Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Công trình thủy lợi Rào Nan: Cần sớm được triển khai xây dựng

  • 08:10 | Thứ Năm, 24/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Công trình Hệ thống thủy lợi Rào Nan (thuộc thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn) hiện tại được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Công trình thủy lợi này đã cung cấp nước tưới cho khoảng 1.400ha lúa hai vụ của 9 xã vùng nam thị xã Ba Đồn. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, đập đã xuống cấp nghiêm trọng, hiện tại công trình chỉ đáp ứng được khoảng 70% yêu cầu.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ, nhân dân thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch, ngày 30-10-2017, Bộ Nông Nghiệp và PTNT đã ra Quyết định số 4428/QĐ-BNN-XD và sau đó là Quyết định số 3476/QĐ-BNN-XD, ngày 30-8-2018 phê duyệt Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan, với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng.

Đây là dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, sau khi hoàn thành công trình sẽ bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.

Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, an toàn cho vùng hạ du, ngăn mặn giữ ngọt, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác; góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực tiến tới xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, việc nâng cấp, xây dựng lại hệ thống thủy lợi Rào Nan đang là việc làm cấp thiết và cần sớm được triển khai.

Phối cảnh đập dâng Hệ thống thủy lợi Rào Nan sau khi hoàn thành nhìn từ hạ lưu.
Phối cảnh đập dâng Hệ thống thủy lợi Rào Nan sau khi hoàn thành nhìn từ hạ lưu.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến thời điểm hiện tại Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan vẫn chưa được triển khai. Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ của dự án, đó là do người dân trên địa bàn thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn lo lắng và không yên tâm về độ an toàn của công trình nên đã không đồng thuận.

Qua một số ý kiến của người dân tại thôn Linh Cận Sơn bày tỏ sự lo lắng khi đầu tư xây dựng đập Rào Nan, ông Mai Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: Thôn Linh Cận Sơn có 251 hộ dân sinh sống phía hạ lưu con đập và có khoảng 53 hộ dân không đồng tình với dự án này.

“Chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động bà con nên thay đổi suy nghĩ, tin tưởng vào các nhà khoa học và cũng vì lợi ích chung để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nhiều bà con vẫn chưa đồng thuận” ông Kiên chia sẻ.

Bày tỏ sự lo ngại đập thủy lợi Rào Nan sẽ gây ra nguy cơ lũ ống, lũ quét, bà  Phan Thị Thủy cho biết: “Người dân lo ngại vỡ đập hoặc nước tràn về lúc nào không biết, sợ công trình không bảo đảm an toàn”.

Đỉnh điểm của sự không đồng tình về dự án là Chi hội Nông dân thôn Linh Cận Sơn và một số hộ dân đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi một số cơ quan của Trung ương và UBND tỉnh đề nghị di chuyển vị trí xây dựng công trình, hoặc di dời toàn bộ 251 hộ dân trên địa bàn thôn. Mặt khác, tổ chức cử người đi khiếu kiện và quyên góp tiền làm kinh phí phục vụ khiếu kiện lên Trung ương và chính quyền các cấp.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân, một số thành phần chống đối phối hợp với một số linh mục quản xứ trên địa bàn đã ra sức tuyên truyền, rao giảng hoặc đăng tải các nội dung phản đối trên các trang mạng xã hội gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Tại một số cuộc đối thoại giữa chính quyền các cấp với người dân thôn Linh Cận Sơn, một số phần tử cực đoan đã kích động, kêu gọi người dân chuẩn bị băng rôn biểu ngữ, hô hào chặn đường, ngăn cản cán bộ...

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, Thường trực Thị ủy Ba Đồn đã triển khai một số công việc nhằm ổn định tình hình nhân dân, bảo đảm để triển khai dự án theo kế hoạch; ra quyết định thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động để triển khai, thực hiện dự án.

Các tổ có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với tổ công tác của UBND thị xã và các tổ công tác của các sở, ngành cấp tỉnh, tăng cường nắm chắc tình hình nhân dân, có giải pháp tuyên truyên, vận động, giải thích cho người dân trong khu vực Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan, tạo sự đồng thuận để triển khai, thực hiện dự án.

Thườngtrực Thị ủy cũng đã chỉ đạo xã Quảng Sơn chủ trì họp đảng viên tại thôn Linh Cận Sơn để quán triệt việc thực hiện dự án; ban hành nghị quyết của Chi bộ thôn Linh Cận Sơn để thống nhất chủ trương, lãnh đạo nêu cao quyết tâm triển khai thực hiện dự án.

