Những đình làng "Thế hệ mới"

  • 08:32 | Chủ Nhật, 25/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng, những năm trở lại đây, Quảng Bình chứng kiến sự xuất hiện "ồ ạt" của các đình làng "thế hệ mới", thậm chí, có những xã xây dựng từ 2 đến 3 đình làng, đình làng xây sau to hơn, rộng hơn, kinh phí lớn hơn đình làng xây trước. Đây là tín hiệu vui cho thấy mức sống của người dân nông thôn đã có những nét đổi mới rõ rệt, mang lại nhiều cơ hội nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều đình làng vẫn chưa phát huy hết công năng của mình và vẫn còn tình trạng "xây xong bỏ đó", lãng phí nguồn tài chính của nhân dân.
 
Kỳ 1: Lặng lẽ đình làng…
 
Bên cạnh những mặt tích cực mà đình làng mang lại, như: tăng cường tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư; thắt chặt mối quan hệ với con em làm ăn xa xứ; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng xã; góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ sau; vẫn còn đó những mặt hạn chế hiện hữu khiến đình làng không có cơ hội phát huy hết giá trị vốn có và chưa thực sự trở thành một "biểu tượng" văn hóa không thể thay thế trong cộng đồng làng xã.
 
Trong khuôn khổ loạt bài này, chỉ xin đề cập đến các đình làng xây dựng mới từ năm 2000 đến nay và không bàn nhiều đến kiến trúc, địa hình, địa mạo, mà chỉ đi sâu về phần "hồn, cốt" của đình làng ngày nay.
 Ông Lê Hữu Thiệp, Trưởng ban quản lý đình làng Hữu Phan chuẩn bị sẵn sàng cho lễ cúng Rằm tháng bảy.
Ông Lê Hữu Thiệp, Trưởng ban quản lý đình làng Hữu Phan chuẩn bị sẵn sàng cho lễ cúng Rằm tháng bảy.
Đình làng Hữu Phan (xã Hàm Ninh) hiện được đánh giá là một trong những đình làng lớn nhất huyện Quảng Ninh. Làng Hữu Phan vốn được các vị tiền nhân khai hoang, khai khẩn cách đây gần 500 năm. Đình làng xuất hiện từ thế kỷ 18, đến năm 1927, đình được xây dựng mới và trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, gắn bó với người dân trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Năm 1963, đình làng bị hư hỏng nặng nên phải tháo dỡ. Tháng 3-2014, theo nguyện vọng của dân làng và con em xa quê, đình được khởi công xây dựng với kinh phí 3,6 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa. Ngôi đình mới có 3 gian, 2 chái, được xây dựng trên nền đất cũ với tổng diện tích 3.500 m2. Không chỉ hoàn thiện vẻ bên ngoài, toàn bộ nội thất thờ cúng bên trong cũng được đầu tư bài bản, chi tiết, đặc biệt là chiếc trống cổ lưu lạc trong dân gian cũng được bà con bỏ ra nhiều công sức tìm về.
 
Ông Lê Hữu Thiệp, Trưởng ban quản lý đình làng Hữu Phan cho biết, mặc dù đình được xây dựng khang trang, rộng rãi, nằm ở vị trí trung tâm, nhưng trên thực tế, mỗi năm, đình chỉ mở cửa đón con cháu gần xa vào hai dịp: Lễ hội Xuân thủ kỳ yên (Tết Âm lịch) và Rằm tháng bảy. Còn trong suốt thời gian còn lại của năm, đình im ỉm khóa và chỉ mở cửa mỗi khi con cháu ở xa về có nhu cầu cúng bái tổ tiên. Trước đây, để mở rộng thêm hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm sử dụng diện tích sân đình, một CLB võ thuật Vovinam có tổ chức các khóa học, nhưng rồi lại thưa thớt dần và nay thì chấm dứt hẳn.
 
Ông Lê Hữu Thiệp chia sẻ, ông đã nhiều lần đề xuất việc cần thiết phải xây dựng một quy chế hoạt động của các đình làng, bởi theo như hiện nay, ngoài các hoạt động lễ hội, thờ cúng chính, Ban quản lý đình làng các thôn chưa nắm rõ và lúng túng trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của các đình làng.
 
Theo ông Hà Xuân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, hiện xã Hàm Ninh có 5 thôn thì 3 thôn có đình làng, trong đó, 2 đình làng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng (Trần Xá và Hữu Phan) và 1 đình làng đang được xây dựng (Hữu Niên). Cũng như đình làng Hữu Phan, các đình làng còn lại cũng chỉ hoạt động chủ yếu nhộn nhịp vào hai dịp trong năm, thời gian còn lại cũng "lặng lẽ, im ắng". Đối với kinh phí duy trì các hoạt động thờ cúng, mỗi gia đình trong các thôn đóng góp 50.000 đồng/năm. Mọi hoạt động sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, chính trị, đoàn thể đều đã có nhà văn hóa thôn, nên đình làng hầu như không sử dụng đến, kể cả những lần hội họp lớn.
 
