Người "tìm vàng trong đất"

  • 09:35 | Thứ Sáu, 23/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Trong đất có vàng” là cuốn sách tập hợp 52 bài viết của nhà báo Lam Giang do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào tháng 6-2019. Anh là một cái tên quen thuộc với bạn đọc tỉnh Quảng Bình và bạn đọc Báo Tuổi trẻ. Trong cuộc đời làm báo của mình, anh từng đoạt nhiều giải thưởng lớn mà những người làm báo đều nỗ lực để đạt được. Mỗi nhân vật trong cuốn sách “Trong đất có vàng” là một số phận, một cuộc đời, như khoáng vàng, ẩn giấu trong đất và được anh khám phá bằng cái tâm của người làm báo qua những ngôn từ bình dị.

 

Tác phẩm  "Trong đất có vàng " do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tháng 6-2019.
Tác phẩm "Trong đất có vàng" do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tháng 6-2019.

Lời tựa cuốn sách do chính anh viết, có đoạn: “Những nhân vật trong tập sách này được viết trong khoảng thời gian khá dài. Vì vậy, khi cuốn sách tới tay bạn đọc, trong số họ có người đã trở về với đất, có người đã thay đổi cuộc sống và cuộc đời mình so với trước… Nhưng những câu chuyện về họ, sẽ không bao giờ mất hay bị lãng quên. Bởi dù mất hay còn thì mỗi người trong tập sách này, họ đều đã, đang và sẽ sống mãi mỗi lần bạn đọc cầm cuốn sách này lên tay!”.

Quả đúng như vậy, gần 300 trang sách đã viết nên những câu chuyện cuộc đời của 52 nhân vật mà khi đọc nó, bạn đọc không khỏi trào dâng cảm xúc ngưỡng mộ, yêu quý và thán phục.
 
Đó là câu chuyện hoàn lương của Phan Văn Châu (TP. Đồng Hới), biệt danh Châu “gấu”, sau những năm tháng làm “lâm tặc” và buôn bán động vật, năm 2000, Phan Văn Châu khăn gói đi học nghề nuôi ba ba và trở thành tỷ phú, điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh, được đi báo cáo điển hình chủ trang trại và doanh nghiệp nông thôn toàn quốc.
 
Đó là tấm gương ông Ngô Văn Lý (huyện Bố Trạch), người nông dân được mệnh danh là “tiến sỹ trồng rừng” với rừng huỵnh nổi tiếng. Bây giờ, ông đã thành người thiên cổ, nhưng rừng huỵnh vẫn xanh, như bài viết về ông trong cuốn sách này vẫn khiến bạn đọc rưng rưng cảm động.
Nhà báo Lam Giang phỏng vấn đồng bào Rục.
Nhà báo Lam Giang phỏng vấn đồng bào Rục.
Với sự tìm tòi, khám phá và góc nhìn nhân văn, những nhân vật được nhà báo Lam Giang phản ánh và tập hợp trong cuốn sách “Trong đất có vàng” lấp lánh tình yêu cuộc sống và niềm hy vọng.
 
Khi đọc về tấm gương Bí thư Chi đoàn thôn Thuận Hóa, anh Phan Xuân Thành (sinh năm 1980) với giấc mơ trồng mây trên vườn đồi trên thượng nguồn sông Gianh để chế tác các mặt hàng xuất khẩu từ cây mây; chuyện “lão khùng” Trần Đình Hợp nuôi bò trên đảo Yến; chuyện cậu học trò Nguyễn Lâm Thành (sinh năm 1988) đoạt giải nhất tin học trẻ không chuyên của tỉnh và giải khuyến khích cuộc thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc chưa từng có máy vi tính; chuyện anh thương binh cụt hai tay và mù một mắt Lê Văn Ân không chịu đầu hàng số phận và trở thành chủ trang trại ở huyện Bố Trạch…, tôi cảm nhận được khát vọng, sự tự tin và quyết tâm của họ, dù con đường họ đi đầy rẫy gian nan.
 
