icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đằng sau những tấm huy chương vàng

  • 08:20 | Thứ Sáu, 24/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Thị Ngọc đang là 2 cái tên khá nổi tiếng trong làng thể thao của khu vực và cả thế giới. Nhưng có lẽ, ít người biết những chàng trai, cô gái "vàng” này được phát hiện và đào tạo bước đầu như thế nào. Đó thật sự là một hành trình “tìm vàng trong cát” của những người làm công tác thể thao thành tích cao ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (HL-TĐ TDTT) Quảng Bình
 
Lên núi tìm… “vàng”
 
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp nghỉ hè hoặc các kỳ Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, cấp huyện, những người làm công tác thể thao ở Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh lại chia nhau về các địa phương để tìm kiếm học sinh có năng khiếu thể thao, đưa các em về tập luyện, đào tạo thành những vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp. Có thể nói, cơ duyên đến với thể thao thành tích cao của các VĐV ở Quảng Bình phần lớn đều bằng con đường “tuyển trạch” này.
 
“Công tác “tuyển trạch” VĐV nghe qua thì đơn giản, nhưng thực tế lại vô cùng gian nan, chẳng khác gì “tìm vàng trong cát”, bởi có khi suốt cả mùa hè lăn lộn ở cơ sở mà chúng tôi cũng không tìm được em nào. Để tìm được một em đủ tiêu chuẩn, chúng tôi phải nắm bắt nhiều nguồn thông tin, đi lại nhiều lần về cơ sở, quan sát các em luyện tập, thi đấu để đánh giá, “test” chuyên môn... Tiếp đến, phải tìm cách thuyết phục gia đình cho các em vào trung tâm để đào tạo, huấn luyện bước đầu. Đã không ít lần, chúng tôi tuyển chọn được một số em, nhưng khi về đến trung tâm, phụ huynh đổi ý, xin đưa con em về lại quê vì thấy điều kiện ăn ở, tập luyện thiếu thốn…”, ông Nguyễn Xuân Tý, Phó Giám đốc Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh, người có trên 30 năm thực hiện việc tìm kiếm VĐV thể thao của tỉnh, chia sẻ.
Hai VĐV Nguyễn Huy Hoàng và Hoàng Thị Ngọc nhận bằng khen của UBND tỉnh sau khi giành HCV tại SEA Game 30.
Hai VĐV Nguyễn Huy Hoàng và Hoàng Thị Ngọc nhận bằng khen của UBND tỉnh sau khi giành HCV tại SEA Game 30.
Theo ông Tý, trước năm 2005, những người được giao nhiệm vụ đi tuyển chọn VĐV thể thao thường tìm đến những địa phương được xem là “mỏ vàng” lộ thiên như: Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Võ Ninh (Quảng Ninh), Phong Thủy (Lệ Thủy)… Đây là những vùng đã từng xuất hiện nhiều VĐV tài năng, đặc biệt là ở môn bơi lội như: Hoàng Công Minh, Phạm Thị Huệ, Trần Xuân Hiền… Tuy nhiên, vì là “mỏ vàng” nên những địa phương này cũng hấp dẫn nhà “tuyển trạch” VĐV đến từ các ngành và tỉnh khác như: Quân đội, Đà Nẵng, Bình Phước… về tìm kiếm, tuyển dụng VĐV. Thực tế đó buộc những người làm công tác thể thao Quảng Bình phải chuyển hướng tìm kiếm VĐV ở các địa bàn khác, cụ thể là địa bàn các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, nơi trước đây chưa có ai để ý đến.
 
Và có một bất ngờ không hề nhỏ, chính ở những vùng sâu, vùng xa như Sơn Trạch (Bố Trạch), Tiến Hóa, Đồng Hóa (Tuyên Hóa), các huấn luyện viên bằng con mắt nhà nghề và lòng nhiệt huyết đã phát hiện ra nhiều VĐV tài năng như: Ngô Ngọc Quỳnh, Mai Thị Linh; đặc biệt là “chàng trai vàng” Nguyễn Huy Hoàng (môn bơi lội) và “cô gái vàng” Hoàng Thị Ngọc (môn điền kinh).
 
Người thầy đầu tiên
 
Nguyễn Huy Hoàng và Hoàng Thị Ngọc hiện đang là 2 cái tên khá nổi tiếng trong làng thể thao khu vực và thế giới. Nguyễn Huy Hoàng (SN 2000) ở thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa), một làng quê bên bờ sông Gianh. Hoàng được các HLV ở Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh phát hiện và tuyển chọn từ năm 2011.
 