Thường trực Thị ủy chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo xã Quảng Sơn và các ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều đợt vận động trực tiếp đến tận người dân; tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để phân tích cho người dân hiểu rõ về dự án. Mặt khác, nắm chắc những hộ dân đã đồng thuận, những hộ dân chưa đồng thuận, nguyên nhân chưa đồng thuận để tiếp tục có biện pháp tuyên truyền vận động.

Để tạo sự đồng thuận và giúp người dân thôn Linh Cận Sơn hiểu rõ hơn về Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan, ngày 30-3-2019, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc đối thoại với sự tham gia của lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và PTNT, các nhà khoa học đầu ngành, các cấp chính quyền, đại diện các ban, ngành, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, đại diện các xã nằm trong vùng hưởng lợi từ dự án và người dân thôn Linh Cận Sơn. Trong buổi đối thoại, đại diện Bộ Nông nghiệp - PTNT và các chuyên gia đầu ngành đã giải thích, làm rõ các thắc mắc, lo lắng của người dân.

Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp - PTNT Hoàng Văn Thắng và các đơn vị chuyên môn khẳng định độ an toàn cao cũng như nhiều lợi ích cộng đồng do con đập thủy lợi Rào Nan mang lại.

“Đập bê tông là an toàn nhất. Tuy nhiên khó là nền móng, điều kiện địa chất đủ cường độ mới làm được. Nhiều công trình chúng tôi mong làm đập bê tông nhưng không được. Riêng công trình đập Rào Nan đã nghiên cứu cả 3 tuyến và chúng tôi chọn tuyến cuối cùng. Chọn tuyến dưới làm đập bê tông thì chúng ta có thể yên tâm về an toàn công trình”, ông Thắng nói.

Theo ông Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông Nghiệp -PTNT Quảng Bình thì, việc xây dựng con đập là cấp thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao đời sống cho người dân. Công trình hoạt động dưới dạng nước tự chảy theo động lực học, không cần phải dùng trạm bơm.

Ngoài ra, xây con đập như bắc nhịp cầu nối giữa bờ bắc và bờ nam sông Nan để bà con qua lại thuận tiện hơn. “Bản chất công trình là đập dâng, nước vẫn chảy bình thường, chứ không phải là hồ chứa. Vì thế công trình không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân” ông Khoa cho hay.

Theo tính toán, đập thủy lợi Rào Nan sẽ tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để giải quyết tình trạng thiếu nước như hiện nay. Dự kiến con đập sẽ cấp đủ nước cho 1.800 ha đất sản xuất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 22.000m3/ngày đêm.

Khác với đập thủy điện, dự án đập dâng Rào Nan có chức năng thoát lũ bằng tự chảy qua tràn. Trước mùa mưa lũ về, đơn vị quản lý, vận hành sẽ nâng 15 cửa xả van để trả lại khả năng thoát lũ của lòng sông. Đập dâng Rào Nan được thiết kế xây dựng mới là đập tràn dạng Ôfixêrôp đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi (283 cọc đường kính 1m, chiều sâu 20m), kết cấu toàn bộ bằng bê tông cốt thép. Cao trình ngưỡng tràn là +6m (đập dâng Rào Nan hiện tại cao trình 1,5m).

Chiều dài đập dâng trên 177m, bao gồm 15 cửa van (mỗi cửa van rộng 10m) và 2 cửa xả cát (mỗi cửa rộng 4,5m). Hệ thống gồm 15 cửa van và 2 cửa xả cát như trên đảm bảo an toàn tuyệt đối về thoát lũ cho công trình. Mùa khô kiệt, hệ thống cửa van sẽ đóng lại dâng nước lên nhằm cấp nước tưới cho những tháng thiếu nước (từ tháng 5-8) vụ hè thu. Khi mùa mưa đến (đầu tháng 9), toàn bộ 15 cửa tràn và 2 cửa xả cát sẽ được mở hoàn toàn để bảo đảm thoát lũ.

Nói về sự an toàn của đập Rào Nan, một cán bộ trong đoàn công tác của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khi đến thôn Linh Cận Sơn cho biết thêm: Công trình thủy lợi Rào Nan không làm ngập thêm khu vực này, chúng tôi đã tính toán dựa trên quan trắc cơn lũ lớn nhất từ lúc xây đập Rào Nan cho đến nay. Dựa trên cơ sở đó và tính toán lớn hơn 1,5 lần nên độ an toàn tuyệt đối là rất cao.

Đặng Viết Tiến

(Ban Dân vận Thị ủy Ba Đồn)