Sẽ tăng mức đãi ngộ cho gia đình và quân nhân dự bị động viên tham gia huấn luyện?
Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26-11-2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 quy định chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26-11-2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 (gọi tắt là luật); cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn luật được ban hành, đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lực lượng dự bị động viên; theo đó Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 quy định trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên tham gia tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu tại điểm b, khoản 1, Điều 4 “Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”; đồng thời, luật cũng quy định chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu tại Điều 30, Điều 31 được cụ thể hóa tại Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 8-7-2020 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Đối với chế độ tiền lương và phụ cấp, trợ cấp gia đình được quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 4 và khoản 1, Điều 5, Nghị định số 79/2020/NĐ-CP; theo đó, chế độ phụ cấp theo ngày làm việc và trợ cấp gia đình, như sau:
“Điều 4. Phụ cấp theo ngày làm việc
1. Đối với sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị, mức phụ cấp 1 ngày được tính bằng tháng tiền lương cơ bản hiện hành của sĩ quan có cùng cấp bậc quân hàm hoặc cùng bậc lương quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ chia cho 26 ngày.
2. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị, mức phụ cấp theo ngày làm việc được tính bằng mức phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có cùng cấp bậc quân hàm (không bao gồm phụ cấp quân hàm do kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ). Nếu thời gian tập trung từ 5 ngày đến 15 ngày thì được hưởng 1/2 tháng phụ cấp; nếu tập trung từ 16 ngày cho đến 31 ngày thì được hưởng cả tháng phụ cấp; nếu tập trung hơn 31 ngày thì mức phụ cấp tiếp tục được hưởng như quy định từ đầu.
Điều 5. Trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị
1. Mức trợ cấp
a) Mức trợ cấp 160.000 đồng/ngày áp dụng đối với gia đình quân nhân dự bị thuộc diện đang lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
b) Mức trợ cấp 240.000 đồng/ngày áp dụng đối với gia đình quân nhân dự bị không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này.
c) Trường hợp quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi khám bệnh, chữa bệnh thì gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động”.
Như vậy, mức trợ cấp 240.000 đồng/ngày theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 5, Nghị định số 79/2020/NĐ-CP là phù hợp mức thu nhập bình quân của người lao động trên các vùng, miền và khu vực trong cả nước tại thời điểm năm 2020; theo đó, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại thời điểm này đang là 1.490.000 đồng.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, nghiên cứu, phối hợp các ban, bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ trong thời gian tới điều chỉnh mức trợ cấp gia đình cho quân nhân dự bị tham gia tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng dự bị động viên phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước và Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII về cải cách chính sách tiền lương.
Theo Báo QĐND