Nhật ký mùa lũ…

  • 08:39 | Chủ Nhật, 25/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bạn bảo, những ngày khó khăn như bây giờ, nói gì, viết gì cũng thấy nặng trĩu trong lòng. Bởi ngoài kia, mưa lũ ngập trời, bao ngôi nhà chìm sâu trong nước cùng những lời khẩn cầu được cứu, những mất mát, hy sinh khiến bao người bàng hoàng, đau xót. Tôi cũng nặng lòng như bạn. Nhưng trong thời khắc khó khăn này, tôi muốn ghi lại những điều ấm áp và cả đau thương mà mình được chứng kiến, để mai này, bạn và tôi cùng ngoảnh lại sẽ thấy chúng ta đã đi qua những ngày gian khó bằng sự sẻ chia, đồng cảm, yêu thương và trách nhiệm…
  Thuyền cứu hộ đi vào vùng lũ, mang theo niềm hy vọng.
Thuyền cứu hộ đi vào vùng lũ, mang theo niềm hy vọng.
Ngày…
 
Những cơn mưa ào ào như thác vẫn tiếp tục đổ xuống. Giờ “rốn lũ” không chỉ riêng Tân Hóa, Trường Sơn, Lệ Thủy nữa, mà như câu đùa rất buồn của bạn đồng nghiệp là chúng ta hãy thôi dùng từ “rốn lũ” khi viết tin, bài vì cả tỉnh bây giờ đã thành biển nước.
 
Ngày mưa lũ, thay vì đến công sở, nhàn tản cà phê buổi sáng và suy nghĩ xem mình sẽ đi đâu, viết gì, thì mỗi buổi tối, tôi và các bạn đồng nghiệp thường chuẩn bị sẵn sàng các loại máy móc để tác nghiệp; điện thoại đầy pin, áo mưa, mũ cối, dép “đặc chủng” để lội nước. Có những ngày tôi và đồng nghiệp đi làm khi trời chưa sáng, những con đường thường ngày vẫn đi giờ trở thành biển nước. Những ngôi làng hiền hòa và đẹp như tranh giờ biến mất trong làn nước lũ đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Ngày mưa lũ, facebook nhận rất nhiều những tin nhắn, status thảng thốt, âu lo khi nước trên những dòng sông không ngừng lên nhanh, nhiều làng mạc tiếp tục bị nhấn chìm…
 
Đi làm ngày mưa lũ tình cờ gặp bác hàng xóm là người cứu hộ ở bãi biển Nhật Lệ. Trong màn mưa, cái bắt tay chợt ấm áp lạ lùng. Bác vừa vội vã tháo dây neo xuồng vừa bảo: "Khi nghe thành phố huy động tăng cường lực lượng cứu hộ cho huyện Quảng Ninh, tui xung phong đi liền. Tui không có chi ngoài kinh nghiệm sông nước và cứu hộ, giờ là lúc bà con cần mình, sao có thể chậm trễ?". Nhìn chiếc xuồng rẽ sóng tiến vào vùng lũ, mang theo những người lính và bác nhân viên cứu hộ, lòng chợt bình yên vì biết rằng sẽ có nhiều người được cứu…
 
Ngày…
 
Khi mưa lũ vẫn đầy trời thì quê nhà đón tin dữ. Đọc tin về thủy điện Rào Trăng 3, về 17 công nhân bị đất đá vùi lấp, về những người lính đã mãi mãi nằm lại ở trạm kiểm lâm bên đường trong đêm mưa rừng, nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Sau một ngày mệt nhoài bởi mưa lũ, bởi ngồn ngộn tin tức cần cập nhật, khuya lắm, tôi ngồi viết những dòng tiễn biệt. Cũng không biết viết gì, chỉ là nhớ lại những chuyện cũ, những câu chuyện rất đỗi bình thường nhưng đầy ấm áp, đẹp đẽ về người lính. Rồi mượn câu thơ viết vội của một nhà thơ thay lời tiễn biệt: “Thương cuộc đời chiến sỹ/Đánh giặc, chết không lùi/Cứu dân quên mạng sống/Hồn bay vào non sông”…
 
Không có mất mát nào là không đau thương, không có sự hy sinh nào là không xót xa, nhưng sự hy sinh của những người lính quả cảm, quên mình vì nhân dân, dẫu xót xa, thương tiếc, nhưng cũng nhờ vậy, cuộc đời đẹp hơn lên và thêm niềm tin, niềm hy vọng về những điều tử tế, đẹp đẽ!
   Gói bánh chưng tặng đồng bào vùng lũ.
Gói bánh chưng tặng đồng bào vùng lũ.
Ngày…
 
Gọi điện về quê cho bạn để cập nhật tình hình mưa lũ. Trong tiếng gió, sóng biển và mưa, bạn bảo: "Tui đang đi cứu kè biển, lát rảnh tui gọi nha". “Lát” của bạn là gần 12 tiếng sau, khi trời đã khuya.
 
Bạn kể, sóng lớn quá, kè biển làng mình bị sạt một đoạn. Cả làng huy động nhau xúc gần 3.000 bao cát, tầm 3 giờ sáng, khi thủy triều rút, sẽ mang chỗ bao cát này lấp vào chỗ sạt lở để giữ kè, giữ làng. “Cũng có người nói này nói nọ, rằng do thiết kế, thi công…, nhưng tui nghĩ, ai sai ai đúng tính sau, mưa to gió lớn như vầy, quan trọng nhất là phải giữ được kè biển, cũng là giữ làng!”, bạn kể một hơi rồi cúp máy.
 
