Thú chơi gốm Nhật

  • 09:08 | Chủ Nhật, 06/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để có được một bộ chén bát hay ấm trà hoàn chỉnh, người chơi phải mất công sưu tầm rất nhiều lần và hẳn nhiên cũng khá tốn kém. Thời gian gần đây, sưu tầm gốm sứ Nhật bắt đầu trở thành niềm yêu thích của nhiều người dù “nghề chơi cũng lắm công phu”.
 
Một tiệm gốm nhỏ nằm trên đường Dương Văn An (TP. Đồng Hới). Chủ tiệm là một cô gái khuyết tật nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với gốm sứ Nhật. Khi chưa làm chủ, cô gái này lui tới tiệm gốm thường xuyên và có thể ngồi ở tiệm hàng giờ chỉ để tỉ mẩn lựa ra những món đồ yêu thích. Giờ, khi đã là chủ, Kim Ngân càng có điều kiện để thỏa mãn niềm đam mê đặc biệt của mình.
 
Ngân bảo, thú vui của những người yêu gốm sứ Nhật Bản chính là có thể tìm ra những món đồ tưởng như không có gì liên quan đến nhau nhưng khi đặt cạnh nhau vẫn có thể tạo thành một bộ đồ hoàn chỉnh. Đôi khi chúng chỉ giao nhau ở loại men, gam màu hoặc một họa tiết nhỏ.
   Để phân biệt giữa gốm Nhật và gốm Trung Quốc đòi hỏi người mua phải có nhiều kinh nghiệm.
Để phân biệt giữa gốm Nhật và gốm Trung Quốc đòi hỏi người mua phải có nhiều kinh nghiệm.
“Với những món đồ khác, khi mua, bạn có quyền được chọn những thứ mà mình mong muốn và tất nhiên là rất dễ mua với số lượng lớn. Nhưng với gốm sứ Nhật Bản thì lại khác! Thường, mỗi chuyến hàng sẽ mang đến những sản phẩm khác nhau, đến cả bản thân người bán cũng không biết chuyến hàng sắp đến sẽ bao gồm những gì vì khi mua số lượng lớn, gốm Nhật thường được tính bằng kilogram. Nếu bạn muốn có một bộ đồ hoàn chỉnh, bạn phải lui tới cửa tiệm nhiều lần, có khi chỉ để lựa ra được 1, 2 món phù hợp. Khi tìm được những “mảnh ghép” hợp lý, cảm giác cực kỳ hài lòng. Thú chơi gốm Nhật đòi hỏi người chơi phải có tính kiên nhẫn là vì lẽ đó”, Kim Ngân chia sẻ thêm.
 
Nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản được đánh giá là một trong những nghệ thuật gốm sứ tinh xảo nhất thế giới. Ra đời từ nhiều thế kỷ trước, gốm sứ của đất nước Phù Tang này được hình thành nên bởi nhiều thế hệ người thợ lành nghề và cực kỳ tài hoa. Gốm sứ Nhật thể hiện triết lý sống wabi sabi-vẻ đẹp hoang sơ, đơn giản.
 
Có những món đồ nhìn qua rất bình thường, nhưng sức hút của nó lại nằm ở chính nét giản dị kia. Wabi sabi cũng hướng tới vẻ đẹp không hoàn thiện, không đối xứng. Vậy nên, một số loại chén, bát của Nhật không đi theo những khuôn chuẩn nhất định, có khi nhìn méo mó, gồ ghề và thô ráp. Nhiều tác phẩm gốm sứ rạn vỡ, sứt mẻ hay thậm chí chưa hoàn thiện. Nhưng như Ngân nói, đó chính là điểm làm nên sức hút của những sản phẩm nhỏ bé kia, “nhìn thấy vẻ đẹp vô thường trong sự bình thường”.  
 