Là VĐV bơi lội Việt Nam đầu tiên bước lên bục cao nhất tại đấu trường SEA Games, tháng 8-2018, Nguyễn Huy Hoàng còn là VĐV nam đầu tiên của bơi lội Việt Nam giành tấm huy chương bạc (HCB) lịch sử tại đấu trường ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á 2018) ở nội dung bơi 1.500m tự do nam. Tại SEA Games 30, Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục gặt hái được thành tích vang dội khi xuất sắc giành 2 huy chương vàng (HCV), 2 HCB, phá 2 kỷ lục SEA Games, đồng thời đạt chuẩn A Olympic cử ly 1.500 m, giành vé tranh tài thêm nội dung này ở Olympic Tokyo (Nhật Bản) sắp tới. Trước đó, Huy Hoàng đã đạt chuẩn A Olympic cự ly 800 m.
  
Nhiều lần đứng trên bục cao vinh quang, được tập luyện với những HLV nước ngoài tài giỏi, nhưng như Hoàng từng chia sẻ: “Để có được thành tích như hôm nay, em không bao giờ quên những bài học đầu tiên trên sông Gianh của thầy Minh (HLV Hoàng Công Minh) ở Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh nhà. Không chỉ dạy kỹ thuật bơi lội, thầy Minh còn dạy em tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc, lòng kiên trì nhẫn nại và niềm đam mê thể thao để em không ngừng cố gắng vươn lên…”
 
Tại SEA Games 30-2019, khi VĐV Hoàng Thị Ngọc cùng đồng đội bảo vệ thành công tấm HCV, ở quê nhà, HLV Dương Nhật Thu nước mắt chảy dài vì sung sướng: “Lâu nay, khi nhắc tới thể thao thành tích cao Quảng Bình, mọi người quen nghĩ tới các môn bơi, lặn, rowing, còn môn điền kinh thì vắng bóng. Cho đến SEA Games 29, Ngọc và đồng đội đã mang về tấm HCV được đánh giá còn quý hơn vàng. Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ tham dự SEA Games, VĐV Quảng Bình có huy chương, mà lại là HCV ở môn điền kinh, môn thể thao “nữ hoàng". Lần này, Ngọc và đồng đội tiếp tục bảo vệ thành công tấm HCV này. Điều này những người làm công tác thể thao như chúng tôi rất đỗi tự hào về nghề nghiệp của mình. Ngọc đã giúp chúng tôi thực hiện được ước mơ còn dang dở của mình…”.
Vùng quê ven sông Gianh (quê hương của 2 VĐV Nguyễn Huy Hoàng và Hoàng Thị Ngọc) được xem là “mỏ vàng” mới để tìm kiếm các tài năng thể thao.
Vùng quê ven sông Gianh (quê hương của 2 VĐV Nguyễn Huy Hoàng và Hoàng Thị Ngọc) được xem là “mỏ vàng” mới để tìm kiếm các tài năng thể thao.
Hoàng Thị Ngọc (SN 1995) ở xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa). Ngọc được HLV Dương Nhật Thu phát hiện và tuyển chọn vào đội tuyển năng khiếu điền kinh của tỉnh từ năm 2009, thông qua Hội khỏe Phù Đổng huyện Tuyên Hóa năm 2008. Quả thật, nếu không có những “người thầy đầu tiên” như HLV Hoàng Công Minh, Dương Nhật Thu, Dương Văn Mạnh… ở Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh thì làm sao có được “chàng trai vàng” Nguyễn Huy Hoàng và “cô gái vàng” Hoàng Thị Ngọc như bây giờ. Không chỉ là những người thầy, mà các HLV nhiều lúc còn phải vào vai những người cha, người mẹ của các VĐV, là cầu nối tình cảm giữa VĐV và gia đình những lúc các em tập huấn, thi đấu xa nhà…  
 
Cả Nguyễn Huy Hoàng và Hoàng Thị Ngọc đều sinh ra trong những gia đình nông dân nghèo. Chính những HLV ở trung tâm đã phát hiện và hướng các em theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Những bài học đầu tiên mà các thầy dạy các em không chỉ về chuyên môn thể thao, mà còn là những bài học về tình yêu quê hương, đất nước, về cách “đối nhân xử thế”, cách làm người... Nhưng cũng chính những bài học ngoài chuyên môn đó là động lực để các VĐV luôn nỗ lực vượt khó, khổ luyện, không tự mãn và ngày càng tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình, tiếp tục mang vinh quang về cho quê hương, Tổ quốc…
 
Phan Phương