hiện chưa trình làng công trình nào. Như thế, số lượng những người viết trẻ Quảng Bình mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Nhưng có thể thấy, mỏng về số lượng, còn chất lượng thì không hề. Hầu hết sáng tác của các cây bút này đều đã xuất hiện ở các tờ chuyên ngành từ địa phương đến Trung ương. Có nhiều tác giả còn thử sức nhiều thể loại khác nhau và đã được tin tưởng. Trong số này, Trác Diễm là gương mặt nổi bật nhất, đầy nội lực. Trác Diễm sẽ còn gặt hái nhiều hơn nữa.
Nếu thiếu sáng tác của những cây bút trẻ thì văn học Quảng Bình sẽ có một khoảng trống không thể nào lấp đầy.
Nếu thiếu sáng tác của những cây bút trẻ thì văn học Quảng Bình sẽ có một khoảng trống không thể nào lấp đầy.
Sáng tạo là hoạt động độc lập, tự thân. Nhưng không có nghĩa, người sáng tác cố thủ, khư khư ôm lấy những gì chỉ thuộc về mình. Người sáng tác phải nhìn ra, nhìn khắp, phải đọc của người khác, để nắm bắt đời sống văn học trong quá khứ và hiện tại, trong nước và ngoài nước... Do vậy, việc tiếp thu, học hỏi, chịu ảnh hưởng từ những "cây đa, cây đề" trong sáng tạo là tất yếu.
 
Người viết trẻ không thể đi dưới bóng của thế hệ đàn anh mà phải tách ra, nhập cuộc, song hành. Đây là một đòi hỏi có tính chất thiết yếu song không đơn giản thực hiện tức thì mà phải có quá trình học hỏi, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức. Đường đi của những người viết trẻ sẽ còn dài, còn nhiều chông gai, nếu không thực sự đam mê thì cái mác người viết trẻ chỉ là nhất thời, kiểu như hàng hóa có hạn sử dụng.
 
Sống trong thế giới toàn cầu hóa, thế hệ đi trước và thế hệ sau này dường như có một điểm chênh nhất định. Chính sự sung sức, táo bạo, nhạy bén mà những người viết trẻ tiếp thu các khuynh hướng, trào lưu mới nhanh hơn, nên sáng tác của họ thường mang đến làn gió mới, hơi thở mới, diện mạo mới.
 
Nên, trong đánh giá, chúng ta không “độc quyền thẩm định”, lấy cái cũ mà xét nét cái mới, cần bỏ qua thái độ hoài nghi, dè chừng, tránh sự vùi dập để sáng tác của những người viết trẻ có cơ hội tập dượt, tự đứng dậy sau mỗi lần ngã. Họ cần sự quan tâm, ưu ái, khích lệ, động viên để tiếp tục sứ mệnh "giữ lửa" văn chương.
 
Trước khi tác phẩm ra đời, đến với công chúng, bản thân mỗi người nghệ sỹ phải tự kiểm duyệt và chịu trách nhiệm trước sự kiểm duyệt của chính mình. Nghĩa là, trong nhà văn cần có sự tồn tại của một nhà phê bình hoặc ít nhất cũng có khả năng phân tích. Bởi, chỉ sáng tác theo bản năng, ăn mòn, đào xới bản năng, hẳn đến một ngày, vốn liếng riêng ấy cũng nhanh chóng cạn. Sáng tác bắt đầu bằng cảm xúc, bằng cảm tính, bằng bản năng, sau đó, người viết cần nhìn lại, rà soát bằng lý tính, sự lập luận.
 
Cái lý tính không tự dưng mà có, nó là kết quả của quá trình đọc, tiếp thu và phản biện. Có nền tảng lý luận thì mới có tư duy phản biện, tránh sự bảo thủ, lạc hậu trong sáng tác. Phản biện, tranh luận để lớn lên, làm mới mình, biết người, biết ta. Vì sáng tạo là chấp nhận mọi sự tương tác, đối thoại.
 
Và chuyện sáng tạo là chuyện của đường dài. Nếu chúng ta luôn tự hào, tự kiêu với bản năng mà tạo hóa ban cho chúng ta, không biết vun vén, nhận thêm kiến thức của mình, tất yếu, sản phẩm làm ra sẽ rơi vào tình trạng èo uột, thiếu sức sống, nhẹ ký. Những người viết trẻ có nội lực, nhưng biết giữ và gia tăng sức mạnh của nội lực, đó mới là điều quan trọng.
 
Nhìn nhận một cách khách quan, sáng tác của những người viết trẻ Quảng Bình quá ít ỏi, quá khiêm tốn. Nếu so sánh với các địa phương xung quanh, ví dụ như Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, những người viết trẻ Quảng Bình không nhỉnh hơn bao nhiêu.
 
Lực lượng và chất lượng sáng tác của họ ở thời điểm hiện tại chưa đủ khả năng để so sánh với các thế hệ đi trước, nhưng, với sự nhạy bén, tâm huyết cùng sự năng động, mạnh dạn, dũng cảm..., họ là những nhân tố hứa hẹn kiến tạo, khai phá những vùng đất mới, những giá trị thẩm mỹ mới bằng tư duy mới, bản lĩnh, sắc sảo, tinh nhạy, có chủ kiến, có học thuật. Tin rằng, đội ngũ trẻ kế tục ắt sẽ bồi đắp, làm nên diện mạo và không khí sôi động cho văn học Quảng Bình.
 
Hoàng Thụy Anh