Bài học về việc vận dụng các phương tiện ngôn ngữ châm biếm trong văn chính luận Hồ Chí Minh

  • 15:31 | Thứ Sáu, 02/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã qua nửa thế kỉ kể từ ngày“Bác đã lên đường theo tổ tiên, Mác- Lênin thế giới người hiền”, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người, tấm gương sáng về đạo đức và phong cách của Người vẫn luôn luôn sống mãi và tỏa sáng với mọi thế hệ người dân Việt Nam. Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ châm biếm là một trong nhưng bài học quý báu trong phong cách ngôn ngữ của Người.
 
Ai cũng biết rằng, hài hước, dí dỏm, châm biếm không phải là nét bút độc đáo duy nhất hay bao trùm trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là bút pháp sở trường, ưa thích của Người. Mục đích chung của việc châm biếm trong ngôn ngữ của Người là nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.
 
Đương thời, ngòi bút châm biếm của Hồ Chí Minh, trước hết, nhằm thẳng vào kẻ thù chính của cách mạng với mục đích vạch trần, tố cáo, chế giễu bản chất xâm lược, tham lam, tàn ác của chúng. Đồng thời, ở mức độ nhẹ nhàng hơn, Bác sử dụng bút pháp này để phê bình các biểu hiện tiêu cực trong một số cán bộ, đảng viên, quần chúng lao động do bệnh cá nhân nảy sinh, nhằm giúp họ tự nhìn lại mình và có chí hướng khắc phục lỗi lầm để vươn lên.
 
Có thể nói, ngôn ngữ châm biếm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là vũ khí sắc bén góp phần đánh bại kẻ thù về mặt tư tưởng, vừa là liều thuốc hiệu nghiệm giúp cán bộ, nhân dân ta chữa những căn bệnh tiêu cực của xã hội cũ còn rơi rớt lại, liều thuốc bổ yêu đời và tràn trề tinh thần lạc quan cách mạng. Ngôn ngữ châm biếm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hàm súc, mộc mạc, ngắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ, rất ít khi Người dùng từ trừu tượng, không dùng điển tích xa lạ, khó hiểu, phô trương.
 
Trong tất cả các bài viết có nội dung châm biếm, có thể thấy nổi bật hai phương diện sau: Thứ nhất,  Bác Hồ sử dụng các phương tiện ngôn ngữ như: đại từ, từ trái nghĩa, từ mang nghĩa tốt, từ mang nghĩa xấu, từ nước ngoài xen từ Việt,  thành ngữ, tục ngữ... Thứ hai, Bác còn sử dụng các cách thức diễn đạt như chơi chữ, xây dựng nghịch lý, lẩy Kiều...
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: TL
Trong khuôn khổ cho phép, bài báo chỉ tập trung phân tích các phương tiện ngôn ngữ châm biếm theo phương diện thứ nhất.
 
Hệ thống đại từ nhân xưng tiếng Việt rất phong phú và đa dạng, có khả năng miêu tả đầy đủ các mối quan hệ giữa con người với con người trong giao tiếp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ tập trung vận dụng các đại từ nhân xưng ngôi thứ ba để làm phương tiện châm biếm.
 
Chẳng hạn, khi dùng hai từ “chúng”, “chàng” để gọi tên Giôn-xơn và Gô-noa-tơ, các vị nguyên thủ quốc gia Mỹ: “Trong cuộc bầu cử này, Tổng Giôn là người đảng dân chủ, Gô-noa-tơ là người thuộc đảng Cộng Hoà. Những ngày vận động tranh cử chúng hết lời bêu rếu nhau. Mặt khác, cả hai chàng đều ra sức lừa bịp nhân dân” ( Trò tổng tuyển cử Mỹ - Báo Nhân Dân 3.1.1964); Bác đã thể hiện thái độ mỉa mai, khiến các nguyên thủ “ đáng kính ” của nước Mỹ  bỗng chốc trở thành những “chàng trẻ tuổi” giàu năng khiếu “lừa lọc”, tranh giành quyền lợi và mị dân...
 
Khi nhắc đến hai vị nguyên thủ đứng đầu hai chính phủ bù nhìn Việt Nam và Nam Triều Tiên là Ngô Đình Diệm và Lý Thừa Vãn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng từ gã nhằm mục đích  bộc lộ bản chất phản động bán nước, hại dân của Diệm và Vãn. “Nam Việt Nam và Nam Triều Tiên cách xa nhau  hàng ngàn cây số thế mà Ngô Đình Diệm và Lý Thừa Vãn giống nhau dữ: Hai gã đều do đế quốc Mỹ nặn thành bù nhìn đẫm máu. Hai gã đều gầm gừ chống cộng và hò hét “Bắc tiến” (Báo Nhân dân, 3-5, 1960).
 
Bên cạnh việc sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba để làm phương tiện châm biếm, Hồ Chủ tịch còn sử dụng từ khẩu ngữ như trơ tráo, đốn mạt, mạt kiếp, rêu rao, nói khoác, nói phét, ba hoa, hống hách, múa mép, bợm, trùm, lâu la, chó săn... là những từ có nghĩa xấu, mang sắc thái mỉa mai, đả kích, châm biếm cao, có tính tạo hình đậm nét gây ấn tượng mạnh mẽ để châm biếm.
 
