Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ Điện Biên Phủ đến mùa xuân năm 1975
(QBĐT) - Trước hết, cần khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa xuân năm 1975 là những công tích huyền thoại của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng đất nước nhiều gian khổ, hy sinh...
Đó là thắng lợi to lớn của Đảng vĩ đại và nhân dân anh hùng. Thắng lợi của ý chí “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và tinh thần “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ở hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai cuộc kháng chiến đó gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp. Đại thắng mùa xuân-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp. Sự kết nối lịch sử ấy được bảo đảm bằng tài năng lãnh đạo và chỉ huy của hai bậc Anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa và một vị tướng mang tầm cỡ thế giới. Ở cả hai người, sự kết tinh của lòng yêu nước thương dân và trí tuệ đều ở đỉnh cao.
Tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được dư luận trong và ngoài nước nói tới nhiều lần. Thật đặc biệt khi Đại tướng chưa hề qua một trường quân sự chính quy nào trên thế giới mà đã cầm quân đánh bại những tướng lĩnh nhà nghề của các đội quân đến từ hai nước giàu có và hiện đại, như: Pháp, Mỹ. Không ngạc nhiên chút nào khi nhiều nhà quân sự, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa… không tiếc lời ngợi ca Đại tướng của chúng ta.
Đại tướng nước Anh Peter MacDonald cũng là một nhà phân tích chiến lược cho rằng: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại… Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp chưa từng có”.
Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil B.Currey thì bày tỏ lòng khâm phục trong cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá-Thiên tài quân sự của Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX, và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”…
Gắn liền tên tuổi mình với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vai trò Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ tài năng trong việc biến thời cơ thành lực lượng. Nhờ thế mà không những giành được thắng lợi quyết định mà còn tiết kiệm xương máu của chiến sĩ và đồng bào.
Nếu không có tầm nhìn xa rộng và sáng suốt, không có sự quyết đoán và quyết tâm thì chắc chắn những cơ hội trăm năm có một sẽ bị bỏ lỡ và đương nhiên khả năng giành chiến thắng hết sức mong manh nếu không muốn nói đôi khi bị vỡ trận với nhiều tổn thất về binh lực không lường hết. Đích cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước sẽ bị đẩy xa ra, điều đó cũng có nghĩa máu chiến sĩ, đồng bào ta sẽ đổ nhiều hơn, những thiệt hại của cải sẽ tăng lên, cái giá phải trả cho độc lập, tự do, thống nhất non sông cao hơn rất nhiều lần. Giá trị nhân văn cao cả trong dụng binh của người cầm quân huyền thoại Võ Nguyên Giáp là ở chỗ đó. Là người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã biết kế thừa và phát huy tinh thần lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo của ông cha truyền lại.
Điện Biên Phủ (1953-1954). Không thể nói khác được, đó là canh bạc cuối cùng trong cuộc chiến Đông Dương của thực dân Pháp. Tướng Nava chọn lòng chảo Mường Thanh để xây dựng nên một tập đoàn cứ điểm quân sự lớn mạnh mà họ ngạo nghễ cho rằng “bất khả xâm phạm” là đã tính toán rất kỹ lưỡng. Lực lượng địch ở đây lúc cao nhất là 16.200 quân với nhiều vũ khí phương tiện quân sự hiện đại được bố trí tại 3 phân khu gồm 49 cứ điểm. Kẻ thù muốn biến Điện Biên Phủ thành huyết địa chôn vùi các đại đoàn chủ lực của Việt Minh.
Quyết tâm giành thắng lợi kể cả của ta và địch đã được xác lập từ đầu, nên cả hai bên đều dốc sức, dồn trí cho cuộc đối chiến mang tính quyết định này. Thắng hay thua trong cuộc chiến Pháp-Việt sẽ được quyết định bằng thua hay thắng ở lòng chảo Mường Thanh năm 1954.
