Dút tép của mẹ

  • 11:16 | Chủ Nhật, 08/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có những thứ tưởng chừng giản dị nhưng ngay cả khi cuộc sống đủ đầy, con người ta vẫn thấy nhớ đến da diết, nghẹn lòng. Có những ngày, chợt nhận ra rằng hóa ra, thứ bản thân muốn tìm lại không đơn giản là một món đồ có thể mua bán được mà là ký ức, là kỷ niệm, là những niềm thương, nỗi nhớ mãi mãi không thể lấp đầy.
 
1. Tôi sinh ra nơi vùng quê chiêm trũng Lệ Thủy. Ký ức của tuổi thơ là những ngày mưa ngập trắng trời, dáng ba tất tả vác rớ ra đồng. Dáng mẹ lom khom xé toang màn mưa dày đặc, thu gom những gì còn sót lại nơi mảnh vườn nhỏ chờ đợi cơn lũ đến. Những ngày mưa rét ấy, chị em tôi ngồi tựa vào bậu cửa, đợi ba trở về.
 
Đêm, chỉ một tiếng bước chân vọng lại giữa sân nhà, cả ba mẹ con đã vội vã bật dậy. Thường sau gần một đêm thức trắng giữa đồng, ba sẽ mang về cả một rổ đầy tôm tép, ít mớ cá nhỏ.
 
Chị em tôi thường thích thú nhìn ngắm những con tép giãy đành đạch, tươi ròng trong rổ. Còn ba, dù đôi bàn tay đã bợt bạt đi vì rét, khuôn mặt ướt đẫm nước mưa và đôi mắt đã quầng thâm vì thiếu ngủ, vẫn vui vẻ thức nhìn mẹ sửa soạn cho đến sáng. Trong đôi mắt ba, tôi thấy lấp lánh niềm vui!
 
Thành quả sau những đêm ba cất rớ là những hũ dút tép mẹ làm phơi đầy trước hiên nhà. Tôi không hiểu vì sao ngày ấy, mẹ có thể kiên nhẫn hàng đêm đợi cửa ba về, rồi tỉ mẩn sửa soạn, nâng niu từng con tép nhỏ.
 
Để mãi những năm sau này, mẹ mới kể lại rằng, dù vất vả, nhưng chỉ cần thấy ba hạnh phúc khi nhìn ngắm ít tôm, cá mang về sau đêm thức trắng là mẹ đủ thấy ấm lòng. Vậy nên, nếu bữa chợ hôm đó không bán hết, mẹ sẽ mang chúng về nhà. Cá thì làm mắm, còn tép sẽ giữ lại làm món dút tép gia truyền mà bà ngoại đã dạy từ ngày còn rất trẻ.
Món dút tép cay nồng và mặn mòi của mẹ.
Món dút tép cay nồng và mặn mòi của mẹ.
Dút tép của mẹ có một vị đặc trưng khó tả mà có lẽ, đi đến suốt cuộc đời này, tôi vẫn không thể nào quên. Trong cái hương vị cay nồng ấy còn có vị mặn mòi của mồ hôi, của những thao thức của ba, mẹ mà suốt những năm tháng tuổi thơ tôi lại chưa một lần thấu tỏ. Chị em tôi thật quen với những bữa cơm nóng hổi với ít rau cải luộc, vắt khô nước rồi chấm với ít mắm dút của mẹ. Đôi bữa, chỉ cần bát cơm nghi ngút khói ăn với vài thìa dút tép vậy là đi qua hết mùa đông lạnh ngắt.
 
Ngày ấy, có những khi nhìn bữa cơm triền miên với món dút tép, với rau vườn, đứa trẻ lên 10 như tôi chỉ ước giá một mùa đông không phải ăn món ăn nhàm chán, mặn mòi ấy. Để rồi nhiều năm sau đó, tôi mới chợt nhận ra mình thèm lắm cái không khí bữa ăn gia đình bên mâm cơm có món dút tép của mẹ ấy nhường nào.
 
2. Lớn lên, đi học xa nhà, hành lý mang theo vào Sài Gòn của tôi bao giờ cũng có món dút tép mẹ làm. Lũ bạn chung xóm trọ ở khắp nơi, đứa miền Tây, đứa Quảng Nam, vài ba đứa Nghệ An-Hà Tĩnh. Món dút tép mẹ tôi bỗng trở thành “đặc sản” nơi xóm trọ nghèo. Bữa ăn của những sinh viên tỉnh lẻ cuối kỳ bao giờ cũng là dút tép, chấm với ít rau luộc, có khi chỉ cần ăn với cơm nóng, vậy mà đã thấy đủ đầy!
 
