Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ký ức Ngư Hóa

  • 08:22 | Chủ Nhật, 24/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn 50 năm trước, vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ tiến hành ở miền Bắc, hàng nghìn người dân, trẻ em ở khu vực Quảng Bình, Vĩnh Linh phải tạm xa nơi chôn nhau cắt rốn để sơ tán về hậu phương. Trong cuộc trường chinh đó, ít ai biết sự kiện gần 1.200 thầy và trò Trường cấp 3 Lệ Thủy băng rừng lội suối để tiếp tục "vun trồng" con chữ ở vùng cao Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa)…
 
Ngư Hóa là xã miền núi rẻo cao nằm ở phía Đông Bắc huyện Tuyên Hóa, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và lâm nghiệp. Trước đây, muốn giao thương với các vùng lân cận, người dân Ngư Hóa chỉ có tuyến đường sông với thuyền độc mộc theo Rào Trổ về xuôi và đường bộ qua đèo Mồng Gà nối liền các xã Mai Hóa-Ngư Hóa-Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
 
Sau này, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, xã Ngư Hóa đã được đầu tư bê tông hóa một số tuyến đường, đặc biệt công trình đường Mai-Ngư hoàn thành đã trở thành xương sống huyết mạch kết nối Ngư Hóa với miền xuôi để người dân nơi đây đi lại thuận lợi và giao thương. 
Đường lên xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa).
Đường lên xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa).
Khó khăn là thế nhưng vào khoảng tháng 10-1967, nhân dân Ngư Hóa vui mừng mở rộng vòng tay nhường cơm, sẻ áo, chung tay xây dựng trường lớp chào đón gần 1.200 thầy và trò Trường cấp 3 Lệ Thủy (nay là Trường THPT Lệ Thủy) ra sơ tán.
 
Hơn 50 năm trôi qua, trong tâm trí của người dân xã Ngư Hóa vẫn nhớ như in vào các năm 65, 66, 67 của thế kỷ trước, thời điểm không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nhằm chặn đường tiếp tế quân lương cho chiến trường miền Nam. Ở tuyến đầu nên Quảng Bình trở thành nơi bị đánh phá rất ác liệt, do vậy, để bảo toàn lực lượng, Ủy ban Hành chính tỉnh đã có chủ trương cho Trường cấp 3 Lệ Thủy sơ tán ra Ngư Hóa.
 
Thực hiện kế hoạch này, nhà trường đã cử thầy giáo Nguyễn Thế Hiệu, Nguyễn Thế Phong lên đường tiền trạm trực chỉ ra Ngư Hóa để thực hiện các thủ tục xin đất dựng trường.
 
Thành lập năm 1962, là một trong những trường cấp 3 đầu tiên của tỉnh Quảng Bình, nên dù thời chiến nhưng nhà trường đã có quy mô 15-16 lớp với số lượng lớn học sinh theo học lớp 8, 9, 10 của các xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy.
 
Do vậy, để bảo đảm an toàn cho học sinh và thầy, cô giáo, khi sơ tán ra Ngư Hóa, Trường cấp 3 Lệ Thủy đã có chủ trương tách thành 2, đó là: Trường cấp 3 A do thầy Trương Quang Thuần làm hiệu trưởng, đứng chân tại xóm Thác Nậy, xóm Rắn, xóm Nớc (nay là thôn Tân Lâm); Trường cấp 3 B do thầy Đinh Ngọc Thương làm hiệu trưởng đóng tại xóm Kịn và Lu Bu (xóm Liên Thành nay là thôn 4).
Nhật ký của cố nhà thơ Hải Kỳ.
Nhật ký của cố nhà thơ Hải Kỳ.
Vào những năm tháng này, cố nhà giáo, nhà thơ Hải Kỳ (học sinh Trường cấp 3 Lệ Thủy A) đã ghi chép khá đầy đủ trong nhật ký của mình. Ông tên thật là Trần Văn Hải, quê xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy) nhưng sinh ra ở quê ngoại xóm Câu (Đồng Hới). Thị xã Hoa Hồng do bị khói lửa chiến tranh tàn phá trở thành bình địa, để bảo đảm an toàn, ông được ba mẹ đưa về quê nội tá túc nhà cô ruột ở xã Mỹ Thủy học tiếp cấp 3.
 
