Ký sự pháp đình

Giải thoát

  • 14:38 | Chủ Nhật, 08/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, cứ mỗi lần Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi về lý do xin được ly hôn chồng là người phụ nữ ấy lại khóc. Gạt những giọt nước mắt trên gương mặt khắc khổ, cam chịu, chị nói như van nài: “Xin tòa giải thoát cho tôi khỏi người chồng vũ phu, cạn nghĩa cạn tình. Còn không, chẳng biết tôi chết sống ngày nào khi vẫn phải chung sống dưới một mái nhà”.
 
Phiên tòa hôm ấy diễn ra khá lặng lẽ, không lời qua tiếng lại, không có chuyện tranh giành, phân chia tài sản… chỉ thấy toàn nước mắt của người dự khán. Ngồi ở vị trí “Người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan” trong vụ án là một cô bé trạc tuổi mười bốn, mười lăm. Cháu là con gái út của người mẹ bất hạnh, nguyên đơn trong vụ án ly hôn. Thấy mẹ khóc, cô bé ngằn ngặt khóc theo.
 
“Cháu tên Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh năm 2006, con mẹ Thủy. Hôm nay, cháu đến tòa để kể cho HĐXX biết về những bi kịch trong gia đình cháu, dù cháu vẫn còn thương bố, nhưng cách bố bạo hành mẹ thì cháu không thể chấp nhận được. Chuyện bố đánh đập mẹ không phải chỉ diễn ra ngày một, ngày hai mà kéo dài nhiều năm rồi. Anh em cháu sống trong cảnh bố mẹ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”… Kết cục hai anh đầu phải bỏ học giữa chừng, đi vào miền Nam làm thuê, làm mướn. Thực sự, nếu tòa không cho mẹ ly hôn bố, trở về cái “địa ngục” ấy, không biết mẹ sống chết ngày nào. Mỗi lần bố say rượu lại đánh đập mẹ. Bố đánh đập mẹ như một thói quen, như một trò tiêu khiển”.
 
Chị tên Trương Thị Thủy (SN 1970), quê quán xã Sơn Thủy kết hôn cùng chồng là anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1964) ở xã Hoa Thủy vào năm 1993. Chị bấm ngón tay nhẩm tính… rứa là hai người về làm chồng, làm vợ ngót nghét gần 40 năm. Vợ chồng có ba mặt con, Nguyễn Đức Nhân (SN 1994), Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1995) và Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 2006). 
Hạnh phúc gia đình thực sự khá êm ấm khoảng 26 năm. Mọi cơ sự xảy ra từ tháng 4-2019, anh Thắng trở tính, trở nết sa đà vào cờ bạc, rượu chè. Mỗi lúc thua bạc hay say rượu, người chồng, người cha vũ phu ấy về nhà gây gổ, đánh đập vợ con. Ban đầu thỉnh thoảng mới xảy ra, nhưng về sau thì “như cơm bữa”. Bạo hành gia đình làm hai con trai Nguyễn Đức Nhân, Nguyễn Đức Nghĩa phải bỏ học giữa chừng. Thương mẹ, hai anh em quyết định ly hương vào miền Nam làm thuê kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi em gái. Sâu xa hơn, Nhân, Nghĩa rời xa gia đình để tránh bị đòn roi của bố và thôi không còn phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ mà chúng chẳng thể làm được gì để can ngăn.
 
Lúc lên 6, lên 7 tuổi, khi tâm hồn non nớt của Nguyễn Thị Thanh Hương dần hiểu chuyện cũng là lúc Hương chúi đầu vào lòng mẹ, tránh sự bạo hành của bố. Nhiều lúc trong đêm Hương và mẹ phải trốn chạy khỏi nhà, nương nhờ hàng xóm. Sức chịu đựng con người cũng có mức độ, chị Thủy phải đưa con đi thuê nhà trọ ở, rời xa người chồng vũ phu.
 
Chủ tọa phiên tòa hỏi chị Trương Thị Thủy: “Việc bạo hành gia đình xảy ra như cơm bữa, vì sao chị không nhờ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở can thiệp?”. Người phụ nữ đau khổ trả lời: “Có chứ… trước đây, mỗi lần bị đánh đập, tôi đều báo chính quyền địa phương. Chính quyền gọi anh Thắng lên giáo dục, nhắc nhở rồi cho về. Mỗi lần như vậy, mức độ bạo hành lại nặng nề hơn. Vợ chồng làm thuê, làm mướn dù cực khổ mấy tôi cũng chịu được nhưng sống trong cảnh “địa ngục” như thế này thì sức chịu đựng cũng chẳng mấy hồi. Tôi đi bóc vỏ keo, tràm thuê cho người ta, công việc nặng nhọc mệt mỏi. Tối về chồng không một lời an ủi, động viên, xin tiền đi đánh bài, đi uống rượu không được lại nọc tôi ra mà đánh thừa sống thiếu chết. Nhiều đêm phải tìm đường đưa con trốn qua nhà hàng xóm mới bảo toàn tính mạng. Lời con gái tôi trình bày trước tòa đều là sự thật. Trẻ con không bao giờ biết nói dối đâu, thưa tòa!”.
 
Ba đứa con của chị Trương Thị Thủy và anh Nguyễn Văn Thắng đều đồng ý cho mẹ “đoạn tuyệt” với bố. Nói lời sau cùng, chị Thủy nghẹn ngào trong nước mắt: “Ly hôn là giải pháp cuối cùng tôi lựa chọn, xin tòa giúp tôi giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc với anh Nguyễn Văn Thắng vì tình nghĩa vợ chồng đã đoạn tuyệt. Nếu hòa giải thành, trở về sinh sống dưới mái nhà chung, mai này tuổi cao sức yếu, tôi sợ tính mạng mình bị đe dọa. Đường ai nấy đi, không còn ràng buộc nhau về mặt pháp lý, tôi còn có cơ hội làm lại, kiếm tiền nuôi con gái nhỏ trưởng thành. Vì sau ly hôn, anh Thắng không tìm ra cơ hội, lý do gì để đánh đập, hành hạ tôi nữa”.
 
HĐXX nhận định, pháp luật nhân văn không hướng tới và khuyến khích việc ly hôn vì tình trạng ly hôn sẽ kéo theo những hệ lụy cho bản thân người trong cuộc và cho toàn xã hội. Nhưng pháp luật cũng không đóng cửa đối với những cuộc hôn nhân "địa ngục" như trường hợp chị Trương Thị Thủy, vì thế đã giải quyết cho chị ly hôn với anh Nguyễn Văn Thắng.
 
Lời tòa tuyên vừa dứt, cô bé Nguyễn Thị Thanh Hương vụt chạy lên phía mẹ. Chị Thủy siết chặt đứa con gái bé bỏng vào lòng. Hai mẹ con nước mắt nghẹn ngào.
 
* Tên các nhân vật đã thay đổi
Hồ An