Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2021):

Bản hùng ca "Chiến thắng Điện Biên" vang mãi với thời gian

  • 08:26 | Thứ Sáu, 07/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, có hai ca khúc sáng tác kịp thời nhất với hai sự kiện lịch sử vĩ đại, đó là bài "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" của nhạc sỹ Phạm Tuyên, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Nhân dịp kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2021), hãy cùng nhìn lại sự ra đời của ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sỹ Đỗ Nhuận trong những ngày cuộc chiến quyết liệt với thực dân Pháp 67 năm về trước.
 
Mùa xuân 1954, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Biện Biên Phủ. Chiến dịch rất ác liệt, kéo dài nên không được phép tập trung đông người để xem biểu diễn. Đoàn phải phân tán thành từng tốp từ 3 đến 5 diễn viên xuống tận chiến hào, vào từng hầm cấp cứu thương binh để biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công. Mỗi nghệ sỹ, mỗi ca sỹ, nhạc công... đều là chiến sỹ thực thụ. Từ trưởng đoàn đến diễn viên đều tham gia làm đường, tải đạn, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị chiến đấu với tinh thần "tất cả để chiến thắng".
 
Chiến dịch đã kéo dài tới ngày thứ 50. Sáng hôm ấy, nhạc sỹ Đỗ Nhuận cùng anh chị em văn công đang cuốc đất, sỏi đá san lấp mặt đường, một cán bộ tuyên huấn mặt trận tìm đến. Với giọng nói đầy lạc quan, anh nói với nhạc sỹ Đỗ Nhuận như để mọi người cùng nghe: "Thắng đến nơi rồi. Đỗ Nhuận phải sáng tác một ca khúc mừng chiến thắng, kẻo không đuổi kịp cánh lính bộ binh xung kích đó..."
 
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận băn khoăn, nghĩ về cách viết bài hát. Theo ông, trước hết phải có một khung cảnh tươi sáng, rộn ràng của đất rừng Tây Bắc, nơi mà bộ đội, văn công và đồng bào các dân tộc đã dồn hết sức lực để làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại.
 
Về chất liệu, âm nhạc của hai bài ông sáng tác trước đó là "Hành quân xa"và "Trên đồi Him Lam" đã mang chất liệu âm nhạc đồng bằng. Nay, ca khúc chiến thắng Điện Biên phải bao gồm các chất liệu âm nhạc dân tộc Việt và Thái. Nhạc sỹ tự hỏi, liệu có thể pha trộn chất liệu được không và ông tự nhủ mình phải cố gắng tạo ra "bút pháp" mới cho bài hát được phong phú, trong đó, giai điệu đóng vai trò quan trọng. Điều quan trọng là phải có nhạc cảm và sự rung động mạnh mẽ trong tâm hồn. Ông chờ đợi thời điểm...
 
Xuất xứ ra đời của ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" đã được chính tác giả-nhạc sỹ Đỗ Nhuận cho biết qua hồi ký "Âm thanh cuộc đời". Con trai của nhạc sỹ Đỗ Nhuận- nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho biết: Cha anh sáng tác "Chiến thắng Điện Biên” từ khi anh chưa chào đời. Sau này, anh có đọc hồi ký của cha về ca khúc này, ông viết: "Buổi chiều ngày 7-5, chúng tôi đang cuốc, rải đá thì một anh liên lạc từ mặt trận đạp xe qua reo to: Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi! Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn"...
 
Theo nhạc sỹ Đỗ Nhuận, về thời điểm sáng tác, cứ tập trung tư tưởng để lấy đà chờ đúng lúc thì thăng hoa. Sáng tác trước hoặc sau thời kỳ ấy đều không đủ độ, thiếu chất men. Dù trước đó, ông ghi dày đặc trong sổ tay những từ ngữ lộn xộn như: "Em bé xòe hoa-đàn bướm trắng-lá ngụy trang-súng đại bác-giải phóng Điện Biên"… Và rồi, khoảnh khắc thiêng liêng của sáng tạo đã ập đến. Rồi những ca từ nẩy ra: "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui"... 
 
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận cũng đã tâm sự: "Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi làng xóm đều hân hoan một niềm vui vô tận. Nhưng niềm vui của cả dân tộc là vĩ đại, bởi đã giành được chiến thắng vinh quang trước kẻ thù. Trước hào quang toàn thắng, lòng tôi trào dâng một niềm vui. Chân gõ nhịp để tìm tiết tấu và ca từ mà như muốn nhảy lên, reo lên: "Biết bao sướng vui, từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào nao nức mong đón ta trở về"... Tôi vận dụng giai điệu dân ca quan họ Bắc Ninh từ bài: "Ai xui lúa chín" trong đó có câu: "Ấy mấy em nhớ ai, kia là ba bốn nhớ, ấy mấy ba bốn nhớ, chín mười chờ"... để đưa vào giai điệu bài hát."
 
