Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lệ Thủy: Vì sao dân kiện... chính quyền?

  • 22:19 | Thứ Hai, 08/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bà Nguyễn Thị Hiền trú tại thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy Trung (nay là xã Ngư Thủy) khởi kiện UBND huyện Lệ Thủy ra tòa án yêu cầu bồi thường cho gia đình bà số tiền phát sinh trong quá trình giải quyết đền bù thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển (ÔNMTB). Nguồn cơn vụ kiện này do đâu? Từ phía chính quyền sai hay người dân khiếu kiện sai?
 
Lập bản kê giả để đền bù gian dối cho dân
 
Theo lời bà Nguyễn Thị Hiền trình bày, thực hiện chủ trương bồi thường thiệt hại do sự cố ÔNMTB, gia đình bà (gồm bà cùng chồng Nguyễn Đình Hiệu và con trai Nguyễn Đình Cường) là đối tượng thuộc diện hưởng chế độ bồi thường về tàu thuyền và lao động trực tiếp trên biển, nhưng trong quá trình xét, các cấp chính quyền huyện Lệ Thủy chỉ cho hưởng theo diện đối tượng lao động khai thác thủy sản đơn giản, bốc vác, chở thuê, sơ chế hàng thủy sản bị mất việc làm không có thu nhập.
 
Không đồng ý với diện đền bù trên, gia đình gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện Lệ Thủy. Ngày 31-7-2017, UBND huyện ban hành quyết định số 3363/QĐ-UBND không công nhận nội dung khiếu nại của bà Hiền về việc gia đình bà có tàu đánh bắt hải sản; ông Hiệu và ông Cường không phải lao động trực tiếp trên biển.
Để có được sự đền bù thỏa đáng, vợ chồng bà Hiền, ông Hiệu tốn không ít công sức, tiền của.
Để có được sự đền bù thỏa đáng, vợ chồng bà Hiền, ông Hiệu tốn không ít công sức, tiền của.
Trong quá trình tìm hiểu sự việc, phóng viên Báo Quảng Bình được bà Nguyễn Thị Hiền cung cấp một tình tiết rất quan trọng khẳng định các bản kê khai của ông Hiệu và ông Cường gửi UBND xã Ngư Thủy Trung (cũ) ngày 26-8-2016 hai ông không hề lập, không ký tên mà do cán bộ thôn, xã tự ý kê khai.
 
Ông Nguyễn Đình Hiệu khẳng định gia đình mình sở hữu đến 3 tàu cá đánh bắt thủy sản trên biển. Tuy nhiên, khi kê khai đền bù ông chỉ kê khai 1 tàu cá số hiệu QB 50123 TS, đóng năm 2013, được Phòng NN và PTNT huyện Lệ Thủy cấp giấy phép khai thác thủy sản số 123/KTTS, ngày 19-8-2015, gia hạn lần một đến hết ngày 18-8-2016. Ông cùng con trai Nguyễn Đình Cường là lao động đánh bắt trực tiếp trên con tàu này.
 
Ngày 4-10-2017, đại diện UBND huyện Lệ Thủy và chính quyền xã Ngư Thủy Trung mời gia đình bà Hiền lên làm việc. Biên bản cuộc họp mà phóng viên Báo Quảng Bình có được cho thấy, phía gia đình bà Hiền thắc mắc các bản khai của ông Cường và ông Hiệu có yếu tố làm giả, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ. Tuy nhiên, đại diện chính quyền lại yêu cầu ngược lại đề nghị gia đình bà Hiền tự đi giám định chữ ký để chứng minh các bản khai của ông Cường và ông Hiệu là thật hay giả mạo.
 
Bà Nguyễn Thị Hiền làm đơn gửi Công an tỉnh xin được giám định chữ ký tại các bản kê khai. Kết quả, sau nhiều lần lặn lội ra tận Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xin giám định, đến tháng 3-2018, Viện khoa học hình sự kết luận: “Chữ ký tại bản kê khai đối với người lao động của ông Hiệu và ông Cường không phải chữ ký của hai ông”.
 
Sau khi có kết quả giám định, bà Hiền tiếp tục làm đơn khiếu nại đến UBND huyện. Ngày 4-6-2018, UBND huyện Lệ Thủy ra quyết định số 2336/QĐ-UBND hủy quyết định số 3363/QĐ-UBND với lý do: “Căn cứ kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thì bản kê khai đề ngày 26-8-2016 của ông Nguyễn Đình Hiệu, ông Nguyễn Đình Cường mà UBND xã Ngư Thủy Trung làm căn cứ để xét bồi thường sự cố ÔNMTB không phải do ông Hiệu và ông Cường tự kê khai mà người khác viết thay, ký tên”.
 