Những tấm gương bình dị ấy có thể sẽ chỉ âm thầm, lặng lẽ, như vàng ẩn giấu trong lòng đất, nếu không được nhà báo Lam Giang, người cần mẫn “tìm vàng trong đất” khám phá và đưa đến với bạn đọc, động viên nhân vật và tiếp thêm niềm tin yêu, hy vọng cho mọi người.
 
Đọc “Trong đất có vàng”, hẳn nhiều bạn đọc sẽ ngỡ ngàng khi một ngày tình cờ phát hiện ra những nhân vật gần gũi mà nhờ ngòi bút của anh, ta mới hiểu sâu sắc về họ và những đóng góp của họ cho cuộc đời. Đó là cụ Nguyễn Tú, ông già Bảo Ninh miệt mài dành cả cuộc đời mình để chép sử; là anh Hưng “cụt”, người đưa nước về bản Rôốc (xã Xuân Hóa, Minh Hóa); là bà Hồ Thị Khéo, 80 tuổi, người dân tộc Vân Kiều xã Trường Xuân cần mẫn trồng cây gây rừng theo lời Bác dạy…
Nhà báo Lam Giang (SN 1962), hiện công tác tại Đài Truyền thanh-Truyền hình TP. Đồng Hới; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Bình; hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
 
Các giải thưởng: giải A giải Báo chí toàn quốc năm 2003 (nhóm tác giả báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh); giải nhất Báo chí TP. Hồ Chí Minh (nhóm tác giả báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh); giải nhì và giải khuyến khích Báo chí toàn quốc về môi trường 2005; giải C Báo chí quốc gia năm 2004; giải nhì Báo chí TP. Hồ Chí Minh về du lịch năm 2014; các giải B, C giải Báo chí tỉnh Quảng Bình cùng nhiều giải báo chí khác của các báo, cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Đôi khi, những bài viết trong cuốn sách là những câu chuyện về tình yêu thương và sự hy sinh trong những gia đình nhỏ với bộn bề khó khăn. Đó là câu chuyện về Lưu Tuấn Kiệt, cậu bé “chạy thận” trong gia đình có 6 anh chị em đều mắc bệnh thận; là anh Mai Tư Khoa (xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch) trong “Chút tình còn lại giữa đời” bị bại liệt do tai nạn lao động vẫn mong mỏi được hiến tạng khi qua đời; là hình ảnh ông Dương Công Hường (xã Tiến Hóa, Tuyên Hóa), người 26 năm làm nghề quét chợ nuôi bốn người con học đại học…
 
Tất cả những câu chuyện đẹp đẽ ấy không chỉ góp phần tạo động lực cho những số phận thiếu may mắn trong cuộc đời nỗ lực vươn lên, mà cho tất cả những ai đọc nó niềm tin và ý chí để vượt qua khó khăn.
 
Như lời tựa của cuốn sách, rằng những nhân vật trong cuốn sách có người đã trở về với đất, có người đã thay đổi cuộc sống và cuộc đời mình so với trước, nhưng những dư vị đẹp đẽ trong những câu chuyện của họ vẫn còn đó. Và thêm một lần nữa, bạn đọc gặp lại những nhân vật ấy trong tập sách “Trong đất có vàng” mà nhà báo Lam Giang đã cần mẫn gom nhặt.
 
Nghề báo, để có những bài viết thành công về những tấm gương điển hình không bao giờ dễ, bởi với những chất liệu lấp lánh của nhân vật, nếu người viết không biết tiết chế, bài viết sẽ dễ dàng trở nên sáo rỗng. Ngược lại, nếu “non tay” thì tác giả sẽ không phản ánh trọn vẹn những giá trị đẹp đẽ của nhân vật và truyền tải đến bạn đọc. Với sự cần mẫn, trách nhiệm và cái nhìn nhân văn, ngôn từ bình dị, nhà báo Lam Giang đã làm được điều đó, để mỗi nhân vật của anh, dù rất bình dị nhưng lấp lánh như vàng trong đất!
 
Ngọc Mai