Malaysia… Một góc nhìn khác - Bài 3: Người Việt trên đất nước Malaysia

  • 15:16 | Thứ Ba, 29/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là một quốc gia phát triển năng động, Malaysia trở thành thị trường tiếp nhận người lao động nước ngoài rất lớn trong cộng đồng ASEAN. Nguồn cung cấp lao động đến từ Trung Quốc, Myanmar, Nepal, Bangladesh và Việt Nam… Lao động nước ngoài chủ yếu làm việc trong các công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp… với mức lương khá thấp, khó có thể vừa chi phí cho bản thân vừa tích trữ để gửi về quê hương.
 
Thành phố Penang là nơi có số lượng người Việt sinh sống và làm việc nhiều nhất tại Malaysia với khoảng trên 2.000 người. Ngoài ra, bàn chân Việt còn in dấu khắp 13 bang và 3 vùng lãng thổ còn lại. Đó là thông tin ít ỏi mà bà Phạm Thị Lệ, 51 tuổi, quê quán tỉnh An Giang, chủ quán đêm tại tầng một khách sạn nơi đoàn chúng tôi lưu trú trong những ngày ở Kuala Lumpur cung cấp.
 
Sang định cư tại Malaysia được 13 năm với con gái Hồ Thị Tài Linh (Linh lấy chồng là một thương nhân người Mã Lai gốc Hoa), bà Lệ khá rành rẽ cuộc sống người Việt trên đất nước Malaysia. “Phần lớn người Việt đến Malaysia theo diện xuất khẩu lao động, một số lượng nhỏ du học sinh, doanh nhân, khách du lịch (theo hộ chiếu du lịch, khi đến Malaysia thì tìm cách ở lại-PV)”-bà Phạm Thị Lệ tâm tư.
 
Với cơ sở chuyên phục vụ món ăn Việt cho du khách, quán bà Lệ thu hút rất nhiều thực khách mỗi khi đêm xuống. “Ngoài các món truyền thống của người Mã Lai, người Hoa, thì các món ăn Việt tại quán gồm phở, bún, hủ tiếu, mì tôm… nguyên liệu đều đưa từ Việt Nam sang vì ở Malaysia hoàn toàn không có”- bà Lệ cho biết thêm. 
Một góc thành phố cổ Malacca.
Một góc thành phố cổ Malacca.
Những ngày trải nghiệm trên đất nước Malaysia, chúng tôi tiếp tục gặp gỡ với rất nhiều người Việt Nam khác. Không may mắn như bà Phạm Thị Lệ được làm chủ, phần lớn họ đều là người làm thuê.
 
Trong một nhà hàng sang trọng ở gần cao nguyên Gentting có biển hiệu bằng tiếng Việt Nam, chúng tôi mừng như “bắt được vàng” vì sắp được ăn những món ăn Việt, đặc biệt có thể làm “đôi ly” rượu quê nhà mang theo mà không mất 50 ringgit tiền lệ phí. Nhưng chúng tôi “bé cái lầm”, chủ quán người Hoa. Nhà hàng gồm 14 nhân viên, trong số đó có 5 người Việt.
 
Đặng Thị Hằng, quê quán tỉnh Hải Dương, sau khi bưng bê cho khách xong tranh thủ ngồi trò chuyện cùng tôi. Hằng sang Malaysia theo diện xuất khẩu lao động, rồi trốn ra ngoài, cuối cùng làm thuê cho ông chủ Tàu như hiện tại. Thời gian xa quê hơn 5 năm. “Làm trong công trường xây dựng thu nhập chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, tăng ca sấp mặt mới được chừng 10 triệu đồng. Bây giờ làm phục vụ, công việc nhàn hạ hơn, thu nhập ổn định 10 triệu đồng/tháng, có tích trữ gửi về quê cho chồng nuôi con ăn học.”-Đặng Thị Hằng chia sẻ.
 
Chi phí cho mỗi lao động sang Malaysia làm việc bình quân khoảng 30 triệu đồng. Vì thế, rất nhiều lao động nông thôn Việt Nam điều kiện kinh tế không mấy khá giả đã chọn con đường “đổi đời” này. Tuy nhiên, Malaysia không là vùng đất hứa, nhiều lao động Việt Nam và các quốc gia khác phải chọn giải pháp trốn ra ngoài làm lao động chui. Theo Đặng Thị Hằng, Chính phủ Malaysia thường tổ chức các đợt truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp, nếu bị bắt sẽ bị phạt tù từ 3 đến 6 tháng, cao nhất khoảng 5 năm. Nếu nhập cư, lưu trú quá hạn hay lao động bất hợp pháp, hình phạt bổ sung lên đến 10.000 ringgit (gần 60 triệu VND) và chịu thêm 3.000 ringgit án phí (17 triệu VND).
 
