icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

  • 14:56 | Thứ Ba, 24/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 24-11, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
 
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trên cả nước...
 
Tham dự tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, ngành. 
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Quảng Bình
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Quảng Bình
Tại hội nghị, Chính phủ đã nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020.
 
Tiếp đó, hội nghị đã dành thời gian để đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan, đơn vị trình bày báo cáo về những nội dung liên quan đến nhiều chủ đề lớn, gồm: công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật-thực tiễn và giải pháp; công tác lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện phản biện xã hội trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật... 
 
Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo: cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ... cùng những nội dung quan trọng khác.
 
Báo cáo trình bày tại hội nghị cho thấy, 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản (71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011-2015; Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011-2015; Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; các địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản thi hành pháp luật... 
 
Cũng tại hội nghị, đại diện các cơ quan đơn vị đã tập trung tham luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến những chủ đề lớn, như: công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện phản biện xã hội trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật…
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng tình cao với nội dung các báo cáo được nêu ra.
 
Sau khi chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Thủ tướng đã yêu cầu: Cải cách thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được Trung ương xác định để phát triển đất nước, do vậy, thời gian tới, phải chú trọng nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, từ đó, dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn nữa để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
 
Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tránh hình thức; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật; kiên quyết chống lợi ích nhóm trong làm chính sách, xây dựng pháp luật; tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội…
 
Văn Minh