Phía ta, ngày 14/1/1954, tại hang Thẩm Púa, trước một sa bàn cát, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch đã họp bàn và quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án Đánh nhanh, thắng nhanh trong vòng 3 đêm 2 ngày. Nếu như kế hoạch được thực hiện như thế thì không biết kết cục cuối cùng của Điện Biên Phủ sẽ ra sao và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta còn kéo dài bao lâu nữa. Và đây, mới là dấu mốc đáng nhớ nhất của chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cho là quan trọng hơn dấu mốc lịch sử ngày 7/5/1954 mà ai cũng biết. Đó là ngày 26 tháng 1 năm 1954.
Vâng, ngày này, không thể khác, đã minh chứng sinh động tài năng đọc bối cảnh, chọn phương án, ra quyết định tác chiến phù hợp bảo đảm chiến thắng cuối cùng cho chiến dịch. Ngày ấy, tại hang Huổi He, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng tình hình giữa ta và địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra quyết định, một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông là thay đổi phương án tác chiến Đánh nhanh, thắng nhanh sang Đánh chắc, tiến chắc.
Và sau đó, tại khu rừng Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, năm mươi sáu ngày đêm/khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/máu trộn bùn non/gan không núng/chí không mòn… (thơ Tố Hữu) giành chiến thắng cuối cùng tại Điện Biên Phủ.
Đại thắng mùa xuân 1975. Tài năng quân sự của Đại tướng thể hiện rõ nét trong việc cùng Bộ Tổng Tư lệnh lên kế hoạch dàn thế trận, tạo thời cơ căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc, quân ta quyết giữ địch ở mặt trận Huế-Đà Nẵng; phía Nam giữ địch ở ngay chính Sài Gòn, sào huyệt của đối phương. Quãng giữa miền Trung và Tây Nguyên, địch bộc lộ sơ hở. Khi đối phương đã rơi vào thế bày binh bố trận của ta, quân đội cách mạng bất ngờ điểm huyệt Buôn Ma Thuột, làm rung chuyển và phá vỡ thế phòng thủ Tây Nguyên của địch, tạo nên sự đột biến chiến lược. Thời cơ đã tới, quân ta tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng và tiếp theo là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Thời cơ chín muồi, kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976 được rút xuống. Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh chứng tỏ sức mạnh vượt trội, tràn đầy dũng khí, quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những tháng ngày lịch sử không thể nào quên. Mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa... trở thành hồi kèn xung trận cổ vũ mạnh mẽ quân và dân ta. Những quân đoàn chủ lực chiến lược hành quân thần tốc đường dài với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”. Quân ta vừa hành quân, vừa chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu.
Tính đến ngày 25/4/1975, ta đã tập trung cho chiến dịch được khoảng 270.000 quân (chủ lực 250.000 người) với tổng cộng 15 sư đoàn, 14 trung đoàn bộ binh, tổ chức thành 4 quân đoàn và Đoàn 232 (tương đương 1 quân đoàn); ngoài ra còn có một số trung đoàn, lữ đoàn độc lập. Binh khí kỹ thuật cũng được dồn cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác với 1.000 khẩu pháo các loại, 320 xe tăng thiết giáp, 1 đại đội máy bay A37…
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã đạt đỉnh cao trong việc phối hợp các lực lượng tiến công và nổi dậy tiêu diệt địch để giành chính quyền; trong tạo ra thời cơ có lợi cho cách mạng và tạo sức mạnh về thế trận. Địch đã bị cuốn vào cách đánh của ta dẫn đến rối loạn, vỡ trận và cuối cùng bị thất bại hoàn toàn. Có lẽ cũng cần phải nhắc tới cái sự nhìn xa trông rộng của Đảng ta, Quân đội ta và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi quyết định đưa những đoàn quân vượt biển giải phóng làm chủ nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa…
Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là chặng đời đẹp nhất của Đại tướng. 21 năm ấy minh chứng rõ ràng nhất thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp. Từ đó cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, Đại tướng vẫn là một huyền thoại. Huyền thoại về một vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình, tài năng và đức độ luôn tỏa sáng.
Nguyễn Hữu Quý