Cũng theo nhạc sỹ Đỗ Nhuận, sở dĩ ông viết thêm lời hai của bài hát là bởi giá trị lịch sử của nó. Trước khi mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ta chủ trương: "Đánh nhanh giải quyết nhanh". Sau khi nghiên cứu lại tình hình bố phòng của giặc Pháp, chúng đã xây dựng cộng sự vững chắc, hỏa lực mạnh, ta không thể tốc chiến tốc thắng được. Vậy là ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sỹ Đỗ Nhuận hoàn thành, đã được vang lên một cách hào hùng đúng trong những ngày thắng lợi hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ-ngày 7-5-1954.
 
Khi nói về ca khúc "Chiến thắng Điện Biên”, nhiều nhà phê bình âm nhạc nhận xét: Đó là tác phẩm điển hình, mẫu mực của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Ông đã sáng tạo điệu thức dân ca, vận dụng nhuần nhuyễn sự mới lạ, mang sắc thái những điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo Bắc Bộ. Tất cả những hình tượng như tiếng kèn, nhịp bước quân hành, những bước chân rạo rực, điệu múa xòe hoa... đều cuộn chảy trong tâm hồn ông, rồi trào dâng, thăng hoa thành vần, nhạc, điệu. Con người và phong cảnh Mường Thanh, Điện Biên, Tây Bắc đã được giới thiệu trong từng ca từ, trong mỗi tiết nhạc, câu nhạc, tạo thành một tác phẩm âm nhạc mới mẻ về bút pháp, về tiết tấu và giai điệu trong sáng tác ca khúc những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX. 
 
Đoàn văn công Tổng cục Chính trị đã hát ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" ở khắp các đơn vị tham gia chiến dịch. Bài hát được phổ biến rộng rãi sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu". Từ ấy đến nay, suốt 67 năm qua, ca khúc "Chiến thắng Điện Biên", một trong những ca khúc ghi nhớ về chiến thắng oai hùng của dân tộc luôn vang lên hùng tráng, hòa hợp trong dòng ca khúc cách mạng của đất nước ta. Đặc biệt mỗi ngày, nhạc hiệu Đài Tiếng nói Việt Nam cất lên, âm vang bài hát "Chiến thắng Điện Biên" lại bay cao, lan xa khắp các nước trên thế giới, chúng ta càng tự hào về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Tổ quốc Việt Nam anh hùng.
 
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc rất sớm, năm 1939, khi ông mới 17 tuổi. Nhưng ông thực sự giác ngộ cách mạng từ năm 1943, khi ông bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Sơn La. Cuộc đời hoạt động âm nhạc của ông từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến đến hòa bình xây dựng đất nước, ông đã để lại cho nền âm nhạc nước nhà hàng trăm ca khúc và những tác phẩm âm nhạc quy mô lớn. Ông là nhạc sỹ Việt Nam đầu tiên bước tới opera, khi đã tu nghiệp đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ, từ 1960-1963) với vở "Cô Sao" hoành tráng trong những ngày đầu chống Mỹ cứu nước. Những năm sau ngày thống nhất đất nước, do tình hình sức khỏe, ông sáng tác thưa dần. Dù vậy, ông vẫn cố gắng truyền lại những kinh nghiệm, những tâm huyết cho thế hệ tương lai cho đến khi mất (1991).
 
BOX: Nhạc sỹ Đỗ Nhuận sinh ngày 10-12-1922, quê ở Bình Giang, Hải Dương. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 1957 và là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam khóa I và II, từ năm 1957 đến năm 1983.
 
Ông đã được xuất bản nhiều tuyển tập: "Chiến thắng Điện Biên Phủ" (1961), "Người tạc tượng" (1973), "Việt Nam quê hương tôi" (1977), "Tuyển chọn ca khúc Đỗ Nhuận" (1994) và album audio tác giả, phim truyền hình video "Đỗ Nhuận, người nhạc sỹ của nhân dân" (1996), tập hồi ký "Âm thanh cuộc đời" (2004). Nhạc sỹ Đỗ Nhuận được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I-1995 và nhiều huân chương, huy chương, giải thưởng khác.
 
Nhạc sỹ Dương Viết Chiến