Trung tâm vàng bạc đá quý Hosa đồng thời là bảo tàng giới thiệu quá trình hình thành, khai thác, sử dụng loại đá đen Onyx được xem là quốc bảo của đất nước Malaysia do chính phủ bảo trợ. Mỗi ngày, trung tâm đón tiếp hàng nghìn lượt du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm. Trong số nhân viên đồng thời hướng dẫn viên “nam thanh, nữ tú” của trung tâm, chúng tôi nhận diện ra Lê Quốc Hoàn là người Việt. Hoàn sinh năm 1987, quê quán Hà Đông, Hà Nội, du học sinh. Sau khi học xong, Lê Quốc Hoàn chọn đất nước Malaysia làm nơi lập nghiệp. Tại trung tâm vàng bạc đá quý Hosa, mức lương cơ bản của Hoàn là 40 triệu đồng/tháng. “Trong trung tâm có 8 người Việt như em. Vào thời gian cao điểm mùa du lịch, sinh viên Việt Nam đến làm thêm ở đây rất nhiều.”-Lê Quốc Hoàn chia sẻ.
 
Đêm lang thang tại phố cổ Malacca, thành phố di sản thế giới, ẩn đằng sau sự thanh bình nơi từng ngôi nhà là câu chuyện dài về những thăng trầm, biến thiên của Malacca. Tựa câu chuyện cổ tích về cô gái người Việt tôi tình cờ bắt gặp đứng bán hàng phía dưới chiếc đèn lồng đỏ tỏa ra thứ ánh sáng an lành, thân thiện.
 
Mai Cẩm Tú, tên cô gái, sinh năm 1988, quê quán tỉnh Tây Ninh. 7 năm trước, Tú trở thành nạn nhân trong một đường dây chuyên môi giới cô dâu Việt cho đàn ông gốc Hoa ở Malaysia. Khi nhập cảnh theo đường du lịch vào Malaysia, Tú mới biết rằng mình bị lừa, nhưng đã muộn. Không muốn lấy một ông chồng ngoài ý muốn, Mai Cẩm Tú bỏ trốn. Nơi đất khách quê người, trời xui đất khiến thế nào, Tú gặp người đàn ông Mã Lai gốc Hoa tốt bụng tên Ong Tai An, sinh năm 1964, hơn Tú 24 tuổi. Ong Tai An đã từng qua một đời vợ. Những ngày sống với gia đình Tai An, Tú cảm nhận Tai An thương yêu mình thật lòng. Và họ tự nguyện đến với nhau. 
Tác giả và cô gái người Việt sống tại thành phố Malacca-Mai Cẩm Tú.
Tác giả và cô gái người Việt sống tại thành phố Malacca-Mai Cẩm Tú.
Thời gian 7 năm trôi qua, gia đình Mai Cẩm Tú đón nhận thêm hai thành viên mới gồm con gái 5 tuổi Ong Yee Hui và con trai 3 tuổi Ong Yan Bo. 7 năm, Mai Cẩm Tú chưa một lần trở về quê hương vì Ong Tai An sợ vợ “một đi không trở lại”. “Ông xã em thương vợ lắm, không cho em về thăm quê, nhưng mỗi năm sẵn sàng bỏ tiền mua vé máy bay cho bố mẹ em bay sang Malaysia thăm con và các cháu. Em bảo như vậy tốn kém hơn nhiều, Tai An chỉ cười.”-Mai Cẩm Tú vui chuyện.
 
Lịch sử thành phố khởi đầu vào năm 1402, khi phò mã vương triều Majapahit tên là Paramesvara vì thất bại trước quân Ayutthaya phải lưu lạc đến làng chài nhỏ bên eo biển Malacca. Khi ngồi nghỉ dưới tán cây, Paramesvara chứng kiến cảnh một chú hươu nhỏ bị lũ chó đuổi cùng đường đến sát bờ sông, không còn đường thoát, chú hươu dũng cảm quay lại húc lũ chó rơi xuống sông. Cho đây là điềm lành, Paramesvara quyết định xây dựng một quốc gia mới gọi là Malacca theo tên loài cây nơi ông ngồi nghỉ. Paramesvara cưới công chúa Pasai của một tiểu quốc Hồi giáo trên đảo Sumatra. Sau đó, Paramesvara ra lệnh cho tất cả thần dân của mình từ bỏ Hinđu giáo để theo đạo Hồi. Paramesvara xưng vương hiệu Sultan, Malacca trở thành Sultannat (vương quốc Hồi giáo) phát triển thịnh vượng cho đến ngày nay.
 
Tôi rời xa con phố cổ nhỏ hẹp ở Malacca. Phía dưới chiếc lồng đèn đỏ tỏa ra thứ ánh sáng an lành, thân thiện, dáng Mai Cẩm Tú bé nhỏ vẫn không lẫn vào đâu được giữa dòng du khách đông đúc. Mai Cẩm Tú không phải là Paramesvara của Malacca quá khứ huy hoàng. Nhưng như rất nhiều người Việt Nam may mắn khác trên đất nước Malaysia, cô vẫn tìm thấy cho mình được một bến đổ yên bình, hạnh phúc.
 
 
                                                                                                              Ngô Thanh Long