Chuyện nơi hẻm nhỏ

  • 08:59 | Chủ Nhật, 06/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bữa xưa cái máy tính trở chứng, sau mấy ngày vật vã ở tiệm thì chết hẳn, màn hình đen ngòm. Chú thợ sửa máy tính bảo, như này là mất hết dữ liệu, chị có gì quý giá trong máy không? Tôi ngậm ngùi nhìn cái máy tính vô tri đã mang theo bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện dở dang, mà có lẽ nhiều nhất là hình ảnh về những con hẻm ở quê và cả ở phố, nơi mỗi lần đi qua tôi vẫn như bị níu chân…
 
Vậy rồi sau những tuyệt vọng, tôi lên mạng tra google và lục tìm trong mail. Mãi rồi cũng tìm thấy bài viết của chính mình nhiều năm trước. Bài viết kể về ngôi làng ở quê với những con hẻm rêu phong, những cổng nhà có mái che cũ kỹ, nơi mọi người có thể dừng chân nghỉ ngơi khi mỏi mệt, nơi có những hẹn hò và cả biệt ly…
 
Khi đọc lại bài viết cũ của chính mình, bỗng dưng tôi chợt nhận ra rằng so với chiếc máy tính vô tri kia, ký ức là một điều kỳ diệu, có thể lưu trữ nhiều thứ trong quãng thời gian dài như thế mà không hề bị hỏng hóc. Nên dù trong máy tính cũ không có hình con hẻm ở quê khi tôi còn rất nhỏ, thì tôi vẫn nhớ như in những buổi trưa, buổi chiều hoa thị rơi đầy con hẻm, mùi ổi chín vương vít trong không gian. Chú hàng xóm đi biển về ngang qua phát cho mỗi đứa con ghẹ, con tôm, cả bọn háo hức nhen lửa nướng, mùi thơm bay đầy hẻm nhỏ.
Hẻm nhỏ bình yên.
Hẻm nhỏ bình yên.
Hẻm có cây thị cổ thụ trầm tư đứng đó, chứng kiến những tháng ngày nhọc nhằn của thế hệ ông bà, mẹ cha rồi tới đám trẻ chúng tôi từ lúc sinh ra, lớn lên, trưởng thành và rời đi. Cứ tới mùa hè hoa sẽ rụng trắng đường, mùa thu trái thị vàng thơm đầy hẻm. Hẻm cũng là nơi hẹn hò của chị Yến, anh Long, tình yêu của hai người khiến lũ trẻ chúng tôi hồi hộp, mong chờ, tò mò, háo hức. Khi chị Yến rời quê ra phố, tự dưng con hẻm rộng thênh, nhất là những đêm trăng sáng, chúng tôi len lén nhìn anh Long đi về một mình, những trái tim bé nhỏ có chút mất mát mơ hồ...
 
Mấy năm sau, anh Long đám cưới rồi xây một ngôi nhà đẹp, hẻm vui hơn nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn hỏi nhau không biết chị Yến giờ ra sao, có khi nào nhớ tới bọn mình và con hẻm đầy hương ổi, hương thị và cả mùi tôm, ghẹ nướng… Hồi đó, tôi cũng đã biết đọc thơ Nguyễn Phan Hách, nên giữa những thắc mắc của đám bạn hàng xóm về cuộc chia tay của hai người, tôi mang thơ ra lý giải, rằng: “Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt/Vậy mà tan trong sương gió mong manh/Tại vầng trăng, tại em hay tại anh?” có thể là bởi “Tại sang đông không còn hoa sữa…”, đại loại thế. Giống như trong thơ, mùa đông hẻm của bọn mình cũng không còn hoa thị rụng trắng đường, nên hun hút buồn!
 
Thuở ấy, nhà trong hẻm nhỏ chẳng mấy khi cần đóng cửa. Hàng rào giữa hai nhà cũng chỉ đơn sơ ít đá san hô xếp chồng lên nhau và bên trên dây mồng tơi quấn quýt nhưng chẳng có câu chuyện tình “nhà nàng ở cạnh nhà tôi” nào nữa. Sau tình yêu của anh Long, chị Yến thì chẳng đứa nào kịp yêu nhau mà vội vàng rủ nhau ra phố đi học, đi làm rồi yêu người ở phố. Lâu lâu về quê đúng mùa hoa thị hay mùa ổi chín, loay hoay chụp mấy bức hình post facebook, zalo, lòng ngậm ngùi thương nhớ…
 
Hẻm cũng dần đổi thay khi những người già lần lượt rủ nhau rời đi và bọn trẻ thì lớn lên, lấy chồng, lấy vợ. Tôi và nhiều bạn bè sau bao năm bôn ba nơi phố thị, đứa thành đạt nhà mặt tiền đường lớn hay khu nhà vườn, biệt thự, đứa nhọc nhằn loay hoay trong những con hẻm ở phố phường xa lạ. Nhưng có một điều rất lạ và đầy an ủi, đó là bạn bè ở những hẻm phố xa lạ đều kể về nơi bạn sống với giọng điệu thủ thỉ đầy yêu thương, hệt như ký ức về những ngày mùa hạ, mùa thu thơm hương thị, hương ổi và cả mùa đông giá buốt, mùa xuân đầy hoa nơi con hẻm nhỏ quê nhà.
 
Tôi không thành đạt cũng chẳng quá đỗi nhọc nhằn. Tôi yêu những con hẻm nơi mình đang sống bởi lẽ đã sớm yêu những con người hồn hậu trong những ngôi nhà ở đó. Những người mỗi sáng tinh sương mang cá tôm từ biển sẵn sàng lựa chọn những thứ ngon nhất mang cho hàng xóm hay chiều chiều ngồi bên hiên nhà đầy gió và dậy mùi cá, tôm í ới mời nhau. Người nơi hẻm nhỏ yêu ghét hồn nhiên và giận dỗi tan nhanh như gió thoảng, xa lạ với bao thói hư tật xấu và bon chen của người đời. Họ trong trẻo, mặn mòi và hồn nhiên như nắng gió nên những khi mệt nhoài, tôi lại về trong hẻm nhỏ, ngồi bên hiên nhà cùng họ nói chuyện nắng mưa…
 
Dịu dàng như thế, bình yên như thế nên có những khi đi về nơi hẻm nhỏ, nghe nhạc bolero dìu dặt, ngắm hoa tím, hoa vàng hay trăng khuya rọi chiếu mùa ngâu nở, tôi lại bồn chồn lo được, lo mất. Một ngày kia, tôi kể về nỗi lo của mình với ông già đầu hẻm, ông bình thản, con cứ an nhiên sống hết những ngày mình đang sống, còn thì đừng lo được mất hay những chuyện ngày mai!
 
Tôi nghe ông dặn dò thì bỗng dưng nghi ngờ, rằng liệu ông có phải đang giả vờ làm một ông già bình thường ít học chuyên trồng hoa và nghe nhạc bolero, nhưng bí mật viết mấy cuốn cẩm nang cuộc sống không? Ừ, biết đâu đấy, như chị bán cá khô trong hẻm, một ngày đẹp trời bỗng dưng in hẳn cuốn tản văn làm xôn xao hẻm nhỏ.
 
Ừ, biết đâu đấy, cuộc sống thì đầy những bất ngờ còn người nơi hẻm nhỏ thú vị và đáng yêu gì đâu!
 
Diệp Đồng