Từ đó, UBND huyện thống nhất bồi thường cho gia đình bà Hiền số tiền trên 135 triệu đồng (trong đó tiền mất thu nhập đối với đối tượng lao động đánh bắt trên biển hơn 71 triệu đồng và tiền bồi thường tàu thuyền hơn 64 triệu đồng).
 
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền không thắc mắc gì thêm đối với các khoản bồi thường trên và đã nhận tiền. Tuy nhiên, để có được kết quả giám định làm căn cứ cho UBND huyện Lệ Thủy “sửa sai”, các thành viên trong gia đình nhiều lần phải “tốn công, tốn của” ra Hà Nội nhiều lần. Tổng chi phí hết 175 triệu đồng. Bà Hiền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy phải bồi thường cho gia đình bà số tiền này.
 
Các cấp chính quyền huyện Lệ Thủy từ chối trách nhiệm
 
Trong toàn bộ nội dung sự việc, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền hiện tại vẫn đang giữ các loại giấy tờ liên quan chứng minh sở hữu tàu cá QB 50123 TS. Việc kê khai tiến hành thiếu sự minh bạch, không kiểm tra chặt chẽ bản kê khai dẫn đến tình trạng bản kê khai thiệt hại của ông Hiệu và ông Cường bị làm giả nội dung và chữ ký. Trách nhiệm đầu tiên phải kể đến là chính quyền thôn Thượng Hải và UBND xã Ngư Thủy Trung (cũ).
 
Ông Ngô Thiên Ngôi, nguyên trưởng thôn Thượng Hải trình bày: “Năm 2016, ông làm trưởng thôn, thành viên tổ kê khai, rà soát việc phát phiếu cho các hộ dân. Trên thực tế khi phát phiếu kê khai đối với gia đình bà Nguyễn Thị Hiền thì thôn đã phát phiếu cho em gái và vợ ông Cường. Khi ký vào bản kê khai thì không xác định được ai là người đã kê khai, ký vào bản kê khai đó”. Ông Ngôi biện bạch: “Việc nhận phiếu, điền thông tin và ký vào bản kê khai là trách nhiệm của từng hộ gia đình. Tôi chỉ có trách nhiệm nhận phiếu và chuyển đến cán bộ phụ trách xã Ngư Thủy Trung”.
Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá do Phòng NN và PTNT huyện Lệ Thủy cấp cho tàu cá mang số hiệu QB 50123 TS thuộc sở hữu gia đình bà Hiền, ông Hiệu.
Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá do Phòng NN và PTNT huyện Lệ Thủy cấp cho tàu cá mang số hiệu QB 50123 TS thuộc sở hữu gia đình bà Hiền, ông Hiệu.
Ông Nguyễn Quang Thao, nguyên Chủ tịch UBND xã và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Ngư Thủy Trung (cũ) cho rằng: “Liên quan đến thủ tục, quy trình trong việc lập danh sách để có căn cứ bồi thường thiệt hại, xã giao cho trưởng thôn. Việc rà soát tiếp nhận là trách nhiệm trưởng thôn. Chữ ký của ông Hiệu, ông Cường bị làm giả, UBND xã không xác định được ai là người ký vào bản kê khai đó vì… hộ dân trong xã rất đông, xã không kiểm soát được”.
 
Về phía UBND huyện Lệ Thủy, ông Đỗ Tuấn Phong, Chánh Thanh tra huyện, đại diện theo ủy quyền của ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, UBND huyện đã “sửa sai” sau khi có kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Trên cơ sở đó giải quyết bồi thường cho gia đình bà Hiền đầy đủ.
 
Đối với yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường số tiền 175 triệu đồng “ngoài hợp đồng” thiệt hại trong quá trình tiến hành giám định chữ ký, UBND huyện cho rằng: “Việc tổ chức kê khai bồi thường sự cố môi trường biển là trách nhiệm thôn và xã. Đối với bản kê khai của ông Hiệu, ông Cường không phải do hai ông ký tên, đến nay chưa xác định được ai là người ký vào bản kê khai này. Nếu có việc bồi thường ngoài hợp đồng thì đề nghị bà Hiền xác định ai là người làm giả bản kê khai để yêu cầu bồi thường… UBND huyện không có cơ sở để thực hiện việc bồi thường thiệt hại đối với các chi phí mà bà Hiền yêu cầu. Việc bà Hiền giám định (chữ ký-PV) mang tính tự phát, nên các chi phí bà Hiền yêu cầu là không có căn cứ”.
 
Sau khi tiếp nhận và đưa vụ án ra xét xử, TAND huyện Lệ Thủy tuyên xử không chấp nhận khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hiền về việc yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy bồi thường thiệt hại số tiền 175 triệu đồng. Không đồng tình với bản án, bà Nguyễn Thị Hiền tiếp tục có đơn kháng cáo xét xử phúc thẩm.
 
Nhóm PV.Bạn đọc