Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thủ tướng Johnson ra đi, để lại nước Anh giữa cơn khủng hoảng

  • 19:43 | Thứ Sáu, 08/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ông Boris Johnson cuối cùng đã buộc phải chấp nhận từ chức Thủ tướng Anh ngày 7/7 khi hàng chục thành viên trong đảng của ông rời bỏ chính phủ. Ông Johnson đồng ý ra đi trong bối cảnh Anh chìm trong nhiều cuộc khủng hoảng.
 
Theo kênh CNN, tỷ lệ ủng hộ ông Johnson cũng suy giảm nghiêm trọng do lạm phát gia tăng, nền kinh tế Anh trì trệ, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh khó khăn trong mùa đông này, cùng với đó là nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại với Liên minh châu Âu (EU).
 
Anh có lạm phát cao nhất khối G7
Thủ tướng Anh Boris Johnson rời khỏi toà nhà số 10 phố Downing, London ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Anh Boris Johnson rời khỏi toà nhà số 10 phố Downing, London ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Mọi nền kinh tế lớn đều phải gánh chịu hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng, cũng như hứng chịu cú sốc về chi phí năng lượng và lương thực sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2.
 
Nhưng tình hình ở Anh lại tồi tệ hơn hầu hết các nước khác. Lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm, lên tới 9,1% vào tháng 5, cao nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu G7. Dự báo lạm phát ở Anh sẽ tăng trên 11% vào cuối năm nay bất chấp một loạt các đợt tăng lãi suất.
 
Tác động trực tiếp của Brexit (Anh rời EU) đã làm tình trạng thiếu lao động thêm trầm trọng và tăng chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp. Chi phí nhập khẩu cũng tăng cao hơn do giá đồng bảng Anh giảm mạnh trong năm nay.
 
Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng đã tạo ra cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các hộ gia đình có thu nhập thấp phải lựa chọn giữa sưởi ấm và thức ăn.
 
Chính phủ của ông Johnson đã hứa hỗ trợ 400 bảng Anh cho mỗi gia đình để giúp đỡ hàng triệu người đang gặp khó khăn khi thanh toán hóa đơn năng lượng. Chính phủ cũng buộc phải công bố mức thuế 5 tỷ bảng Anh đối với lợi nhuận thu được của các công ty dầu khí.
 
Nhưng những nỗ lực đó đang không còn tác dụng. Theo Ngân hàng Trung ương Anh, thu nhập khả dụng đang có xu hướng giảm mạnh do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao. Số tiền chi trả hóa đơn của người Anh sẽ còn cao hơn rất nhiều.
 
Hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của hộ gia đình có thể tăng khoảng 50% lên 3.000 bảng Anh vào mùa đông này sau khi nâng giới hạn giá tối đa mà các nhà cung cấp có thể tính cho khách hàng. Cơ quan quản lý đã tăng giới hạn lên tới 54% vào tháng 4.
 
Các hộ gia đình ở Anh đặc biệt bị ảnh hưởng khi mức sống liên tục suy giảm. Hiện nay, các mức lương phổ biến không cao hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
 
Anh có thể tăng trưởng thấp nhất
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Walthamstow, Anh, ngày 13/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Walthamstow, Anh, ngày 13/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Nếu không tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tình trạng sụt giảm lương sẽ không thể đảo ngược. Điều này rất có thể sẽ sớm xảy ra.
 
Trên khắp thế giới, quá trình phục hồi mạnh mẽ một thời lại đang bị suy giảm. Nhưng Anh đang ở tình trạng đặc biệt tồi tệ, khi mà một cuộc suy thoái đang rình rập.
 
Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới này đã đứng im vào tháng 2 và bắt đầu suy giảm vào tháng 3. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, tình trạng sụt giảm đã rõ hơn vào tháng 4, khi GDP ước tính đã giảm 0,3%. Cả ba lĩnh vực chính của nền kinh tế là dịch vụ, chế tạo và xây dựng đều đang thụt lùi. Doanh số bán lẻ trong tháng 5 đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp.
 
Có nhiều tin xấu ở phía trước đang chờ Anh. Trong báo cáo về ổn định tài chính được công bố vào đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Anh nói rằng triển vọng của nền kinh tế Anh đã xấu đi đáng kể.
 
Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo rằng nền kinh tế Anh đang đi tới giai đoạn trì trệ, khi dự báo mức tăng trưởng năm 2023 chỉ bằng 0. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là thành tích tồi tệ nhất trong G7 trong năm 2023.
 
Tăng trưởng yếu là tin xấu đối với nợ chính phủ, vốn đã lên tới hơn 90% GDP sau khi thực hiện các biện pháp giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với đại dịch và khủng hoảng năng lượng.
 
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh cho biết dự báo nợ chính phủ sẽ vượt qua 250% GDP trong dài hạn.
 
Điều đó có nghĩa là thủ tướng tiếp theo ông Johnson có rất ít khả năng thực hiện các cam kết cắt giảm thuế hoặc chi tiêu lớn.
 
Brexit ngổn ngang
 
Ông Johnson đã thành công khi hoàn thành Brexit. Nhưng cắt đứt với Liên minh châu Âu (EU) đã không thúc đẩy thương mại như những gì mà ông và những người ủng hộ Brexit khác đã hứa. 
Đồng bảng Anh và đồng đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đồng bảng Anh và đồng đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Anh đã bỏ lỡ phần lớn quá trình phục hồi trong thương mại toàn cầu kể từ sau đại dịch.
 
Đối với nhiều doanh nghiệp, thỏa thuận thương mại miễn thuế mà ông Johnson ký với các nhà lãnh đạo EU cách đây chưa đầy hai năm đã làm phức tạp thêm thủ tục giấy tờ hải quan, khiến họ khó bán hàng vào thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình và làm tăng chi phí nhập khẩu. Các giao dịch ký kết với các quốc gia khác hầu như không có tác dụng.
 
Dữ liệu chính thức được công bố vào tuần trước cho thấy thâm hụt cán cân thanh toán của Anh đã tăng vọt lên 8,3% GDP trong quý đầu tiên của năm 2022. Có nghĩa là nước này đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư nước ngoài để bù đắp cho thực tế là nước này đang phải nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
 
Trong bối cảnh đó, đồng bảng Anh đã bị giảm giá trong năm nay. Mối quan hệ giữa Anhvới các nhà lãnh đạo EU đã căng thẳng. Tình hình có thể leo thang thành một cuộc chiến thương mại có khả năng gây tổn thương nhiều nhất cho Anh.
 
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

tin liên quan

Nhật Bản công bố nguyên nhân tử vong của cựu Thủ tướng Abe Shinzo

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã qua đời vào lúc 17h03 (giờ địa phương) do mất máu sau khi bị bắn từ phía sau. Bác sĩ xác định, ông Abe có hai vết thương do súng bắn ở cổ và bị vỡ mạch máu tim.
 

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thiệt mạng sau vụ ám sát

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không thể qua khỏi do vết thương quá nặng, dẫn tới tình trạng "ngừng tim phổi" sau khi bị bắn vào ngực.
 

Người đầu tiên ứng cử vị trí kế nhiệm Thủ tướng Anh Boris Johnson

Ngày 7/7, Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh Tom Tugendhat đã tuyên bố ra ứng cử vị trí kế nhiệm Thủ tướng Boris Johnson lãnh đạo đảng Bảo thủ.