Thời điểm nay, ông trở thành học trò của thầy giáo Phan Ngọc Thu, Ngô Mạnh Quát… là bạn học cùng lớp với các nhà thơ sau này đã thành danh, như: Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty… và những người anh em bà con, nhà giáo Trần Hải Cảng, Trần Tả Ngạn, Võ Chí Thắng…
 
Lật dở những trang nhật ký úa màu thời gian, chính bút danh Hải Kỳ gắn bó với con đường thơ của ông được hình thành trong những ngày tháng ở Ngư Hóa. Ông đã ghi lại sự trăn trở khi quê hương đang chìm trong bom đạn: “Phía chân trời hướng Nam, nơi quê hương chôn nhau cắt rốn bị dãy Mồng Gà án ngự, che khuất tầm mắt nên không nhìn được rộng, thấy gợn lên những lớp mây trắng hơi vàng, trời không được trong lắm. Có lẽ bởi khói lửa, bom đạn quân thù hàng ngày ném xuống quê nhà đã làm bầu trời vẩn đục. Ôi,ước gì được chắp cánh bay về quê hương thăm gia đình và cùng các anh ta trực chiến bên mâm pháo giữ quê nhà cho trời trong nắng đẹp, cho đất nước mãi màu xanh dịu hiền, đầm ấm…” (Nhật ký ngày 24-5-1968).
 
Ông Võ Tiến Lợi, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải kể lại kỷ niệm khi sơ tán lên xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa) sinh sống và học tập.
Ông Võ Tiến Lợi, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải kể lại kỷ niệm khi sơ tán lên xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa) sinh sống và học tập.
Ông Võ Tiến Lợi (quê xã An Thủy, lúc đó là học sinh lớp 9B, Trường cấp 3 Lệ Thủy B), nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình hồi tưởng, vào khoảng tháng 7-1967, học sinh Trường cấp 3 Lệ Thủy nhận lệnh sơ tán ra Ngư Hóa. Sau đó, để tránh máy bay Mỹ phát hiện, thầy và trò được giao liên dẫn đường tập trung tại xã Sơn Thủy rồi theo lộ trình Hoa Thủy-Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh)-Cự Nẫm (huyện Bố Trạch)-Cao Quảng-Châu Hóa-Mai Hóa, vượt đèo Mồng Gà lên Ngư Hóa. Đường đi gian khổ “trên bom dưới đạn” nên từ Lệ Thủy lên với Ngư Hóa, thầy và trò Trường cấp 3 Lệ Thủy phải mất đến 7 ngày đêm. Lên đến nơi, cùng với sự giúp sức của người dân Ngư Hóa, thầy và trò vào rừng chặt gỗ dựng trường, lán trại, đào hầm trú tránh bom đạn.
 
Trong thời gian sơ tán, dù được cung cấp lương thực nhưng với độ tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” nên học trò sinh sống tập trung trong lán trại hay ở nhà dân đều phải tăng gia sản xuất, mót sắn, hái rau rừng, đào củ mài… chống đói.
 
Dù cho cuộc sống rất khó khăn, nhưng thầy, cô giáo dạy dỗ rất nhiệt tình và coi học trò như con; học trò chăm chỉ, ham học. Ban đêm, có lúc thiếu dầu thắp đèn, bí quá nên thầy, trò sáng kiến đốt lửa lên để lấy ánh sáng tiếp tục "dùi mài kinh sử". Mỗi khi thiếu gạo ăn, mà thuyền chưa vận chuyển lên được thì thầy và trò lại băng rừng, lội suối, vượt đèo Mồng Gà về đến Mai Hóa gùi gạo.
 
Tình thầy trò, tình người Ngư Hóa đã được thầy giáo Lê Công Mục khắc họa rõ nét trong bài thơ “Đưa tiễn các em đi” viết năm 1969: “Dốc Lâm Lang nắng thiêu lửa đốt/Đèo Mồng Gà biển bạc bốn bề sương/Ngư Hóa lòng dân dựng lại mái trường/Em lớn, em khôn, bên thầy, bên bạn/Chia hạt dẻ rừng, bẻ đôi củ sắn/Chung chiếc chăn chiên rét buốt đêm thâu…"
 
Chính sự đùm bọc, cưu mang của người dân Ngư Hóa là động lực thôi thúc thầy, trò Trường cấp 3 Lệ Thủy (khóa học 1967-1969) vươn lên trong gian khó để dạy và học. Nhiều người sau này trở thành lãnh đạo tỉnh, cán bộ cốt cán ở các bộ, ngành Trung ương cũng như thành danh trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, giao thông, báo chí…
52 năm đã trôi qua, nhưng ký ức quãng thời gian sơ tán lên Ngư Hóa sinh sống và học tập, có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của thầy và trò Trường cấp 3 Lệ Thủy thuở nào. Và, thi thoảng, những cô cậu học trò trẻ trung ngày ấy nay xấp xỉ tuổi “xưa nay hiếm” tề tựu trở lại Ngư Hóa để gặp gỡ, tri ân chính quyền và người dân nơi đây đã cưu mang, đùm bọc họ trong tháng ngày gian khó.
 
Trần Minh Văn