Chẳng hạn, trong một đoạn văn ngắn của tiểu phẩm “Nói chuyện Mỹ”, Bác Hồ  đã sử dụng đến 5 từ khẩu ngữ  nói dối, nói khoác, nói phét, leo lẻo, múa mồm kết hợp với các từ nước ngoài go home, thành ngữ sứt đầu mẻ trán, ba chân bốn cẳng... có tính chất biểu cảm cao, gây ấn tượng mạnh, qua đó bộc lộ  đầy đủ các phương diện khác nhau  về bản chất của bọn trùm Nhà trắng và lầu Năm góc, đồng thời đả kich cái công  lý ngược đời của bọn đế quốc.
 
Đối với những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một thái độ phê bình thẳng thắn. Với các đối tượng này, Bác cũng thường sử dụng những từ khẩu ngữ gây ấn tượng mạnh, có sắc thái biểu đạt cao để chỉ trích những khuyết điểm của đối tượng và bộc lộ thái độ phê phán của mình. Những từ khẩu ngữ thường được Bác sử dụng như: chén, ăn bớt, xoay, đùn, ta đây, lên mặt, vác mặt,...
 
Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã phê bình cái vô duyên của anh chàng mắc bệnh nói dài, ba hoa: “Nhiều người trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc nói ra hoặc lặp lại những cái trước đã nói hoặc lặp đi lặp lại một cái  mình đã nói, lúng túng như gà mắc tóc. Thôi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai”.
 
Hoặc Bác dùng động từ chén để phê bình thẳng thắn thói liên hoan lu bù, chén chú, chén anh của các cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền để ăn chơi tiêu xài của dân mà không hề nghĩ đến dân: “Dân ta làm cả ngày, cả đêm, mà một số người  đụng cái gì cũng chén, mà lại chén nhiều chứ không phải chén ít”.
 
Để chỉ trích, phê phán những biểu hiện tiêu cực  của một số cán bộ, đảng viên, Hồ Chủ tịch cũng sử dụng những từ mang nghĩa tốt vào những cảnh nghịch lý để đả kích, châm biếm. Trong bài “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí” đăng trên báo Nhân dân ngày 15.5.1960, Bác đã dùng các từ đường hoàng, ngăn nắp, anh hùng để phê phán, mỉa mai một số cán bộ đã tham ô của công, nhưng lại tham ô một cách “đường hoàng”, không giấu giếm, không sợ sệt: “Chàng thanh niên bảnh bao của một cơ quan nọ, đã trộm cắp của công một cách đường hoàng, một cách có ngăn nắp và trộm cắp đã nhiều lần. Điều đáng chú ý ở đây là những người xung quanh  biết nó là kẻ trộm, chẳng những không chống mà lại vỗ vai nó, khen ngợi nó, xem nó như một người anh hùng”.
 
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở đây một phương tiện giao cảm nhiệm mầu với quần chúng nhân dân. Dưới ngòi bút đầy sáng tạo và linh hoạt của Người, thành ngữ, tục ngữ đã trở thành một phương tiện tu từ rất sinh động và tinh tế. Để phê phán lề lối làm việc thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, Bác không chỉ trích thẳng mà phê phán một cách tinh tế và sâu sắc bằng cách dựa vào quan hệ  trái nghĩa của hai thành ngữ miệng nói tay làm và chỉ tay năm ngón: “Trong cán bộ có những đồng chí tốt “miệng nói tay làm” nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay năm ngón”, không chịu làm”(Báo Nhân Dân ngày 14.3.1967).
 
Với cán bộ, đảng viên, quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng các thành ngữ như  nước đổ đầu vịt, im hơi lặng tiếng, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, đầu voi đuôi chuột, gặp chăng hay chớ, tự cao tự đại, tự kiêu tự mãn... để phê bình, chỉ trích các biểu hiện tiêu cực của họ. Với sự xuất hiện của các thành ngữ trên, trong mỗi câu văn của Bác vừa giàu hình ảnh lại vừa tinh tế làm cho người bị phê bình không hề cảm thấy tự ái, tức giận. Trái lại, họ càng thấm thía hơn lời răn dạy của Người, và càng có ý thức hơn  trong việc  nhìn lại bản thân mình, để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm và vươn lên.
 
Với kẻ thù xâm lược và bọn tay sai bán nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng các thành ngữ có sắc thái biểu đạt cao gây ấn tượng mạnh để đả kích, châm biếm kẻ thù như chết nết không chừa, giập đầu gãy cánh,  hứa hươu hứa vượn, mồm loa mép dãi, bán trời không văn tự, khẩu phật tâm xà,  treo đầu dê bán thịt chó, ném đá giấu tay, đè đầu cưỡi cổ...
 
Như vậy, có thể nói rằng, một trong những thành công của bút pháp châm biếm của Hồ Chủ tịch  là sự sáng tạo vừa sử dụng đại từ (ngôi thứ ba), vừa sử dụng khẩu ngữ có sắc thái biểu đạt mạnh, vừa sử dụng ngôn ngữ dân gian, vừa kết hợp  sử dụng tiếng nước ngoài  xen lẫn tiếng Việt... Do đó, đối với cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân, cách châm biếm của Bác bao giờ cũng nhẹ nhàng, ân cần và sâu sắc như thái độ của người cha, người bác, người anh. Đối với kẻ thù, ngòi bút châm biếm của Người nhằm đả kích, chế giễu, vạch trần bản chất  xấu xa, tàn bạo của chúng. Mục đích chung của việc châm biếm trong ngôn ngữ của Người là nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.
 
Hoàng Tất Thắng
(Đại học Khoa học Huế)