Tôi hình dung hình ảnh bạn trong mưa lũ. Mấy chục năm đã trôi qua, cậu bạn học cùng lớp cấp hai năm xưa giờ là ngư dân dạn dày sóng gió. Bạn vẫn hồn nhiên, tử tế và yêu làng, yêu quê như cậu bé ngày nào. Nên bạn không quản ngại sóng gió, không sợ thiệt thòi, xông pha trong mưa lũ để giữ kè, giữ làng. Bạn đúng điệu anh ngư dân mù công nghệ nên khi bảo chụp giúp mình cái hình gửi qua zalo thì cười kêu: "Tui không biết zalo này nọ đâu, để tui kêu mấy đứa chụp!"
 
“Mấy đứa” bạn nhờ chính là cô bạn gái giờ đã kịp lên chức bà ngoại. “Bà ngoại” bảo: "Mưa ướt hết nên tui tranh thủ về thay đồ và gửi ảnh. Dùng tạm đi, mưa lớn quá, ảnh không đẹp được, giờ tui xuống thay ca cho mọi người đây!"
 
Ừ thôi bạn đi đi, đi giữ kè biển, giữ làng. Và giữ giúp tôi niềm tin yêu cuộc sống.
 
Ngày…
 
Khi mưa lũ vẫn đầy trời, lại nhận thêm tin dữ. 22 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có những người lính tuổi hai mươi, đã mãi mãi ra đi. Nhìn bức ảnh những người lính, trong đó có chàng trai hai mươi tuổi, là hàng xóm, lòng chỉ thầm mong đây là một cơn ác mộng. Nhìn mẹ em gục ngã khi hay tin, còn cha em thẫn thờ bên khung cửa, tôi bỗng ước sao có một phép màu. Phép màu để những người lính bình an trở về, để tiếp tục những nhiệm vụ còn dang dở, để báo hiếu với mẹ cha, chăm sóc gia đình, để sống những năm tháng bình dị nhưng đầy cao cả của cuộc đời người lính…
 
Nhưng những điều ước chỉ mãi mãi là điều ước. Mùa lũ mang theo nhiều tin đau buồn. Một ngôi nhà ấm áp với 6 thành viên bỗng chốc bị vùi lấp trong một trận sạt lở; người chồng mất vợ và đứa con chưa kịp chào đời bởi dòng lũ hung hãn; ánh mắt thất thần của người mẹ khi đứa con bé bỏng bị đuối nước… Những nỗi đau quá lớn khiến họ gục ngã, nước mắt hòa lẫn trong mưa, chảy mãi. Đau thương quá nên đôi khi than trách ông trời, giận trời sao mưa mãi…
Phong Nha mùa lũ.
Phong Nha mùa lũ.
Ngày…
 
Những ngày khó khăn như bây giờ, những điều bình thường nhất cũng trở nên lớn lao và cháy bỏng niềm khao khát. Ví như đơn giản là buổi sáng được ngắm mặt trời thong dong hiện lên phía biển. Là buổi chiều chạy xe dọc con đường quen, nghe gió mùa thu mát dịu. Là mỗi ngày được đến công sở, trường học, bận rộn mưu sinh, tất bật lo toan cho gia đình bé mọn…
 
Nhưng ngoài kia mưa lũ vẫn đầy trời và cuộc sống vẫn trôi dù đầy gian khó. Vậy rồi giữa buồn thương chợt ấm lòng khi bạn gửi cho tấm ảnh nồi bánh chưng và bập bùng bếp lửa. Bạn bảo, không thể xông pha giữa mưa bão để cứu người nên bạn ở trong căn bếp nhỏ của mình cùng các chị, các mẹ gói bánh chưng để tiếp tế cho bà con vùng lũ. Ngắm bức ảnh và nghe câu chuyện của bạn, tôi thầm cảm ơn vì ngọn lửa ấm áp mà bạn và mọi người đã nhen lên trong những ngày mưa lũ! 
 
Và đã có rất nhiều những ngọn lửa ấm áp như thế, những ngọn lửa được thắp từ trái tim. Bởi chỉ với trái tim yêu thương và đồng cảm, bạn mới có thể xông pha đến “rốn lũ” để cứu người mà không nề hà vất vả, hiểm nguy. Đi làm ngày mưa lũ, tình cờ gặp người quen, cái bắt tay, câu chào cũng gần gũi, ấm áp hơn bởi trái tim đều hướng về vùng lũ. Những người xa lạ một ngày bỗng hóa thân quen bởi cùng thao thức với từng con nước thủy triều, với mực nước của mỗi dòng sông, với gió mưa mùa lũ…
 
Mùa lũ có biết bao những câu chuyện vui buồn, những đau thương, mất mát. Nhưng mùa lũ cũng cho tôi gặp lại bạn bè xưa cũ, những bạn bè yêu quê hương bằng một tình yêu trong trẻo. Gặp nụ cười chợt sáng bừng trên gương mặt nhợt nhạt bởi gió mưa khi nghe tin thêm một người được cứu hay bà con vùng lũ đã được tiếp tế đồ ăn sau những ngày dầm trong mưa lũ!
 
Những niềm vui đơn sơ và bình dị, nhưng đủ để tôi và bạn bè thêm niềm hy vọng, về ngày mai!
 
Ghi chép của Diệp Đồng