Có những ngày dắt xe đi học về trên con đường Sài Gòn ngập ngụa triều cường, nửa người chìm trong làn nước đen ngòm, chợt thấy nhớ da diết những đêm mưa đợi cửa chờ ba về. Và thèm quá một bữa ăn ấm áp trong căn nhà lụp xụp giữa hoang hoải gió đồng. Bên mâm cơm với dút tép, ba kể về những đêm thức trắng, canh từng “trộ” rớ. Mẹ cười giòn tan kể chuyện bữa chợ ban sớm. Đứa em trai tròn xoe đôi mắt đen lay láy nhìn hết người này sang người nọ rồi cười lăn lê.
 
Bữa cơm của đứa sinh viên xa nhà nơi phòng trọ bên bờ kênh Nhiêu Lộc ủ dột và ướt nhèm bao giờ cũng có món dút tép của mẹ. Bưng bát cơm, vị cay nồng, mặn mòi của món ăn xưa cũ ấy chợt xộc vào cánh mũi. Nước mắt tủi thân cứ thế bất giác trào ra. Nỗi nhớ nhà và nhớ mẹ chợt ùa về da diết. Có những ngày, ký ức tưởng chừng bình dị lại hiện về lung linh mà xa ngái quá đỗi!
 
3. Cạnh nhà tôi ở Đồng Hới, có một đôi vợ chồng trẻ cùng quê Lệ Thủy. Chị vợ mồ côi mẹ từ năm 12 tuổi. Cha của chị đi bước nữa với một người phụ nữ quá lứa cùng làng. Chị bảo, ngày ấy, hàng xóm, làng giềng cứ nhồi nhét vào đầu hai chị em những suy nghĩ tiêu cực rằng “mấy đời bánh đúc có xương”. Hai đứa trẻ tủi phận trở nên lầm lì và giữ khoảng cách với vợ mới của cha.
 
Chỉ có người phụ nữ ấy vẫn lẳng lặng sống và lẳng lặng chịu đựng với những mưa nắng thất thường của những đứa con riêng nhà chồng. Bà chẳng bao giờ đánh mắng, trách móc hay giận hờn. Bà âm thầm chăm sóc và nuôi lớn hai đứa trẻ mồ côi cho đến ngày chúng trưởng thành.
 
Chị hàng xóm của tôi bảo, hơn 20 năm, người mẹ ấy của chị vẫn vậy: âm thầm yêu thương và vun vén cho hai chị em mà không một tiếng thở dài hay một lời nặng nhẹ. Thời gian qua đi, sự chân thành đã cảm hóa hai đứa trẻ bất hạnh. Tình mẹ con cứ thế lớn dần lên lúc nào chẳng rõ.
 
Người mẹ ấy có nghề làm dút tép nổi tiếng khắp vùng quê Lệ Thủy. Tuổi thơ của chị cũng gắn bó với những bữa cơm mặn nồng vị dút tép. Đến giờ, bà vẫn giữ ngón nghề gia truyền ấy. Cứ mùa đến, bà lại cẩn thận đong từng hũ to, hũ nhỏ dút tép gửi về cho chị bán kiếm thêm thu nhập, giúp chị bớt đi những khó khăn của cuộc sống với đồng lương giáo viên ít ỏi.
 
Chị bảo, những ngày đón từng gói hàng mẹ gửi về, nhìn những hũ dút tép xếp lớp cẩn thận, tự nhiên nước mắt cứ chảy dài. Chị lại thấy thương mẹ đến thắt lòng. Ký ức tuổi thơ lẫn cả những day dứt cứ thế hiện về rưng rức nơi vòm ngực nóng.
 
Thực ra, mỗi người đều có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi chốn để trở về, đó là gia đình, là tổ ấm. Nơi ấy có những ký ức của khó nghèo, của hy sinh và của yêu thương. Nơi ấy, có những người mẹ vẫn đợi chờ bước chân con trẻ trở về sau những chộn rộn áo cơm và sấp ngửa cuộc đời.
 
Diệu Hương