Không được 1 năm/2 lần lễ hội chính như đình làng Hữu Phan, đình làng Văn La  (Lương Ninh, Quảng Ninh) chỉ rộn ràng vào dịp Rằm tháng giêng đầu năm, còn lại suốt một năm trời, đình làng hầu như không có hoạt động nào.
 
Ông Lê Xuân Hồng, Trưởng thôn Văn La chia sẻ, đình làng Văn La được xây dựng và hoàn thiện từ tháng 2-2011 đến nay với nguồn vốn 1,4 tỷ đồng do người dân đóng góp. Rằm tháng giêng là lễ hội lớn nhất của làng Văn La trong năm, được tổ chức vào ngày 13, 14 và 15 tháng giêng âm lịch. Ngoài phần nghi lễ diễn ra trong đình, các trò chơi, thể thao, văn nghệ được tổ chức sôi nổi ở sân đình, thu hút đông đảo con em làng Văn La tham gia. Hết Rằm tháng giêng, đình quay trở lại sự tĩnh mịch, bởi các hoạt động hội họp khác được tổ chức ở nhà văn hóa thôn ngay sát cạnh đình làng. 
 
Ông Lê Xuân Hồng cũng bày tỏ mong muốn được bồi dưỡng thêm về những kiến thức tổ chức sinh hoạt đình làng để phát huy hơn nữa hiệu quả của thiết chế văn hóa này. Trước đây, đình làng Văn La còn là nơi tổ chức hội bài chòi mỗi dịp Quốc khánh, lễ tết, nhưng rồi thời gian phôi pha, lớp trước đã già mà lớp sau chưa kế cận được, trò chơi dân gian truyền thống này bị mai mốt dần. Ông và các bậc cao niên trong làng rất hy vọng di sản văn hóa phi vật thể này sẽ có cơ hội xuất hiện trở lại trên sân đình Văn La.
Đình làng Văn La chỉ rộn ràng vào dịp lễ hội Rằm tháng giêng hàng năm.
Đình làng Văn La chỉ rộn ràng vào dịp lễ hội Rằm tháng giêng hàng năm.
Ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa-Xã hội huyện Quảng Ninh cho biết, tính từ năm 2000 đến nay, Quảng Ninh có 13 đình làng được xây dựng mới, thậm chí có những xã có từ 2-3 đình làng (Vĩnh Ninh có 2 đình làng, Lương Ninh 2 đình làng, Hàm Ninh 3 đình làng…).
 
Trên thực tế, có một sự chồng chéo, bất cập, đó là theo quy định, ngoài trừ các đình làng được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, các đình làng được xây mới sau này đều thuộc lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng, không thuộc quản lý của ngành văn hóa. Vì vậy, việc hướng dẫn các hoạt động sinh hoạt đình làng là rất khó khăn.
 
Thêm nữa, trong xây dựng nông thôn mới, có thể sử dụng đình làng làm nhà văn hóa thôn để sinh hoạt cộng đồng, nhưng do sự thay đổi trong tâm linh tín ngưỡng, bà con quan niệm đình làng là nơi thờ cúng, không sử dụng để hội họp, đông người. Đây là lý do khiến nhiều nơi đã có nhà văn hóa thôn nhưng vẫn xây dựng mới đình làng.
 
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng, đó không phải là thực trạng của riêng huyện Quảng Ninh mà của nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Và phải nhìn nhận thực tế là chúng ta đang rất lúng túng trong việc sử dụng đình làng một cách hiệu quả.
 
Nhiều tỉnh thành phía Bắc đã kết hợp tốt giữa hoạt động tâm linh của đình làng với các thiết chế văn hóa, nhà văn hóa thôn trên cơ sở vừa giữ gìn những giá trị truyền thống lịch sử, bồi đắp những giá trị mới, lại vừa nâng cao giá trị văn hóa đình làng trong không gian văn hóa làng xã nông thôn mới giai đoạn hiện nay.
 
Nhưng, ở Quảng Bình, nếu như trước đây "cây đa, bến nước, sân đình" đã trở thành những địa điểm sinh hoạt văn hóa, cộng đồng thân thuộc thì nay đình làng mang ý nghĩa nhiều về việc thờ cúng tâm linh, hạn chế sử dụng không gian cho hội họp, sinh hoạt tập thể.
 
Chính vì vậy, rất cần thiết phải có những định hướng để phát huy hiệu quả của đình làng trong giai đoạn hiện nay, kèm theo đó là những hướng dẫn cụ thể để triển khai, có như vậy, đình làng mới thoát cảnh "im ỉm khóa"…
 
Mai Nhân
 
Kỳ 2: Để đình làng phát huy giá trị