Giá trị lịch sử-văn hóa đình Xuân Hòa

  • 08:21 | Chủ Nhật, 13/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đình Xuân Hòa thuộc xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1970/QĐ-UBND, ngày 14-6-2019. Đây là một trong những công trình kiến trúc lịch sử văn hóa cộng đồng có giá trị về lịch sử, là biểu tượng văn hóa một thời của quê hương Xuân Hòa.
 
Những dấu ấn lịch sử
 
Theo lời kể của các vị cao niên, trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, đình Xuân Hòa được sử dụng làm nơi hội họp của cán bộ Việt Minh để bàn cách đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật; đồng thời là nơi tập trung huấn luyện dân quân của Việt Minh để chuẩn bị lực lượng cho các trận đánh; là địa điểm tổ chức lớp học đại đao, côn, kiếm của xã Hoa Thủy.
 
Tháng 7-1945, tại đình Xuân Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Diệu (cán bộ cách mạng phụ trách tổng Thạch Bàn) cùng các cán bộ Việt Minh đã đứng ra lãnh đạo, tổ chức cuộc mít tinh quy mô khá lớn với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng chí đã diễn thuyết, kêu gọi người dân ủng hộ cách mạng, đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, lật đổ chính quyền tay sai của thực dân, đế quốc. 
 Mang trong mình những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, đình Xuân Hòa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Mang trong mình những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, đình Xuân Hòa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Tại đình Xuân Hòa, người dân dương cao khẩu hiệu, biểu ngữ thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng làm cách mạng. Đây chính là nền tảng cho các cuộc mít tinh, biểu tình tiếp theo trong toàn phủ, toàn huyện; là bước chuẩn bị để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
 
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đình là nơi đón tiếp các đơn vị bộ đội về đóng quân tại địa phương, huấn luyện và dưỡng thương. Tại đây, các đơn vị đã được cán bộ và nhân dân ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi để yên tâm hoạt động, sẵn sàng chiến đấu.
 
Tháng 9-1949,  Đại đội 361, Tiểu đoàn 274 tập trung ở đình Xuân Hòa để chỉnh quân thì bị bọn chỉ điểm mật báo. Quân địch ở đồn Vạn Xuân đã mở cuộc càn quét vào Xuân Hòa. Nắm được tình hình tiến quân của địch, Ban chỉ huy Đại đội 361 nhanh chóng triển khai lực lượng đón đánh, tiêu diệt địch, thu giữ 20 khẩu súng. Trận đánh địch ở Xuân Hòa đã đánh dấu một bước trưởng thành về chiến thuật của bộ đội ta và được coi là trận đánh vận động chiến đấu đầu tiên ở địa bàn Quảng Bình. Chiến thắng này không những làm nức lòng nhân dân mà còn gây tiếng vang lớn, có tác dụng cổ vũ tinh thần chiến đấu đối với đồng bào vùng chiến khu và vùng địch hậu.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc”, năm 1968, nhân dân Xuân Hòa đã tháo dỡ đình làng, nhà cửa để lót đường san lấp hố bom, bắc cầu Bàu trên tuyến đường Hoa Thủy-Sơn Thủy, kịp thời thông tuyến chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
 
Biểu tượng văn hóa gần gũi của làng quê
 
Bản sắc văn hóa làng xã là sự lắng đọng trầm tư của mái đình, bến nước, cây đa - biểu tượng của văn hóa làng quê, gắn bó với đời sống thường nhật của cộng đồng dân cư người Việt được hình thành từ nền văn minh nông nghiệp. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi đình làng nói chung như một hiện thân của thế giới tâm linh, thiêng liêng và thần bí, tự nó đã khẳng định những giá trị, ý nghĩa trong đời sống văn hóa, xã hội mà từ đó đã tạo nên những sắc thái, những dấu ấn văn hóa đặc thù của mỗi một vùng miền, mỗi một địa phương.
 
Đình Xuân Hòa được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Về mặt cấu trúc, đình làng Xuân Hòa xưa được xây dựng đăng đối, có cổng đình, sân đình và phần chính điện. Kiến trúc đình gồm 5 gian 2 chái, được xây dựng bằng đá tổ ong, gạch và gỗ lim với nhiều hình ảnh chạm khắc nổi theo đề tài tứ linh (long, ly, quy, phụng). Ngoài ra, nhiều họa tiết như hoa lá, mây, lửa, sóng nước... thể hiện chân thực về đời sống, sinh hoạt của người dân.
 Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đình Xuân Hòa
Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đình Xuân Hòa
Đi qua các cuộc chiến tranh, kiến trúc đình làng Xuân Hòa xưa đã bị tàn phá nặng nề, dấu tích còn lại là cổng đình (tam quan đình) rất bề thế gồm có cổng chính và 2 cổng phụ hai bên. Phần mái tam quan gồm hai tầng, lợp ngói liệt, vuốt cong hình thuyền và có gắn các đầu đao hình rồng, đỉnh mái gắn biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt". Cổng chính cao 6,35m, rộng 3,2m. Mặt trước trụ cổng có 2 câu đối chữ Hán được đắp nổi bằng mảnh sành sứ. Hai cổng phụ được xây giống nhau, mỗi cổng cao 5,2m, rộng2,65m.
 
Đình làng Xuân Hòa đã gắn bó mật thiết với người dân địa phương, là nơi để họ gửi gắm tâm tư, tình cảm và hướng về nguồn cội như là biểu tượng văn hóa của quê hương. Tình yêu quê hương, đất nước của người dân một phần được nuôi dưỡng và lớn lên ở đó. Vào các dịp lễ, Tết, dân làng thường mở hội tại sân đình và tổ chức các trò chơi với các điệu hát dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: trò chơi đánh đu, đấu vật, kéo co... Lễ hội và những sinh hoạt văn hóa tại đình làng Xuân Hòa tuy diễn ra ở phạm vi hẹp và đơn giản hơn về nghi lễ, nhưng vẫn thể hiện được nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
 
Mang trong mình những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, đình Xuân Hòa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, là cơ sở pháp lý để bảo tồn, phục dựng lại đình làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho người dân địa phương.
 
Minh Đức-Phan Ánh