Sức hút của gốm sứ Nhật đã “lôi kéo” rất nhiều người đam mê ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nếu phụ nữ đến để sưu tầm những món đồ bếp thì khách hàng nam lại tìm đến gốm Nhật để tìm những bộ ấm trà. Ban đầu, họ đến với những tiệm gốm Nhật chỉ đơn giản là kiếm tìm những món đồ độc đáo để sử dụng. Nhưng những món đồ trông có vẻ cộc kệch khi đặt cạnh nhau này lại tạo nên sự thú vị cho người sưu tầm nó.
 
Càng về sau, người mua bị gốm sứ Nhật Bản lôi cuốn lúc nào chẳng hay, từ chỗ yêu thích, rồi đâm ra "nghiện". Nhiều người túc trực ở các cửa tiệm để chờ đón những đợt khui hàng. Không ai biết trước có những món đồ nào trong những đợt hàng sắp đến. Vậy là, kẻ chờ đợi, người mong ngóng. Khi tìm được món đồ ưng ý, người mua sẽ càng háo hức.
  Tiệm gốm của Kim Ngân trên đường Dương Văn An (TP. Đồng Hới).
Tiệm gốm của Kim Ngân trên đường Dương Văn An (TP. Đồng Hới).
Chị Trần Lê Thu Thủy (phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) có hơn 10 năm gắn bó với thú vui sưu tầm gốm sứ Nhật Bản. Từ những ngày còn là sinh viên, chị có sở thích đến các tiệm gốm, nhặt nhạnh những món đồ gốm nho nhỏ, vừa tặng, vừa để trưng bày. Sở thích ấy theo chị cho đến ngày ra trường, đi làm rồi lập gia đình. Để làm đẹp cho căn bếp của mình, người phụ nữ này tìm mua những bộ đồ ăn bằng gốm Nhật, tìm ra điểm tương đồng rồi tạo thành từng bộ hoàn chỉnh.
 
Đến giờ, trong căn bếp của chị Thủy đã trưng bày hàng trăm món đồ gốm sứ Nhật với đủ loại  “Cảm giác khi tìm được món đồ vừa đẹp, vừa độc đáo, không sợ đụng hàng cực kỳ thú vị. Gốm sứ Nhật Bản có từ lâu đời, lại được làm chủ yếu bằng thủ công, nung ở nhiệt độ nhất định nên khi đựng đồ ăn sẽ không sợ độc hại. Chưa kể, gốm Nhật rất phong phú, từ gác đũa, bình hoa, chén, bát, ly, set trà chiều, dĩa treo tường trang trí, hũ đựng gia vị... Món đồ nào cũng độc đáo bởi màu sắc, thiết kế, độ bóng của men... Có những món đồ cực bình dị, thậm chí nhìn vào xấu xí nhưng ai mê gốm thì thấy nó đẹp lạ lùng, bỏ tiền ra mua bao nhiêu cũng không hề tiếc”, chị Thủy hào hứng chia sẻ.
 
Thế nhưng, để có thể lựa ra được những món đồ gốm sứ có xuất xứ từ Nhật Bản không phải là chuyện đơn giản. Bởi, thường ở các tiệm gốm vẫn bán lẫn lộn nhiều loại gốm sứ khác nhau. Người mua rất dễ nhầm lẫn giữa gốm Nhật và gốm Trung Quốc. Chỉ những người sưu tầm lâu năm hoặc đã cất công tìm hiểu thì mới có thể phân biệt được.
 
Theo cô chủ tiệm Kim Ngân, để phân biệt giữa gốm Nhật và gốm Trung Quốc, điều đầu tiên, người mua nên chú ý đến họa tiết. Gốm Nhật chủ yếu vẽ bằng tay, màu sắc đơn giản và không mấy khi được phủ bằng lớp men hào nhoáng bên ngoài. Một số món đồ gốm Nhật sẽ được khắc chữ Nhật hoặc triện, con dấu ở ngay phía dưới.
 
Mỗi sở thích sẽ mang đến những niềm vui riêng. Sưu tầm gốm sứ Nhật không đơn thuần là tìm kiếm những món đồ đẹp đẽ, độc đáo phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Tiếp cận những món hàng thủ công tinh xảo này cũng chính là tìm hiểu nền văn hóa độc đáo của xứ sở Phù Tang.
 
Diệu Hương